Bất cứ mẹ bầu nào cũng mong có một thai kỳ khỏe mạnh và con sẽ bình an chào đời. Thế nhưng, khi đứng trước đại dịch Covid-19, nhiều phụ nữ mang thai đã nhiễm bệnh và không ít người trong số đó không may qua đời, nhưng vẫn có những trường hợp may mắn như sản phụ Marriam Ahmad (người Anh).
Vào hồi tháng 1, Marriam nhập viện ở thị trấn Cwmbran, Newport do nhiễm Covid-19, khi đó cô mới mang thai 29 tuần. Lúc ấy, thai phụ và chồng là Usman chưa có dự định đặt tên cho con và họ cũng không nghĩ rằng sẽ phải ở bệnh viện quá lâu. Nhưng rồi sức khỏe của thai phụ 27 tuổi nhanh chóng tồi tệ hơn.
Vốn mắc bệnh hen suyễn nay Marrian lại càng cảm thấy khó thở hơn do nhiễm Covid-19. Mọi thứ trở nên rất đáng sợ khi chiếc mặt nạ dưỡng khí của cô được bật lên mức cao đến nỗi cô không thể nghe thấy được gì.
Marriam Ahmad bên cạnh cô con gái nhỏ của mình.
Các bác sĩ sau đó đã khuyến nghị thai phụ nên sinh mổ khẩn cấp, vì cô tuy vẫn còn tỉnh táo nhưng đứa trẻ có thể sẽ không đủ khỏe mạnh để sống sót. Một ngày sau đó, các bác sĩ quyết định gây mê cho nữ bệnh nhân. Trước lúc mất đi ý thức, cô cảm nhận được việc một bác sĩ đang nắm tay mình và nói rằng “có thể cô sẽ không thể tỉnh lại được nữa”.
“Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Chỉ trong vòng 5 phút, họ nói với tôi rằng: ‘Cô đang thở máy và sinh mổ, em bé sắp chào đời. Cô sẽ rơi vào trạng thái hôn mê và có thể không qua khỏi. Hãy nói lời tạm biệt với mọi người đi’”, Marrian nhớ lại khoảnh khắc đó.
Sản phụ đã gọi cho bố mẹ mình, trong khi đó bác sĩ báo tin cho chồng cô, người đang ở nhà trông cậu con trai Yusuf (9 tuổi). Ca sinh mổ thành công, cô hạ sinh một cô con gái cân nặng 1,17kg.
Nhưng rồi, giữa trưa ngày hôm sau, sản phụ tỉnh dậy một cách kỳ điệu trước sự ngạc nhiên của các y bác sĩ. “Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi tỉnh dậy với chiếc bụng xẹp lép và tôi rất đau”, cô nói.
Con gái của cô chào đời ở tuần 29 nhưng vẫn phát triển khỏe mạnh, không gặp biến chứng gì.
Trong suốt một tuần tiếp theo, Marriam vẫn chưa thể gặp mặt con vì cô vẫn đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, nhưng các y tá đã chụp ảnh và quay video bé để mang về cho cô ngắm, khuây khỏa nỗi buồn.
Marriam và chồng sau đó quyết định đặt tên cho con gái là Khadija, có nghĩa là “mạnh mẽ”, bởi lẽ dù con của họ bị sinh non nhưng đứa trẻ vẫn phát triển khỏe mạnh, không bị biến chứng gì. “Bác sĩ đã cảnh báo trước về những biến chứng mà Khadija có thể gặp phải nhưng con bé không bị làm sao cả. Đó là một phép màu”, bà mẹ 2 con nói.
Trong suốt 8 tuần nằm viện, Marriam liên tục vắt sữa để đưa tới cho con gái bú. Hiện cả hai mẹ con đã được xuất viện. Khi được 3 tháng tuổi, bé Khadija rất khỏe mạnh, chơi ngoan và thích sữa mẹ, nhanh chóng tăng lên 4 kg.
"Tôi rất biết ơn khi con tôi được sống và tôi cũng vậy. Dù đó là một trải nghiệm kinh hoàng và đầy đau thương nhưng cũng nhờ đó mà tôi càng trân trọng những điều nhỏ nhặt và tình cảm gia đình", Marriam chia sẻ.
Cách phòng tránh Covid-19 cho bà bầu
Hiện tại, bước tốt nhất để tránh nhiễm virus Sars Cov 2 khi mang thai là tuân thủ các biện pháp phòng ngừa theo các bước sau:
- Rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước thường xuyên;
- Sử dụng khẩu trang đúng cách;
- Tránh tiếp xúc gần với những người bị sốt và ho;
- Che mũi và miệng khi ho hoặc hắt hơi;
- Khăn giấy được dùng để vệ sinh tay sau khi ho hoặc hắt hơi cần được vứt bỏ vào thùng rác ngay lập tức;
- Đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức nếu bạn gặp các triệu chứng suy hô hấp sau khi đi du lịch hay có tiếp xúc với người nghi nhiễm…;
- Đảm bảo vệ sinh ăn uống bằng việc thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi;
- Tuân thủ lịch khám thai. Trường hợp không muốn đi khám thai mùa dịch, mẹ bầu nên gọi điện vào đường dây nóng của bệnh viện nơi thường xuyên tiến hành khám thai để được tư vấn về việc giãn cách nhằm không bỏ qua các mốc khám thai quan trọng.