Hành trình cùng con đến trường luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Bố mẹ nào cũng mong muốn con được học tập và vui chơi trong môi trường tốt nhất, không ít người loay hoay chọn trường, chọn lớp, chọn phương pháp giáo dục hiệu quả. Chị Nguyễn Thùy Liên cũng từng là một người mẹ như thế. Thậm chí khi con gái đầu lòng vào lớp 1, chị đã chọn hình thức homeschool (mang trường về nhà), trở thành cô giáo của con và cùng bé học từ. Các con cũng là lý do chị khởi nghiệp, xây dựng dự án giáo dục phi lợi nhuận vì trẻ em.
Nguyễn Thùy Liên không phải là cái tên xa lạ. Chị từng được nhận nhiều chú ý khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ mùa 4 với dự án Trường Nhà Hạnh Phúc. Cô thành công thuyết phục Shark Phú đầu tư 100.000 USD (tương đương 2,3 tỷ đồng). Hơn hết, chính tấm lòng của một người mẹ đã giúp cô dành được thiện cảm từ phía nhà đầu tư. Nữ CEO cho biết, con cái chính là động lực để cô start-up, nhằm tạo ra môi trường tốt nhất dành cho con, cũng như giúp đỡ như gia đình khác. Vì con, cô cũng nỗ lực học tập và hoàn thiện bản thân hơn.
Nữ CEO tâm sự: "Từ khi có con, nhu cầu học tập của tôi ngày càng cao. Nuôi dạy con những ngày đầu, tôi học Phát triển bản thân sâu hơn để biết yêu thương con đúng cách mà không khiến chúng cảm thấy gò bó, ngột ngạt.Khi con chuẩn bị vào lớp 1, vì lo lắng về phương pháp dạy con, tôi theo học Thạc sĩ giáo dục và Công nghệ giáo dục cho lứa tuổi tiểu học, cũng học luôn các môn Toán, Tiếng Việt…"
Chị Nguyễn Thùy Liên nhận được nhiều chú ý khi tham gia Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ mùa 4.
Lắng nghe chị Thùy Liên - bà mẹ 2 con CEO chia sẻ, cha mẹ sẽ tiếp cận được những cái nhìn mới mẻ về việc đồng hành cùng con đến trường, giáo dục trẻ trong những năm đầu đời vô cùng quan trọng.
Gia đình nhỏ của chị Thùy Liên.
Để một đứa trẻ quen với việc vui chơi phải đi vào khuôn khổ chắc hẳn không phải là hành trình dễ dàng. Chị từng gặp khó khăn gì các con vào lớp 1? Có kỷ niệm nào đáng nhớ gắn liền với giai đoạn này?
Tôi đã từng rất khó khăn trong việc tìm cho con một ngôi trường có chương trình lớp 1 và tiểu học giúp con học vừa có tư duy và vừa vui vẻ. Trong một cơ duyên, tôi đã có cơ hội tìm hiểu về logic của quá trình hình thành tư duy của trẻ tiểu học về những môn như Toán, Tiếng Việt và lối sống. Tôi thấy rằng nếu con tôi được học các tư duy này theo đúng tâm lý lứa tuổi thì con sẽ không phải học vẹt trong buồn chán mà sẽ học 1 biết 10 một cách vui vẻ. Thế nhưng ở Hồ Chí Minh, tôi không tìm được ngôi trường nào dạy kiểu như vậy cho con gái đầu của tôi. Tôi tìm đối tác để mở trường cũng không có ai vừa có tầm, có tâm, có tiền. Nên cuối cùng tôi đã chọn một phương án đầy thách thức đó là mở lớp homeschool (mang trường về nhà) cho con của mình cùng với 3 bạn nhỏ khác.
Mỗi ngày đứng lớp, nhìn thấy con tôi hạnh phúc, tự hào với những môn học của mình, tôi cảm thấy rất mãn nguyện. Sau 2 năm thực chiến vận hành và đứng lớp bé đầu tiên, tôi đã thấm cái cốt lõi của chương trình tư duy đó và đã tìm cách đưa cái lõi tư duy của chương trình lớp 1 vào giai đoạn tiền tiểu học và phối hợp với chương trình của trường cho bé thứ 2. Kết quả là bé thứ 2 vào lớp 1 “ngon ơ” mà tôi không cần phải hy sinh toàn bộ thời gian của mình như bé thứ nhất.
Nhìn lại, tôi thấy rằng mình đã không ngừng cố gắng để mang lại trải nghiệm học hạnh phúc khi vào lớp 1 của hai con của mình. Và khoảnh khắc nhận tấm thiệp 20/11 với dòng chữ “Con yêu cô lắm” và “Cô rất tốt bụng” của hai con là kỷ niệm mà tôi không thể nào quên. Trải nghiệm trong giờ học (từ 8 - 17 giờ) con gọi là cô, sau giờ học (17 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau) con gọi là mẹ thật sự rất đặc biệt.
Ngày nay rất nhiều bố mẹ muốn đồng hành cùng con trong việc học tập. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kỹ năng và kiến thức để làm điều đó và lo lắng chẳng may dạy sai cho con. Chị nhận định như thế nào về điều này?
Sinh cha rồi mới sinh con, con bao nhiêu tuổi thì mình cũng có bấy nhiêu tuổi làm ba mẹ. Thế nên tôi thấy rằng chuyện mình bỡ ngỡ, không có đủ kỹ năng và kiến thức rồi dạy con sai là chuyện rất bình thường, không có gì phải xấu hổ hay căng thẳng cả. Nhưng nếu mình không chịu học hỏi, tu sửa bản thân, cứ để lặp lại một lỗi sai với con hoài, ví dụ như xoay mãi cái vòng la mắng - đau lòng - tự hứa - la mắng…, thì là có lỗi với con, với bản thân mình. Con học thì mình cũng học, vậy mới công bằng.
Chị Thùy Liên quan niệm: "Con học thì mình cũng học, vậy mới công bằng".
Chị có lời khuyên nào cho các bậc phụ huynh chuẩn bị cho con vào lớp 1?
Mình thấy ba mẹ cần tìm hiểu và trang bị kỹ giai đoạn tiền tiểu học để con theo kịp chương trình mà không bị chán là một điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, ba mẹ cần làm rõ như thế nào là tiền tiểu học. “Tiền” nghĩa là “trước”, không phải “sớm”. Chương trình “tiền tiểu học” đúng nghĩa sẽ chuẩn bị cho con những gì con cần trước giai đoạn tiểu học, chứ không dạy sớm chương trình tiểu học cho con. Một đặc điểm nổi bật của chương trình tiểu học là con sẽ làm việc có tư duy với các ký hiệu như chữ viết, chữ số xa lạ. Để làm việc mang tính tư duy một cách hiệu quả, con cần một bước chuyển trung gian từ các kinh nghiệm giác quan và vận động cơ thể sang các khái niệm khoa học. Chương trình tiền tiểu học đúng nghĩa góp phần giúp con vào lớp 1 “ngon ơ” bằng chính sức mạnh tư duy của mình.
Nếu ba mẹ không có thời gian kèm con thì cũng nên tìm hiểu kỹ kiến thức về tiền tiểu học để chọn trường có chương trình tiền tiểu học phù hợp thay vì chỉ gửi con đi học viết chữ, đánh vần như “nhà người ta”. Tôi thấy rất thương nhiều bé đã sớm chán học, sợ học vì bị “học ép”, “học vẹt” chương trình tiền tiểu học không có logic và không phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Bé học yếu thì chỉ mất thêm thời gian, nhưng bé đã chán học, sợ học thì mất cả cơ hội phát triển.
Gia đình chị quyết định cho con học trường công, trường tư hay trường quốc tế? Vì sao?
Gia đình tôi chọn học trường tư với lý do rất đơn giản. Ban giám hiệu của trường đã hiểu và hỗ trợ tổ chức thi tuyển và làm hồ sơ cho con gái đầu của tôi hoà nhập lại với giáo dục phổ thông chính quy sau 2 năm homeschooling. Sau quá trình homeschool con mình, xoay sở với hàng tá chương trình, trung tâm và gíao viên, tôi ngộ ra được một điều rất quan trọng: Ba mẹ chính là “tổng hiệu trưởng” của con. Dù ba mẹ có muốn hay không thì con vẫn học từ ba mẹ hàng ngày bằng cách bắt chước. Dù tôi có “gửi đại” con tôi vào cái trường gần nhà thì tôi vẫn đang lựa chọn phương hướng và môi trường giáo dục cho con của mình. Tôi không thể trốn tránh được vai trò “tổng hiệu trưởng” này.
Khi ngộ ra vai trò của mình, và cũng nhận ra là không bao giờ có một cái trường hoàn hảo về chất lượng, vị trí lẫn học phí, tôi dành thời gian trao dồi hiểu biết sư phạm cũng như năng lực lựa chọn và bổ khuyết cho các “đối tác giáo dục” của mình. Thế nên, tôi chọn trường nào thỏa mãn được nhu cầu “tái hoà nhập” cho con đầu lòng của mình, rồi trường mạnh cái gì thì tôi tận dụng, trường thiếu cái gì thì tôi tìm phương án bổ khuyết.
Mỗi năm, đến mùa nhập học, vấn đề học phí của con lại trở thành đề tài nhận được quan tâm. Thậm chí nhiều phụ huynh chấp nhận bán đất, hoãn mua nhà để con học trường quốc tế. Theo chị, có nên đầu tư như thế?
Tôi nghĩ bậc làm cha làm mẹ nào làm bao nhiêu việc cũng chỉ vì muốn sau này con có bản lĩnh tự lo được cho bản thân để mình có thể yên tâm ngay cả khi không thể bên cạnh con nữa. Bản lĩnh sống vững vàng đó được nuôi dưỡng từ thuở ấu thơ qua cái “nếp nhà”, qua cách sống của ba mẹ. Còn nhà trường chỉ là nơi củng cố thêm cái bản lĩnh đó và trang bị kiến thức phục vụ nghề nghiệp. Thế nên, tôi nghĩ thay vì đầu tư “quá sức” để có “trường thật tốt” cho con, ba mẹ có thể đầu tư thời gian và một phần nhỏ tiền bạc để tu sửa bản thân, tạo cho con một cái “nếp nhà” vững chắc. Dù gì thì sự chênh lệch quá mức giữa môi trường sống ở nhà và trường cũng không phải là điều tốt cho trẻ.
Nhận thức về vai trò của học tập có ý nghĩa trong việc giúp trẻ có ý thức học tập. Có bao giờ các con hỏi chị học để làm gì? Chị giải đáp ra sao?
Con tôi cũng từng hỏi câu này và tôi vận dụng phương pháp coaching (khai vấn) để giúp con tự tìm câu trả lời. Tôi bắt đầu từ: "Câu hỏi này thú vị quá. Con thấy con học để làm gì?”. Rồi tôi lắng nghe và hỏi tiếp các câu hỏi về hiện tại “Mỗi khi con học con cảm thấy thế nào? Con được gì? Mất gì?”, “Mỗi khi vắng học thì con sẽ cảm thấy thế nào? Con được gì? Mất gì?”. Sau đó tôi hỏi tiếp về tương lai: “Điều gì xảy ra nếu con học rất tốt? Con sẽ được gì? Mất gì?”, “Điều gì xảy ra nếu con không học nữa? Con sẽ được gì? Mất gì?”. Sau mỗi câu hỏi tôi lắng nghe và gợi mở để con mở rộng, đào sâu thêm câu trả lời của mình. Có thể cuộc đối thoại sẽ không có một kết luận rõ ràng, nhưng tôi tin rằng một câu trả lời chưa hoàn hảo của chính con vẫn tốt hơn là một câu trả lời hoàn hảo từ bên ngoài.
Ngày nay, có rất nhiều bậc phụ huynh hướng con đến mục đích: “Học giỏi để kiếm tiền, để làm giàu”. Còn chị thì sao? Chị sẽ trả lời như thế nào nếu con hỏi đi học để kiếm tiền hả mẹ?
Tôi quan điểm rằng tiền rất quan trọng nên tôi sẽ trả lời theo cách khai vấn (coaching) cho con nhìn nhận một cách có lợi nhất về tiền. Ví dụ như: Kiếm tiền để làm gì?, Nếu con giàu thì con sẽ làm gì?, Theo con thì nên kiếm tiền bằng những cách nào?, Không nên kiếm tiền bằng những cách nào? Vì sao?, Làm thế nào để kiếm được thật nhiều tiền mà không làm tổn hại lợi ích của bản thân và người khác?, Con cần những năng lực gì để có thể kiếm được nhiều tiền và giúp nhiều người cũng giàu có như con?,... Chắc chắn những câu hỏi này sẽ giúp khơi thêm động lực học cho con.
Trong hành trình làm mẹ của mình, đối với chị, câu hỏi nào là khó trả lời nhất, thậm chí là vẫn chưa tìm được câu trả lời?
Trong hành trình làm mẹ của mình, tôi đã cố gắng rất nhiều. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi: “Mình cố gắng như thế này để làm gì?”. Ban đầu tôi nghĩ mình cố gắng vì con, câu trả lời này không làm tôi hoàn toàn thoả mãn. Đâu đó tôi vẫn cảm thấy mệt mỏi và thầm trách sao con không hiểu cho mình. Sau này, khi tôi vỡ ra, mình cố gắng là vì mình. Mình làm cái gì thì mình giỏi cái đó trước. Rồi con mình tốt hơn thì người hưởng hạnh phúc đầu tiên cũng là mình. Khi ngộ ra điều đó rồi, tôi cảm thấy rất biết ơn con mình. Nhờ con mà tôi đã vô thế “học không lối thoát” (cười)
Là một người thành công và có sự nghiệp. Chị đặt kỳ vọng ra sao cho con?
Tôi mong con là sống hạnh phúc, luôn bản lĩnh trước mọi sóng gió của cuộc đời.
Chị có lo lắng các con bị áp lực bởi cái bóng của bố mẹ?
Không. Tôi là chính tôi, không phải là một “người ta” nào khác nên tôi tin rằng con cũng là chính con.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!