Người ta thường hay nói đau đẻ là cơn đau như bị gãy 20 cái xương sườn cùng một lúc. Điều này có nghĩa là các chị em phải chịu những cơn co thắt đau thấu trời xanh. Vậy nhưng, trong mắt của nhiều ông chồng, đau đẻ thôi mà có gì đâu là khủng khiếp, thế nên họ cứ thủng thẳng, bất hợp tác với bác sĩ. Ngay cả trong tình huống nguy cấp vẫn ung dung “lướt” điện thoại xem đẻ thế nào sẽ tốt cho con.
Mối quan hệ giữa anh Tần (sống ở Bắc Hải, Trung Quốc) và mẹ vợ vẫn luôn tốt đẹp, thậm chí nếu hai vợ chồng có tranh cãi thì bà sẽ đứng về phía con rể mà la con gái. Vậy nhưng, mấy ngày trước, mẹ vợ của anh Tần đã tức giận đến độ mắng anh xối xả ngay trước cửa phòng sinh có nhiều người chứng kiến.
Chẳng là vợ anh Tần đang mang thai sắp đến ngày sinh nở. Sáng hôm ấy, mẹ bầu thức dậy và cảm thấy có gì đó không ổn nên đã vội kêu chồng xách đồ chở mình đến bệnh viện sinh. Sau khi kiểm tra, bác sĩ xác nhận vợ anh Tần đang chuyển dạ và sản phụ đáp ứng được các điều kiện nên cho phép sinh thường. Nghe vậy, anh Tần liền lấy điện thoại ra tìm hiểu xem lợi ích của việc sinh thường, và anh thấy đây là phương pháp sinh nở tốt cho con nên đã đồng ý.
Vì "lướt" điện thoại thấy gây tê màng cứng có thể ảnh hưởng đến thai nhi nên anh Tần đã không ký giấy để vợ được "đẻ không đau" (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, vốn là người chịu đau kém nên khi tử cung mới mở được 2 phân, vợ anh Tần đã la rất to vì không chịu đựng nổi. Thấy thế, bác sĩ liền trấn an rằng đến khi tử cung mở 4 phân thì có thể gây tê màng cứng để đẻ không đau. Song, trong lúc vợ kêu la thảm thiết, thì ở ngoài phòng sinh, ông bố này lại tiếp tục “lướt” xem đẻ không đau có tốt hay không.
Kết quả là anh phát hiện đẻ không đau thực chất chỉ là tiêm thuốc tê vào thắt lưng cột sống của người mẹ, điều này khiến anh lo lắng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Do đó, anh Tần nhất quyết không ký giấy cho vợ dùng phương pháp đẻ không đau.
Khi tử cung mở được 6 phân, vợ anh Tần đã đau đến mức bò lê bò càng ra đất là kêu gào. Lúc này, anh mới nghĩ đến người vợ của mình nên đã nhờ bác sĩ tiêm thuốc tê cho vợ. Song, bác sĩ bảo thời điểm tốt nhất đã qua rồi, bâu giờ không thể làm gì khác ngoài việc chờ tử cung mở hết rồi sinh con.
Biết con gái không được gây tê màng cứng do con rể không đồng ý, nhìn con đau đớn đến mức lăn lộn, mẹ vợ anh Tân đã rất tức giận: “Trong mắt anh chỉ có con thôi hả? Còn vợ anh thì sao? Anh không thấy con gái tôi đau đớn đến mức như thế nào sao mà còn không chịu ký giấy? Cứ ngồi đó mà lướt điện thoại. Anh thật sự quá ích kỷ!”. Anh Tần xấu hổ, cúi gầm mặt xuống đất không dám nói một câu nào.
Anh Tần chỉ biết cúi đầu xấu hổ vì hành động không đúng của mình.
Gây tê màng cứng có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?
Theo Hiệp hội các bác sĩ gây mê Hoa Kỳ, gây tê màng cứng là một phương pháp giảm đau mà các bác sĩ có thể thực hiện cho sản phụ trong quá trình chuyển dạ. Mặc dù sau 15 phút gây tê, thuốc sẽ phát huy tác dụng, các mẹ sẽ không còn cảm giác đau mấy nhưng vẫn cảm nhận được các cơn gò của tử cung.
Thông thường, thời điểm tốt nhất để thực hiện thủ thuật này là khi tử cung của sản phụ mở từ 3 -4 phân, và tuy là thuốc gây tê nhưng lượng thuốc rất ít nên sẽ không tác động lên thai nhi cũng như không gây ra bất kỳ ảnh hưởng xấu nào lên em bé sau khi chào đời.
Hơn thế nữa, gây tê màng cứng còn giúp quá trình sinh nở của người mẹ được dễ dàng hơn vì nó làm cho người mẹ không bị mất sức do đau đớn, không gây gánh nặng lên tim và ngăn ngừa tình trạng thiếu oxy cho thai nhi. Ngoài ra, nhờ không quá đau đớn mà người mẹ có thể bình tĩnh nghe lời bác sĩ hướng dẫn, từ đó sinh con nhanh hơn, quá trình chuyển dạ diễn ra cũng suôn sẻ hơn.
Mặc dù phương pháp đẻ không đau có nhiều lợi ích, nhưng không phải sản phụ nào cũng thích hợp để sử dụng. Vì thế, các mẹ cần làm theo lời hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, gây tê màng cứng cũng có một số tác dụng phụ mà bạn cần biết như đau lưng, đau đầu, hạ huyết áp… Tuy nhiên, những vấn đề này sẽ giảm dần theo thời gian.