Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn - Trung tâm Khám Tư vấn, phục hồi dinh dưỡng & kiểm soát béo phì - Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia |
Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng |
Nuôi con bằng sữa mẹ là một phương pháp nuôi con tự nhiên, được các chuyên gia dinh dưỡng và Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bác sĩ đánh giá cao và khuyên các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn.
I. Những lợi ích cho bé khi nuôi bằng sữa mẹ
1. Sữa mẹ cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho bé
Sữa mẹ rất giàu protein, chất béo, vitamin, chứa các chất có lợi cho sự phát triển của bé. Sữa mẹ rất cân đối các chất dinh dưỡng, kể cả số lượng lẫn chất lượng, giúp bé dễ tiêu hóa, ít bị táo bón hơn so với sữa bột thông thường.
Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ ngay sau sinh sẽ giúp con ổn định đường tiêu hóa, cơ thể nhận đủ dưỡng chất, tăng cân, phát triển khỏe mạnh.
Đặc biệt sữa non (sữa lần đầu tiên bé bú) rất giàu protein và các hợp chất có lợi cho bé.
2. Tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch của trẻ
Sữa mẹ, đặc biệt là sữa non chứa lượng lớn immunoglobulin (IgA) và những kháng thể khác giúp bé chống lại vi khuẩn vi rút gây bệnh ở trẻ.
IgA giúp bé tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch bằng cách hình thành một lớp bảo vệ bên trong mũi, cổ họng, đường tiêu hóa ngăn ngừa vi khuẩn, vi rút xâm nhập gây bệnh.
Ở những trẻ không bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, bú sữa ngoài ngay từ đầu dễ gặp các vấn đề về sức khỏe hơn như viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng…
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng dồi dào với sự phát triển của bé yêu (Ảnh Internet)
3. Trẻ thông minh hơn
Trong sữa mẹ giàu các chất béo, đặc biệt là chất béo không bão hòa đa chuỗi dài, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển não bộ tốt, tăng chỉ số IQ, thông minh hơn so với những trẻ không bú sữa ngoài.
4. Giảm nguy cơ mắc bệnh
Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và trẻ bú trong 12 tháng sẽ cực kỳ tốt, sữa mẹ chứa các kháng thể giúp bé ngăn ngừa, giảm nguy cơ mắc các bệnh như:
- Nhiễm trùng đường hô hấp
- Nhiễm trùng tai
- Táo bón, tiêu chảy, đầy bụng
- Nhiễm trùng đường ruột
- Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)
- Bệnh viêm da dị ứng, chàm, hen suyễn
- Bệnh Celiac (Không dung nạp Gluten): Bệnh gây rối loạn tiêu hóa, giảm hấp thụ các chất dinh dưỡng ở ruột non…
Sữa mẹ giúp con khỏe mạnh, ngăn ngừa các bệnh ở trẻ (Ảnh minh họa)
5. Ngăn ngừa béo phì ở trẻ
Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ làm giảm nguy cơ béo phì ở trẻ. Do trẻ bú sẽ mẹ, mẹ có thể tự nhận thấy bé đã có dấu hiệu no sữa và dừng cho bé bú, không cho bé bú quá nhiều. Tuy nhiên điều này còn tùy thuộc sự tinh ý của mẹ và dấu hiệu trẻ đã no sữa để mẹ nhận biết.
6. Tăng sự gắn kết giữa mẹ và con
Ngoài những giá trị dinh dưỡng mà sữa mẹ mang lại cho em bé, thì khi bú mẹ trực tiếp (da kề da) là khoảng thời gian thoải mái cho cả mẹ và bé.
II. Nuôi con bằng sữa mẹ tốt cho người mẹ
1. Giúp mẹ giảm cân
Sau 3 tháng đầu cho con bú bằng sữa mẹ, cơ thể mẹ sẽ đốt cháy chất béo tốt hơn so với những bà mẹ không cho con bú. Tuy nhiên, việc giảm cân sẽ hiệu quả hơn khi mẹ chăm chỉ tập thể dục kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp nhanh xuống cân lấy lại vóc dáng.
2. Giúp tử cung co nhỏ lại nhanh hơn, giảm chảy máu sau sinh
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp hormone oxytocin được sản xuất nhiều hơn - Đây là loại hormone gây ra các cơn co thắt trong tử cung giúp giảm nguy cơ chảy máu sau sinh, kích thích tử cung co hồi, trở lại kích thước nhỏ như trước khi mang bầu.
3. Giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh
Tỷ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh hiện nay đang tăng lên, do nhiều yếu tố, nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ ít bị trầm cảm sau sinh hơn những mẹ cai sữa sớm hoặc không có con bú.
Do sữa mẹ chứa oxytocin - Hợp chất có tác dụng chống lo âu, chán nản lâu dài, giúp mẹ cảm thấy được thư giãn, vui vẻ, lạc quan, gắn kết tình cảm mẹ con, mẹ sẽ có những suy nghĩ tích cực hơn trong thời gian ở cữ, tâm lý nhạy cảm.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp mẹ vui vẻ, lạc quan và gắn kết tình cảm mẹ con hơn (Ảnh Internet)
4. Giảm nguy mắc ung thư vú và buồng trứng
Lợi ích tuyệt vời khi nuôi con bằng sữa mẹ, các mẹ sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh của phụ nữ một cách đáng kể. Ngăn ngừa các bệnh như:
- Ung thư vú và buồng trứng
- Bệnh tim mạch
- Bệnh loãng xương
- Tăng huyết áp
- Viêm khớp
- Mỡ máu cao
- Bệnh đái tháo đường
5. Nuôi con bằng sữa mẹ là phương pháp tránh thai tự nhiên an toàn
Mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu và cai sữa bé sau 24 tháng sẽ khiến kinh nguyệt chậm trở lại, ngăn ngừa nguy cơ có thai trong thời gian đầu sinh bé.
Đây được coi là biện pháp tránh thai tự nhiên, không cần sử dụng các biện pháp tránh thai thông thường khác với hiệu quả lên 90%.
6. Giúp sữa về nhiều, ngực mẹ giảm căng tức
Trẻ bú nhiều sẽ kích thích, giúp lượng sữa được sản xuất nhiều hơn, chất lượng hơn. Đồng thời sẽ giúp mẹ giảm căng tức ngực do sữa dồn, ứ đọng.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp ngực mẹ giảm căng tức, sữa về nhiều hơn (Ảnh internet)
7. Tiết kiệm chi phí, thời gian
Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ giúp mẹ tiết kiệm khoản tiền kha khá so với việc phải mua sữa công thức cho bé uống.
- Không phải mua sữa công thức
- Tính và chia liều lượng sữa hợp lý để bé uống mỗi ngày
- Mất thời gian vệ sinh bình sữa trước và sau khi sử dụng
- Luôn phải mang bình, sữa khi di chuyển ra khỏi nhà.
III. Hướng dẫn cách cho con bú và vắt sữa đúng cách
1. Cách cho con bú chuẩn
Tư thế trẻ bú mẹ
Mẹ có thể cho con bú ở tư thế ngồi hoặc nằm, nhưng phải đảm bảo bé ngồi/nằm một cách thoải mái, thư giãn, dễ bú nhất. Cụ thể như sau:
- Mẹ đặt bé nằm thẳng, bụng bé áp sát vào bụng mẹ, cho con quay mặt vào vú mẹ và mũi đối diện với núm vú của mẹ. Sau đó mẹ dùng tay đỡ cơ thể bé một cách nhẹ nhàng.
Cách cho trẻ ngậm vú đúng cách:
- Mẹ điều chỉnh sau cho núm vú gần với miệng trẻ nhất. Miệng bé mở rộng, môi dưới của bé hướng ra ngoài và cằm chạm nhẹ vào ngực mẹ. Cho con ngậm núm vú và 1 phần quầng thâm quanh vú mẹ trong miệng.
Cách cho trẻ bú đúng cách (Ảnh internet)
2. Cách vắt sữa
Mẹ có thể vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy. Với cách vắt sữa bằng máy, mẹ đọc và làm theo hướng dẫn sử dụng của từng loại máy vắt sữa. Với cách vắt sữa bằng tay cần nhiều kỹ thuật hơn, mẹ có thể vắt như sau:
- Rửa sạch tay, ngồi ở tư thế thoải mái nhất.
- Giữ cốc đựng sữa gần núm vú.
- Ngón tay cái mẹ đặt lên núm vú và quầng vú. Ngón trỏ đặt ở dưới quầng vú và núm vú. Các ngón còn lại đỡ vú.
- Ấn ngón tay cái, ngón trỏ nhẹ nhàng về phía trong thành ngực. Cứ thế ấn rồi lại nhả ra và lặp lại hành động đó nhiều lần và làm tương tự với vú còn lại.
- Mỗi bên mẹ vắt khoảng từ 3 - 5 phút, cho đến khi sữa chảy chậm thì dừng lại.
Cách vắt sữa bằng tay (Ảnh internet)
IV. Xử lý nhanh các khó khăn khi cho con bú
Khi mẹ gặp các vấn đề về tuyến sữa như mất, ít sữa, đau nhức ngực mẹ có xử lý nhanh, hiệu quả bằng những cách đơn giản dưới đây.
1. Với trường hợp mẹ không đủ sữa, ít sữa nên:
Cho trẻ bú ngay sau khi sinh, bú nhiều lần
Cho trẻ bú nhiều về đêm, tăng cường tiết tạo sữa
Ăn những thực phẩm lợi sữa như: Ngũ cốc, chè vằng, rau ngót, chân giò heo, các loại đậu, sữa nóng…
2. Khi mẹ bị nứt núm vú (Nứt cổ gà) nên:
Tình trạng này do mẹ cho bé ngậm, ti sai cách khiến mẹ rất đau, da ở núm vú bị tổn thương.
Mẹ khắc phục tình trạng này bằng cách cho trẻ bú đúng cách.
3. Đau, tức vú nên:
Cho trẻ bú sớm, thường xuyên, ngậm núm vú đúng cách.
Vắt sữa.
Trước khi con bú dùng gạc ấm đắp lên đầu vú, sau khi trẻ ngừng bú thì đắp gạc lạnh để giảm phù nề.
4. Tắc tia sữa, viêm vú nên:
Ống dẫn sữa bị tắc, khiến lượng sữa ứ đọng nhiều gây ra niêm vú khiến mẹ đau, sốt, mệt mỏi. Cách xử lý như sau:
- Chườm ấp, massage
- Dùng thảo dược hơ nóng đắp lên bầu ngực bị tắc tia sữa như: Lá trầu không, lá đinh lăng, lá bắp cải…
- Đi tới viện kiểm tra.
5. Núm vú bị tụt vào trong và phẳng nên:
Mẹ có thể xử lý bằng cách sử dụng bơm hút đầu vú dài ra.
Nuôi con bằng sữa mẹ rất tốt cho cả mẹ và bé. Đặc biệt sữa mẹ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh đáng kệ và trẻ thông minh hơn. Mẹ hãy ăn các thực phẩm lợi sữa, giúp tăng tiết sữa và không nên cai sữa sớm. Cách nuôi con bằng sữa mẹ có đúng cách hay không ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến sữa, sự phát triển của bé và sức khỏe của mẹ. Mẹ nên tìm hiểu kỹ, cho con bú đúng cách để đảm bảo sữa về nhiều, con đủ sữa bú.