Là một người mẹ, ai cũng muốn có đủ khả năng để đáp ứng những nhu cầu của con cái. Trong một phạm vi phù hợp, nếu con ngoan và đạt được một điều gì đó thì đứa trẻ hoàn toàn có quyền được nhận phần thưởng xứng đáng. Từ trước đến nay, tôi vẫn luôn dạy con theo quan điểm như thế. Tôi không cho đó là sự cưng chiều, nhưng mẹ chồng thì khác. Mới đây tôi và bà đã cãi nhau một trận to, chỉ vì tôi bỏ ra 10 triệu để con gái đi du lịch hè.
Con gái tôi vừa kết thúc kỳ thi đại học quan trọng nhất cuộc đời, và sau khi thi xong con đã bày tỏ nguyện vọng muốn được bố mẹ thưởng cho một chuyến nghỉ dưỡng cùng bạn bè. Tôi có chút hoảng khi biết chi phí cho chuyến đi lên đến 10 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ trong thời buổi làm ăn kinh tế khó khăn như ngày nay.
Ảnh minh hoạ
Gia đình tôi cũng được gọi là đủ ăn đủ mặc chứ không dư dả gì nên khi nghe con nói, tôi lập tức tỏ thái độ không ưng ý. Tôi bảo con chưa biết điểm có đậu đại học hay không mà đã đòi thưởng lớn như thế thì có phần làm khó bố mẹ rồi. Thế nhưng đứa trẻ nhất quyết không chịu, một hai muốn được đi du lịch.
Trước những lời thuyết phục của con gái, tôi cũng không có cách nào từ chối. Đúng như những gì con nói, tôi thấy rõ sự nỗ lực và cố gắng suốt 12 năm đèn sách của con. Quả thực, thành tích của đứa trẻ từ trước đến nay không thấp vì con luôn đạt được những yêu cầu bố mẹ đặt ra. Không phải nói quá nhưng con chưa bao giờ làm tôi phải thất vọng, đau đầu vì chuyện học hành cả.
Thế nên tôi cũng mủi lòng trước mong muốn của con, tôi nghĩ dù kết quả đại học có ra sao thì việc con đã có hành trình rèn luyện nghiêm túc là điều không thể phủ nhận. Tôi cũng tin con nói được làm được, và sẽ đạt kết quả thi đại học tốt. Chính vì lý do đó mà sau nhiều lần cân nhắc, tôi đã bàn với chồng và đồng ý bỏ ra số tiền 10 triệu để con đi du lịch.
Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên sau khi mẹ chồng biết chuyện này, bà đã mắng tôi một trận, bảo rằng tôi phung phí, chồng đi làm cực khổ nhưng lại không biết tiết kiệm, nuôi dạy con như thế là cưng chiều đứa trẻ, lớn lên con hư tại mẹ. Thậm chí vì thế mà mẹ chồng còn hằn học với cháu gái, cho rằng con bé học đòi bạn bè. Mấy ngày nay mẹ chồng cứ cằn nhằn mãi vấn đề này.
Quá đáng hơn khi bà hù doạ rằng, nếu đi chơi về mà cháu gái không đậu đại học thì ghi nợ số tiền ấy, sau này đi làm kiếm tiền trả lại cho bố. Dù chưa biết con đậu hay rớt nhưng việc mẹ chồng vì 10 triệu mà gây áp lực lên cháu gái khiến tôi cực kỳ khó chịu...
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Sau khi trải qua kỳ thi đại học căng thẳng, trẻ cần thời gian để hồi phục lại sức khoẻ vật chất và tinh thần. Lúc này, bố mẹ nên tạo điều kiện và cơ hội để con được nghỉ ngơi, đừng tiếp tục gây áp lực cho trẻ bằng cách hù doạ rằng con phải đậu đại học này, hay đại học kia nếu không bố mẹ sẽ không đáp ứng bất kỳ nguyện vọng nào của con cả.
Vào thời điểm biết điểm thi đại học, nhiều chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng, phản ứng của bố mẹ lúc đó sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của con. Nếu con thi đạt điểm cao thì bố mẹ chắc chắn sẽ vô cùng tự hào và hạnh phúc. Thế nhưng, nếu trẻ thi điểm kém, không đỗ vào trường đại học mong muốn thì bố mẹ nên phản ứng ra sao là đúng đắn, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến con?
Trước hết, bố mẹ cần lắng nghe và cảm thông với cảm xúc của con. Thất bại trong việc đỗ được vào trường mong muốn chắc chắn sẽ khiến con cảm thấy thất vọng, lo lắng về tương lai. Trong lúc này, bố mẹ nên lắng nghe con tâm sự, chia sẻ cảm xúc và động viên con không nên quá tự trách. Điều này sẽ giúp con cảm thấy được an ủi.
Tiếp theo, bố mẹ cần định hướng cho con thay vì trách móc hay áp đặt những kỳ vọng quá cao. Thay vì đẩy con vào tình trạng áp lực, hãy cùng con xem xét những lựa chọn khác phù hợp với năng lực và sở thích của con. Bố mẹ có thể hướng dẫn con cách lựa chọn ngành học, trường học mới phù hợp hoặc khuyến khích con theo đuổi các mục tiêu khác như làm việc, học nghề. Điều quan trọng là giúp con tin tưởng vào bản thân và tìm thấy hướng đi phù hợp.
Cuối cùng, bố mẹ cần kiên trì động viên và khích lệ con. Dù có thất bại, con vẫn cần được tin tưởng và ủng hộ để tự tin hơn, tiếp tục cố gắng. Bố mẹ cũng nên chia sẻ những câu chuyện về thất bại và thành công của bản thân để con hiểu rằng, thất bại là một phần tất yếu trong quá trình trưởng thành.
Với sự bình tĩnh, thông cảm và định hướng đúng đắn, bố mẹ có thể giúp con vượt qua thất bại một cách tích cực, từ đó trở thành những đứa trẻ hạnh phúc và ưu tú.