Triệt sản bằng biện pháp thắt ống dẫn tinh là phương pháp tránh thai được nhiều "cánh mày râu" lựa chọn khi không muốn sinh thêm con. Hiệu quả của phương pháp này khi được thực hiện thành công lên đến 99% nhưng không thể tránh khỏi những trường hợp ngoại lệ. Dưới đây là trường hợp chồng đã thắt ống dẫn tinh nhưng vợ vẫn mang bầu đang thu hút đông đảo sự chú ý.
Câu chuyện do bác sĩ Tô Di Ninh, một bác sĩ sản phụ khoa người Trung Quốc chia sẻ. Theo bác sĩ Tô, cách đây không lâu, một cặp vợ chồng đến phòng khám của cô và người vợ phàn nàn rằng, kinh nguyệt của cô đã không xuất hiện trong vài tháng, kèm theo đó có biểu hiện buồn nôn, mệt mỏi. Người vợ lo lắng mình gặp vấn đề về nội tiết nên đi khám.
Khi đi khám, người vợ choáng váng phát hiện có thai dù chồng đã thắt ống dẫn tinh từ 7 năm trước.
Nghe vậy, bác sĩ Tô yêu cầu người phụ nữ này thử thai trước vì đây đều là những dấu hiệu báo có thai. Nghe vậy, hai vợ chồng bệnh nhân cười xòa và gạt ngay đi, cho biết người chồng đã triệt sản cách đây 7 năm, việc mang thai là không thể nên thử chỉ tốn thời gian.
Thế nhưng bác sĩ Tô rất kiên trì, yêu cầu người phụ nữ thử thai. Tới khi có kết quả, que thử thai hiện hai vạch, sắc mặt của hai vợ chồng khác hẳn. Người vợ sốc nặng, liên tục khẳng định rằng mình thực sự không ngoại tình, người chồng thì cáu giận rồi cả hai cãi cọ nhau ngay tại phòng khám.
Thấy cả hai lời qua tiếng lại, bác sĩ Tô phải lên tiếng can ngăn. Sau đó, bác sĩ Tô cho biết rằng, nhiều thứ không thể chính xác và tuyệt đối, thêm nữa triệt sản không có nghĩa là bạn không thể có thai 100%. Trên thế giới, không có biện pháp tránh thai nào có tỷ lệ 100% cả.
Có hai phương án để giải mối nghi ngờ, thứ nhất có thể làm xét nghiệm tinh dịch trước, nếu còn lo lắng thì bạn có thể làm xét nghiệm ADN. Sau đó, người đàn ông đồng ý xét nghiệm tinh dịch. Kết quả cho thấy, tinh dịch của anh vẫn có tinh trùng, xét nghiệm ADN thì đứa con trong bụng vợ quả thực là con của anh. May mắn thay sau hai xét nghiệm, hai vợ chồng lại hoà thuận, vui vẻ trở lại.
Sau khi làm xét nghiệm ADN, vợ chồng chị Tô mới hòa thuận trở lại. (Ảnh minh họa)
Trước đó, sự việc tương tự đã xảy ra với vợ chồng chị Terricka ở Mỹ. Cụ thể, cảm thấy dạ dày có vấn đề, chị Terricka đã đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả cho thấy chị đang mang thai đôi.
Người phụ nữ vô cùng bất ngờ và nhất quyết yêu cầu bác sĩ kiểm tra lại vì trước đó, chồng chị là anh Antonio đã đình sản bằng cách thắt ống dẫn tinh. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra lại vẫn cho thấy chị Terricka có thai.
Việc một người đàn ông bị thắt ống dẫn tinh mà vẫn còn khả năng có con nghe có vẻ khó tin nhưng các chuyên gia nói rằng không phải hiếm. Tiến sĩ Kevin Campbell, một bác sĩ tiết niệu cho biết: "Đây là biện pháp tránh thai hiệu quả nhưng không hoàn toàn 100%. Tỷ lệ thất bại là 1/2000".
Tại sao chồng thắt ống dẫn tinh vợ vẫn có bầu?
Thắt ống dẫn tinh là một phương pháp phẫu thuật có thể ngăn chặn mang thai bằng cách ngăn cản tinh trùng di chuyển từ tinh hoàn tới túi tinh. Phương pháp này bao gồm cắt và và thắt 2 đầu của ống dẫn tinh lại bằng cách buộc thắt nút hoặc đốt điện, làm cho tinh trùng không thể đi từ tinh hoàn tới túi tinh được nữa. Khi người bị thắt ống dẫn tinh xuất tinh, trong dịch có chứa tinh dịch, nhưng không có tinh trùng.
Thắt ống dẫn tinh là một trong những phương pháp ngừa thai hiệu quả nhất. Nhưng vẫn có một khả năng rất nhỏ là thủ thuật này không hiệu quả, dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Lý do gây ra tình trạng có thể do một số nguyên nhân như:
- Việc thắt ống dẫn tinh có hiệu quả nhưng phải mất một thời gian để phương pháp này bắt đầu có tác dụng ngừa thai. Đó là do tinh trùng còn sót lại trong ống dẫn tinh và túi tinh vẫn còn khả năng sống tiếp trong vòng 2-3 tháng. Vì vậy, tinh dịch phóng ra vẫn có tinh trùng.
- Phẫu thuật xảy ra sai sót, ống dẫn tinh không được thắt thực sự mà chỉ thắt các sợi dây chằng hoặc huyết quản quanh ống tinh.
- Một người nào đó có thêm ống dẫn tinh khác và bác sĩ không nhìn thấy nó, mặc dù trường hợp này rất hiếm. Do đó, chỉ thắt một ống và đương nhiên khả năng thụ thai vẫn còn.
- Ngoài ra, cũng có do ống dẫn tinh cắt quá ít, đoạn đứt chưa xử lý bao lại; khi thắt bị bong hoặc thắt không chặt, cũng có khả năng do áp lực tinh trùng lọt ra ngoài.