Nhận được cuộc gọi từ cô giáo chủ nhiệm, tôi điếng người khi biết tình hình của con gái. Thú thật, tôi đã bị sốc thực sự khi biết con gái mình bỏ bê việc học… Từ trước đến nay, con gái tôi vốn rất ngoan ngoãn, hiền lành, ai gặp cháu cũng khen khiến tôi nở mày, nở mặt. Ở trên lớp con cũng luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Vậy mà bước sang năm học lớp 9 này, con tôi thực sự... đổ đốn.
Đầu tiên phải nói tới thái độ của con ở nhà. Con gái tôi vui, buồn thất thường. Con bé hay đóng cửa trong phòng riêng một mình, nhiều khi tôi muốn vào nó cũng từ chối với lý do cần không gian riêng. Trước đây con hay thủ thỉ tâm sự với tôi nhưng giờ thì ngược lại, thậm chí nếu tôi có cố hỏi khi thấy mặt con có vẻ buồn thì con sẽ gắt nhặng lên và nói rằng đừng hỏi nữa.
Đặc biệt hơn cả là con cãi cự tất cả những gì mà bố mẹ nó. Thái độ của con nhiều khi còn hỗn hào, mặt gân lên. Dù là chuyện to, chuyện nhỏ, không bao giờ con nghe một lời khuyên nào từ bố mẹ. Con bé luôn bảo nó lớn rồi và muốn được tự làm theo. Đã có lần chồng tôi vì cáu quá mà suýt tát con một cái. Tôi phải ngăn anh mới dịu lại.
Chưa kể, con bắt đầu né tránh những dịp tụ tập của gia đình, lúc nào cũng co mình lại, không thích giao tiếp. Trước đây cả họ tập trung ngày giỗ hay những dịp đặc biệt, con bé lúc nào cũng tươi tỉnh, ngồi trò chuyện với hết người này, người kia, còn giờ, con tìm mọi cách để từ chối không đi.
Tôi cũng thấy khó hiểu nhưng rồi chỉ nghĩ đơn giản có thể ở trường lớp con chuyện gì đó không vui. Cũng vì bận mà tôi không quan tâm được tới con nhiều. Giờ nghe cô giáo thông báo, mấy tuần nay con không chịu làm bài tập về nhà, bất chấp việc bị phạt con bé cũng không chịu làm khiến tôi lo lắng thực sự.
Tôi nhận ra mình không thể thờ ơ trước vấn đề này được nữa. Ban đầu tôi đã rất cáu giận, định kể với chồng rồi lôi con ra hỏi tội. Nhưng rồi bình tĩnh lại, tôi nghĩ mình không nên làm thế vì có thể sự nóng giận của tôi sẽ làm hỏng mọi chuyện.
Tôi đã dành thời gian quan sát con trong vài ngày, tìm hiểu trên mạng, đọc sách về các thông tin của con và rồi tôi hiểu ra rằng, con gái mình đang bước vào giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì. Đây là thời kỳ con tôi có những thay đổi một cách khó khăn về sinh lý với việc nội tiết tố sinh dục nam và nữ tăng tiết mạnh hơn, thức đẩy sự tăng trưởng và tạo nên sự thay đổi đặc thù về giới tính.
Sự phát triển về tâm lý chưa tương thích nên dễ tạo ra căng thẳng về tâm lý (Stress) cho trẻ. Khi hiểu nguồn cơn gây ra những biến đổi ở con, tôi có được tâm thế dễ chịu hơn để đối diện và xử lý vấn đề này cùng con.
Tôi lựa vào một buổi tối để nói chuyện với con về việc cô giáo phản ánh kết quả học tập. Dĩ nhiên, tôi sẽ không trách con mình mà chỉ bày tỏ lo lắng không biết con có gặp vấn đề gì không. Con gái tôi thấy mẹ không quát tháo, không mắng mỏ mà còn tận tỉnh hỏi thăm nên cũng chịu mở lòng. Con bé chỉ bảo cảm thấy chán nản, không thích học, cho rằng học cũng không để làm gì, sau này ra ngoài đời có nhiều cách để kiếm tiền chứ không cần phải học giỏi.
Tôi bình tĩnh phân tích cho con hiểu, tôi sẽ không bắt ép con phải học giỏi nhưng chương trình phổ thông là điều mà bất cứ ai cũng phải trải qua và con nên cố gắng để hoàn thành nó thật tốt. Sau này, con sẽ có đủ kiến thức cơ bản để lựa chọn ngành nghề phù hợp với mình. Hơn nữa, biết đâu càng học con sẽ càng thấy hứng thú hơn thì sao.
Thêm vào đó, tôi cũng cho con biết việc con đang ở trong giai đoạn trưởng thành, nhạy cảm cả về suy nghĩ và cảm xúc nên sự rối loạn lúc này là chuyện không có gì khó hiểu. Bố mẹ hoàn toàn thông cảm và sẵn sàng chia sẻ với con những bực bội hay sự khó chịu mà con đang phải trải qua.
Vì thế, có bất cứ vấn đề gì, con cứ nói với mẹ. Để tạo ra sự đồng cảm, tôi cũng nói rằng trước đây khi ở độ tuổi như con mẹ cũng trải qua những điều như vậy và bây giờ mẹ mong có thể đồng hành cùng con, như thế mọi thứ sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Đặc biệt là trong những việc như cơ thể có những thay đổi, phát triển về tâm, sinh lý…
Ngoài ra, tôi cũng cam kết sẽ cho con quyền tự quyết nhiều hơn, để con có thể tự lựa chọn những môn năng khiếu mà con cảm thấy thích thay vì bắt ép, lắng nghe ý kiến của con trong những vấn đề liên quan đến con thay vì ép buộc hoặc khăng khăng làm theo ý mình. Một số việc trong nhà cũng có thể hỏi ý kiến con để con cảm thấy mình trưởng thành hơn, được bố mẹ coi trọng hơn.
Tôi đã mua tặng con vài cuốn sách liên quan đến độ tuổi của con để con cùng đọc. Quan trọng hơn cả là tôi tự răn mình phải thật bình tĩnh, không nóng nảy trước những thay đổi của con bởi vì điều đó có thể gây ra những tác động tiêu cực, sự bực bội và chống đối từ con, khi ấy, con và bố mẹ càng xa nhau thêm. Tôi cũng dành thời gian cho con nhiều hơn thay vì để con một mình vật lộn với sự trưởng thành của mình.
Con gái tôi đã dần dần có những thay đổi và tự hiểu rằng bản thân mình có những điều chưa thực sự đúng đắn. Có những việc con sai nhưng thay vì quát mắng, tôi bình tĩnh, ôn tồn để con tự cảm nhận nên con lại cảm thấy hối lỗi nhiều hơn.
Từ câu chuyện của mình, tôi rút ra một vài kinh nghiệm khi đối mặt với giai đoạn khủng hoảng tuổi dậy thì của con, cha mẹ cần làm những việc như sau:
Lắng nghe và thấu hiểu
Trước tiên, bản thân bố mẹ phải hiểu vấn đề của con để không đổ lỗi hay trút sự tức giận lên con. Nếu chúng ta hiểu nguyên nhân là do những biến đổi về thể chất thì sẽ dễ dàng chấp nhận những tính cách xấu xí của con trong giai đoạn này, bình tĩnh xử lý. Về tâm sinh lý của lứa tuổi, đặc điểm về thể chất và tính cách riêng của con, về kỹ năng sống, sự thay đổi qua tâm trạng của con và hỗ trợ kịp thời khi có những biểu hiện tiêu cực.
Chia sẻ với con nhiều hơn
Cha mẹ, đặc biệt là mẹ nên chia sẻ với con gái nhiều hơn, cởi mở hơn với con trong cuộc sống hàng ngày để rút ngắn khoảng cách thế hệ. Mẹ nên khéo léo dạy cho con các kiến thức về giới tính, tình yêu, kỹ năng phòng ngừa và ứng phó xâm hại, cùng bàn bạc/giải quyết những vấn đề khó khăn của con…
Tôn trọng và tin tưởng con
Trẻ trong giai đoạn này luôn có suy nghĩ mình là người lớn và cái tôi rất cao, nếu bố mẹ cứ xem con như một đứa trẻ, con sẽ cảm thấy rất bất mãn. Vì thế, hãy tôn trọng con như một người trưởng thành, người bạn, một thành viên có trách nhiệm, tạo cơ hội để trẻ được khẳng định mình, tự quyết định, làm việc độc lập, tự chịu trách nhiệm,…
Học kỹ năng
Tích cực cho con tham gia các lớp kỹ năng qua các diễn đàn hoặc câu lạc bộ, lớp học ngoại khóa,… để trẻ tự hiểu và chấp nhận về thay đổi của bản thân và biết cách ứng xử phù hợp.