Mới đây, trên fanpage bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã chia sẻ về một trường hợp thai phụ mất con do thiếu máu nghiêm trọng.
Theo đó, chị Giàng Thị M., người dân tộc H.Mông, 37 tuổi, sống tại Điện Biên nhập viện do đau bụng khi đang mang thai lần thứ 4, thai 23 tuần.
Sau khi thăm khám, kiểm tra và siêu âm thai, các bác sĩ nhận thấy không có tim thai xác định thai đã chết lưu 23 tuần 3 ngày. Đáng nói, kết quả xét nghiệm cho thấy thai phụ này bị thiếu máu nặng, chỉ số HGB là 51 g/l (chỉ số bình thường là 125-160 g/l).
Chị M. cho hay trước khi nhập viện, thai phụ này không hề biết bản thân thiếu máu cũng như bất thường nào từ thai nhi. Trước đó, người phụ nữ này từng mang thai và sinh con 3 lần vào các năm 2017, 2018 và 2019.
Bác sĩ siêu âm và phát hiện thai đã chết lưu ở tuần 23. (Ảnh: BVCC)
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng khoa Sản, trong quá trình mang thai, thai phụ bị thiếu máu sẽ rất nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi. Với thai nhi, trẻ có nguy cơ thiếu máu, thai chậm phát triển, chết lưu. Với sản phụ nguy cơ chảy máu, mất máu trong quá trình chuyển dạ...
Bên cạnh đó, việc sinh con quá nhiều lần, khoảng cách sinh gần nhau như trường hợp của chị M. cũng khiến sức khỏe của người mẹ chịu rất nhiều nguy cơ, nhất là ở quá trình chuyển dạ, như đờ tử cung, băng huyết...
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ khi mang thai cần thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để được tư vấn khi có những dấu hiệu sức khỏe bất thường.
Ngoài ra, người dân cần nhận thức đúng đắn về vấn đề kế hoạch hóa gia đình, từ đó bảo vệ sức khỏe bản thân và sự phát triển của thai nhi. Song song với đó là gánh nặng về kinh tế tăng lên, kéo theo rất nhiều hệ lụy.
Bà bầu bị thiếu máu nên làm gì?
Mẹ bầu nên bổ sung các thực phẩm giàu sắt để tránh thiếu máu trong thai kỳ. (Ảnh minh họa)
Theo các bác sĩ, thiếu máu nhiều khi thai kỳ diễn ra nếu không được khắc phục kịp thời có thể gây nguy hiểm đối với cả mẹ và bé. Khi bị thiếu máu, trước tiên cần gặp bác sĩ để tìm nguyên nhân gây thiếu máu và khắc phục sớm. Ngoài ra, thai phụ nên ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu sắt trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Trong đó, các thực phẩm giàu sắt mà mẹ bầu nên sử dụng có thể kể đến như:
- Thịt bò: Thịt bò là thực phẩm đứng đầu trong danh sách nên bổ sung trong khẩu phần ăn với mẹ bầu gặp phải tình trạng thiếu máu. Ngoài sắt, thịt bò còn chứa hàm lượng cao protein, selen, kẽm và một số loại vitamin B,... Mẹ bầu nên ưu tiên phần thịt bò nạc là tốt nhất. Bởi đây là phần dễ chế biến, ít chất béo và chứa nhiều sắt nhất.
- Cá biển: Cá biển là thực phẩm mẹ bầu nên sử dụng trong chế độ dinh dưỡng của mình. Bởi trong cá biển có chứa nhiều omega-3 tốt cho hệ tim mạch, não bộ, bổ sung sắt và tăng cường sức miễn dịch cho cơ thể.
- Các loại đậu: Các loại họ đậu là một nguồn cung cấp sắt dồi dào dành cho phụ nữ đang mang thai. Không những vậy, các loại đậu còn chứa nhiều chất xơ, ít calo và giàu vitamin C.
- Thịt gà: Thịt gà là loại thực phẩm dễ ăn và rất dễ chế biến nên sẽ là lựa chọn khá phù hợp với mẹ bầu. Không chỉ chứa nhiều sắt, thịt gà còn có hàm lượng cao protein, vitamin và các khoáng chất cần thiết trong thai kỳ.
- Rau màu xanh đậm: Các loại rau màu xanh đậm là nguồn bổ sung sắt cao được các bác sĩ khuyên dùng. Các loại rau mà mẹ bầu nên sử dụng như súp lơ, cải bó xôi, cải bina, bắp cải,...
- Các thực phẩm khác cũng có thể bổ sung sắt như: Trứng, sữa, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt và quả như hạt bí, hạt chia, óc chó, hạnh nhân, chà là,...