Gia đình hạnh phúc là nền tảng để con sau này có tương lai tươi sáng, đó là điều mà tôi đã được dạy từ nhỏ và cho đến hiện tại khi đã trở thành một người mẹ, tôi vẫn luôn cố gắng từng ngày để con trai có được một tổ ấm trọn vẹn giống như bao đứa trẻ khác.
Dẫu cuộc hôn nhân của tôi đang đi vào ngõ cụt, làm ăn khó khăn nên ông xã dần thay đổi tính nết, kiếm tiền thì ít nhưng rượu chè, cờ bạc thì nhiều. Nhiều lần vợ chồng xảy ra xích mích nhưng tôi chưa bao giờ để con trai biết điều đó.
Tôi muốn con tập trung, yên tâm học hành vì thằng bé cũng đã sắp bước vào kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời. Nếu bây giờ gia đình xảy ra chuyện gì thì chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến con. Không đậu đại học, ngộ nhỡ đứa trẻ trách bố mẹ thì tôi biết phải làm sao.
Ảnh minh hoạ
Bởi vì vô cùng lo sợ điều đó nên tôi vẫn nhẫn nhịn, chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc này. Ở độ tuổi dậy thì, bình thường tôi thấy con cũng không tỏ thái độ gì, thằng bé sống khá nội tâm nên tôi cứ nghĩ con không biết hoàn cảnh bố mẹ hiện tại. Nhưng hoá ra tôi đã hoàn toàn sai lầm, không những không biết mà con còn biết rất rõ mối quan hệ của bố mẹ trong khoảng thời gian suốt 1 năm nay.
Tuy nhiên con lại chọn cách im lặng không nói gì, mỗi ngày đều miệt mài trên bàn học. Thấy con chăm chỉ như thế tôi vui lắm, nào có ngờ đằng sau sự tập trung đó là có nguyên do. Và mãi đến tận ngày hôm nay, tôi mới biết nguyên do đó là gì. Trước khi bước vào những ngày thi đại học, thằng bé đã viết một lá thư và để trên bàn học. Hôm nay vô tình vào phòng con tôi mới phát hiện ra, và tôi đã đọc nó trong nước mắt:
"Mẹ ơi! Mẹ có tin con không, nếu mẹ tin con thì hãy cố chịu đựng thêm một chút nữa mẹ nhé! Vài hôm nữa thôi, mẹ hãy sống là chính mình, theo những gì mẹ mong muốn mà đừng chỉ biết sống cho con. Con biết mẹ không hạnh phúc, mẹ đã chịu đựng những gì từ bố để con có một gia đình trọn vẹn, yên tâm học hành. Nhưng con cũng thương mẹ giống như cách mà mẹ đã thương con, thế nên hơn bất kỳ ai, con muốn mẹ được hạnh phúc.
Con không cần một gia đình "giả tạo", con lớn rồi mẹ ạ, không còn nhỏ nữa để lúc nào mẹ cũng vì con. Con đủ trưởng thành để hiểu được mọi thứ nên mẹ ơi đừng lo lắng. Mẹ có thể để con được một lần vì mẹ, để con được bảo vệ mẹ. Dù không biết kết quả sẽ ra sao, nhưng con tin con sẽ làm được, con sẽ đậu trường đại học danh giá và cho mẹ một cuộc sống tốt đẹp nhất sau này.
Vậy nên mẹ à, nếu mẹ thực sự không hạnh phúc, mẹ hãy tự "giải thoát" cho mình nhé! Mẹ hãy coi như đó là vì bản thân, và cũng là vì con. Mẹ hạnh phúc thì con sẽ hạnh phúc mẹ ạ!"
Ảnh minh hoạ
Mỗi ngày tôi đều sống trong lo sợ, sợ con sẽ buồn vì biết bố mẹ đang bất ổn nên lúc nào cũng cố gắng che đậy, tỏ ra là mình đang rất vui, nhưng không ngờ đằng sau sự im ắng của con trai, đứa trẻ rõ tường tận mọi chuyện. Con trai tôi đã thực sự lớn rồi, dẫu không có được một cuộc hôn nhân viên mãn nhưng dù sao tôi cũng "quá hời" khi có được một cậu quý tử hiểu chuyện đến thế.
Đọc lá thư này của con trai xong, lòng tôi bỗng nhẹ bẫng như trút được bao nhiêu gánh nặng. Tôi sẽ ly hôn, để cả tôi và con đều được hạnh phúc...
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng lựa chọn cách nhẫn nhịn, chịu đựng cuộc hôn nhân không hạnh phúc vì muốn cho con một gia đình có trọn vẹn cả bố và mẹ. Thế nhưng theo nhiều nghiên cứu tâm lý, việc để trẻ trưởng thành trong một môi trường gia đình như thế thực sự không mang lại lợi ích nào cả.
Không khí gia đình luôn căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý và thể chất của trẻ. Khi bố mẹ để con chứng kiến những xung đột gia đình, hay cảm nhận được sự nặng nề trong mối quan hệ giữa bố và mẹ, trẻ sẽ mất đi cảm giác an toàn, tác động đến khả năng hình thành mối quan hệ lành mạnh giữa con cái và bố mẹ hoặc các mối quan hệ xã hội khác, khiến cho quá trình trưởng thành của con không suôn sẻ theo chiều hướng tích cực.
Chính vì như thế mà đứng trước lựa chọn ly hôn, người lớn cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Dưới đây là những lưu ý bố mẹ cần biết khi quyết định ly hôn để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đối với con trẻ.
Tránh mang lại tổn thương lớn cho con
Ly hôn là điều không ai mong muốn nhưng là kết quả tất yếu khi vợ chồng không còn tình cảm và khó hoà hợp trong cuộc sống hàng ngày. Các bậc phụ huynh cần lưu ý tránh làm con tổn thương khi đưa ra quyết định trọng đại này. Bố và mẹ đều có trách nhiệm cung cấp tình yêu và sự quan tâm cho con cái sau ly hôn. Trẻ cần cảm nhận được rằng bé vẫn được yêu thương và quan tâm từ bố mẹ.
Điều này đòi hỏi sự hợp tác và tôn trọng con cái ở cả bố và mẹ. Bố và mẹ cần thảo luận và đưa ra thỏa thuận về việc chăm sóc con cái sau ly hôn. Điều này bao gồm việc xác định lịch trình gặp gỡ, quyết định về việc đưa đón con và phân chia trách nhiệm trong việc chăm sóc hàng ngày. Thỏa thuận rõ ràng và công bằng giúp trẻ cảm thấy an toàn và ổn định.
Đừng nói không tốt về chồng/vợ cũ trước mặt con
Đây là chìa khoá quan trọng trong mọi cuộc ly hôn văn minh. Trẻ sẽ cảm thấy bối rối và tổn thương khi bố hoặc mẹ bị nói xấu bởi chính người mình luôn thương yêu và tôn trọng.
Suy cho cùng, khi không còn chung sống, mọi cuộc cãi vả đều trở nên vô nghĩa. Vì vậy, giữ phép lịch sử tối thiểu và giữ hình ảnh đẹp cho nhau là điều tốt nhất mà các bậc phụ huynh dành tặng cho con cái.
Cố gắng giữ quá trình ly hôn diễn ra trong riêng tư
Điều này rất khó đối với những gia đình nổi tiếng. Dù vậy giữ quá trình ly hôn diễn ra trong riêng tư cho đến khi có phán quyết cuối cùng sẽ phần nào giảm bớt sự bàn tán và ý kiếm trái chiều của những người xung quanh - điều có thể tác động đến tâm lý của trẻ.
Trong quá trình hoàn thành thủ tục, bố mẹ nên dành thời gian ở bên con, giải thích và chuẩn bị tinh thần để con thích ứng với cuộc sống không ở cùng bố hoặc mẹ trong tương lai. Hãy ưu tiên chăm lo sức khoẻ tỉnh thần và đồng hành cùng con trong khoảng thời gian này.
Làm bạn, trò chuyện với con mỗi ngày để hiểu bé hơn
Một giao tiếp hiệu quả giữa bố và mẹ là yếu tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng con sau ly hôn. Dù có khác biệt và xung đột, việc trao đổi thông tin về con cái và thảo luận về quyết định quan trọng liên quan đến con cần được thực hiện một cách lịch sự và xây dựng.
Giao tiếp tốt giữa hai bên giúp giảm căng thẳng và tạo ra một môi trường tốt cho con cái. Bố và mẹ cần tôn trọng quyền lợi và quyết định của con cái. Lắng nghe ý kiến của trẻ và cho phép bé tham gia vào quá trình ra quyết định về những vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình. Điều này giúp trẻ phát triển kỹ năng quản lý và tự tin trong việc đưa ra quyết định.