Bất kì những trục trặc nào trong cuộc sống gia đình đều có ảnh hưởng không nhỏ tới con trẻ, các bé đều mơ hồ hiểu được sự biến động trong gia đình và ra sức hàn gắn bằng những cách mà bố mẹ cũng không hề biết.
Điều đau lòng đó hiện cũng đang xảy đến với gia đình ca sĩ, diễn viên Diệp Lâm Anh khi cô và chồng cũ doanh nhân Nghiêm Đức đang ở trong những tháng ngày ly thân, hoàn tất những thủ tục để ly hôn. Thế nhưng điều mà Diệp Lâm Anh cũng chưa bao giờ nghĩ tới đó chính là việc cô con gái 4 tuổi của cô - bé Boorin vẫn âm thầm giúp bố mẹ hàn gắn vết thương qua những lần được gặp bố.
Cụ thể, trong một bài trả lời phỏng vấn mới đây của nữ diễn viên sinh năm 1989, khi được hỏi đâu là thời điểm thích hợp để nói với các con về sự thay đổi trong gia đình mình, cô cho hay: "Thực ra Diệp Lâm Anh nghĩ là các con cảm nhận được, từ nhỏ nó biết đấy nhưng mà nó đang chưa thể hiểu được là nó sẽ phải nói chuyện với bố mẹ thôi. Tại vì khi Diệp Lâm Anh đưa các con sang nhà nội xong, lúc đón về Kiều Anh (tên thật con gái Diệp Lâm Anh) cũng có nói là 'Lúc nãy con hỏi ba Ti là ba Ti còn yêu mẹ Cún không?, ba Ti trả lời là ừ'. Xong rồi con cũng nói những cái mà Diệp Lâm Anh cảm nhận là Kiều Anh giống như là đang muốn hàn gắn cho bố mẹ. Vậy thì mình cũng tự hiểu một cái điều là các con nó hiểu, từ nhỏ nó hiểu chỉ là nó không biết nói sao thôi".
Được biết Diệp Lâm Anh kết hôn cùng doanh nhân Nghiêm Đức vào năm 2018 và có 2 con là bé gái tên Boorin (bốn tuổi) và bé trai B.Boy (ba tuổi). Từ khi lấy chồng, cô ít hoạt động showbiz, chủ yếu kinh doanh cửa hàng trà sữa, thời trang. Tuy nhiên, sau khi thiếu gia Nghiêm Đức vướng tin đồn ngoại tình, Diệp Lâm Anh cũng xác nhận việc hai vợ chồng ly thân, cô ôm hai con ra ở tại một căn hộ cho thuê ở TP.HCM.
Gần đây, Diệp Lâm Anh và Nghiêm Đức ra tòa để bàn bạc các vấn đề ly hôn, trong đó điều đáng quan tâm và khiến bà mẹ lo lắng nhất là hai con bị chia cắt. "Cái khó nhất của hai bên bây giờ là con cái. Mong muốn lớn nhất của Diệp Lâm Anh là được nuôi dưỡng hai con với lý do là các con còn quá nhỏ, không có sự chăm sóc nào tốt hơn, sự bảo bọc nào tốt hơn của một người mẹ. Đi đến quyết định ly hôn là không ai mong muốn. Về phía anh Nghiêm Đức mong muốn được nuôi dưỡng bé Kiều Anh. Việc này Diệp Lâm Anh cảm thấy các con còn quá nhỏ mà phải chia cách thì việc đó không mang tính chất nhân đạo, rất tội nghiệp cho hai bé nên mình đang đấu tranh về vấn đề này".
Mặc dù 2 lần cùng chồng cũ ra tòa thỏa thuận ly hôn nhưng Diệp Lâm Anh vẫn cố gắng mang đến cho các con sự quan tâm đầy đủ nhất của gia đình bên nội và gia đình bên ngoại. Cô và chồng cũ Nghiêm Đức ít khi trò chuyện với nhau nhưng Diệp Lâm Anh thường xuyên tự chở các con sang bên nội để gắn kết tình cảm với ông bà và người thân.
"Hai con còn quá nhỏ, chưa biết gì về chuyện bố mẹ không sống chung. Hiện các bé vẫn sống đầy đủ trong tình thương của ông bà nội, bà ngoại và bố mẹ. Ba mẹ con tôi hiện thuê một chung cư để sống cùng bà ngoại, có hai bà vú giúp tôi chăm các bé. Tôi cũng thường xuyên chở Boorin (ba tuổi) và B.Boy (hai tuổi) qua chơi với ông bà nội" - Diệp Lâm Anh cho hay.
Làm mẹ đơn thân, nữ ca sĩ bày tỏ cô cũng phải đối mặt với nhiều áp lực khác nhau giống như bao ông bố bà mẹ đơn thân khác. Trong đó có áp lực về kinh tế phải tốt để đem lại cho các con cuộc sống đủ đầy. Tuy nhiên may mắn khoảng thời gian vừa qua, Diệp Lâm Anh may mắn có bạn bè và người thân bên cạnh. Nhất là hai con "Điều được nhất tôi có trong cuộc hôn nhân này là hai con đáng yêu, khiến tôi hạnh phúc. Hai con là động lực để tôi vượt qua tất cả khó khăn và biến cố trong cuộc sống. Boorin và B.Boy rất quấn quýt nhau, lúc nào cũng đòi ngủ với mẹ" - cô nói.
Có rất nhiều đứa trẻ bị tổn thương dù nhiều hay ít sau cuộc ly hôn của bố mẹ giống như hai con Diệp Lâm Anh. Theo GS.TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, Chủ nhiệm bộ môn Công tác xã hội Trường Đại học Thăng Long, theo các nghiên cứu của chúng tôi, ở Việt Nam, ly hôn để lại hậu quả lớn nhất, đau thương nhất cho trẻ em bởi cách mà cặp đôi ly hôn và cách mà Tòa án xử ly hôn. Khi yêu thì anh/em không thể sống thiếu em/anh nhưng khi ly hôn thì họ coi nhau như kẻ thù thậm chí phải triệt hạ làm cho nhau càng đau khổ càng tốt. Hai loại “vũ khí” mà họ thường dùng trong những trường hợp này là con cái và của cải. Tòa án xử ly hôn cũng chưa thật phù hợp, thiếu chất Xã hội học. Chẳng hạn cần phải xem xét các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng của người được nuôi trẻ và sự đóng góp của người còn lại. Rất nhiều vụ án Tòa xử cho mẹ nuôi con, bố đóng góp nhưng hầu hết những người chồng không thi hành án vì họ còn bận lo cho gia đình mới của họ. Hậu quả là mẹ con phải sống trong nghèo khổ, thiếu thốn. Nhiều người mẹ đã trả đũa bằng cách nói xấu và không cho con gặp mặt bố và không thiếu những trường hợp người bố cũng hành xử như vậy với người mẹ khi anh ta được quyền nuôi con. Họ không biết rằng cách hành xử thiếu văn hóa và nhẫn tâm của họ đã làm cho con cái họ vô cùng tổn thương. Trẻ em là giai đoạn non nớt của con người, cần một mái ấm gia đình che chở, cần sự đồng thuận của cha mẹ để được tự do học hành, ăn chơi, ngủ nghỉ, để lớn lên, trưởng thành cả về mặt nhân cách lẫn thân thể. Vì vậy khi Tòa hỏi “Con muốn ở với ai?” thì 100% trẻ đều khóc lóc và nói “Con muốn ở với cả hai”. Đó là nguyện vọng rất chính đáng nhưng chúng đành bất lực trước quyết định ly hôn của bố mẹ. Điều đó có nghĩa là môi trường gia đình hay hệ thống sinh thái cũ của chúng đang tan vỡ. Sau ly hôn, cần phải hiểu nỗi đau của trẻ và hợp tác trong nuôi dạy chúng để chúng bớt tổn thương. Chính quyền, đoàn thể, nhân viên công tác xã hội cần chú ý giúp đỡ cho các gia đình này. Bố mẹ cần quan tâm, chăm sóc con, giáo dục lối sống lành mạnh cho con giống như lúc vẫn ở với nhau. Bố mẹ đừng giáo dục con thù hằn mà phải giáo dục tình thương yêu, cảm thông với bố mẹ và những người khác. |