Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Thị Thanh - Bệnh viện Nhi đồng II (Thành phố Hồ Chí Minh). |
Bác sĩ Nhi khoa Nguyễn Thị Thanh |
1. Ho gà là bệnh gì?
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm được gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis. Mặc dù bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi khác nhau nhưng trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn.
- Bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp.
- Bệnh ho gà có thể tái phát nếu không điều trị dứt điểm.
2. Cách nhận biết bệnh ho gà
- Thời gian đầu mắc bệnh, trẻ sẽ có những cơn ho nhẹ.
- Sau mỗi cơn ho trẻ mệt, có thể nôn, thở nhanh.
- Khi hít thở sẽ có những tiếng rít như tiếng rít cổ ở gà.
Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng: gây ho nặng hơn, kéo dài dẫn tới việc trẻ nôn ọe, không ăn được, mệt mỏi, chảy nước mắt nước mũi, sau những cơn ho trẻ thường đỏ mặt hay tím tái cả người do ho nhiều không đủ dưỡng khí để thở, lâu dần gây suy hô hấp
Sau mỗi cơn ho trẻ mệt, có thể nôn, thở nhanh.
3. Bệnh ho gà có nguy hiểm không?
Đối với trẻ nhỏ, nếu bệnh ho gà không được điều trị dứt điểm và kịp thời thì có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm:
Gây suy hô hấp: Khi trẻ không đủ oxy để thở lâu dần sẽ dẫn tới suy hô hấp cấp và có thể gây tử vong ở trẻ.
Biến chứng thần kinh: Viêm não, co giật, liệt nửa người, xung huyết não, bệnh não cấp….
Biến chứng cơ học: Trẻ có thể bị lồng ruột, thoát vị ruột, sa trực tràng...
4. Điều trị ho gà ở trẻ em
Trong trường hợp bé bị ho gà dạng nhẹ, vẫn ăn uống bình thường, khi ho không bị đỏ hoặc tím mặt thì vẫn cha mẹ vẫn có thể để trẻ ở nhà để chăm sóc.
- Cho trẻ nghỉ ngơi: Để bé nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh không có các yếu tố kích thích như: khói thuốc lá, bụi, hóa chất…
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Cho trẻ bú bình thường với những bé vẫn đang bú mẹ. Đối với những trẻ lớn hơn và đang ăn dặm thì cho bé ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa.
- Vệ sinh sạch sẽ: Vệ sinh mũi miệng cho trẻ thường xuyên. Sau mỗi lần bé ho thì dùng khăn mềm thấm nước muối ấm lau miệng.
- Cách ly: Tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà, nếu trong gia đình có người bị ho gà thì cần phải điều trị dứt điểm, các thành viên khác cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần người bệnh và có hướng điều trị.
Sau khi trẻ ho thì mẹ nên lấy khăn mềm thấm nước muối ấm lau miệng cho bé.
Đối với những trường hợp ho gà nặng thì cha mẹ cần cho bé tới bệnh viện để bác sĩ khám và có hướng điều trị kịp thời. Lúc này có thể bác sĩ sẽ áp dụng một số biện pháp sau:
- Truyền dịch tĩnh mạch: Việc này được thực hiện khi bé có các dấu hiệu mất nước.
- Dùng thuốc kháng sinh: Vì ho gà là bệnh đường hô hấp bị nhiễm trùng do vi khuẩn nên việc sử dụng thuốc kháng sinh sẽ đem lại hiệu quả trong quá trình điều trị.
5. Phòng bệnh ho gà cho trẻ
Tiêm vắc xin ho gà
- Ho gà là một trong các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Vì thế mà cha mẹ cần lưu ý phải cho bé tiêm chủng cho bé. Vắc xin ho gà thường được sử dụng là vắc xin DPT-VGB-Hib có thể đồng thời phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B.
- Tại Việt Nam, vắc xin ho gà được khuyến cáo nên tiêm cho tất cả trẻ nhỏ theo lịch như sau:
+ Mũi 1: Khi trẻ 2 tháng tuổi
+ Mũi 2: Khi trẻ 3 tháng tuổi
+ Mũi 3: Khi trẻ 4 tháng tuổi
+ Mũi 4 (nhắc lại): Khi trẻ 18 tháng tuổi
Giữ vệ sinh cho trẻ
- Để chủ động phòng bệnh ho gà cho bé, cha mẹ cần đảm bảo phòng của trẻ thông thoáng, sạch sẽ. Hàng ngày chú ý vệ sinh mũi miệng cho con.
- Trước khi chăm sóc, tiếp xúc với trẻ thì người lớn chú ý rửa tay xà phòng để không lây mầm bệnh sang cho bé.
Ngoài ra, cha mẹ nên tránh cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng đang mắc bệnh về đường hô hấp.