32 tuổi mới được làm mẹ, với nhiều người hành trình đó không dài nhưng với chị Đỗ Thị Hương (Hà Nội), khi kết hôn ở độ tuổi còn trẻ phải chờ đợi 15 năm dài đằng đẵng mới được bế con trên tay. Tuy nhiên hành trình để được làm mẹ ấy của chị phải trải qua không ít khó nhọc khi sinh đôi sớm ở tuần 28, con chào đời chỉ được nghe đúng một tiếng khóc mà không được nhìn mặt. Chưa kể sau đó là hành trình dài với bao nhọc nhằn khi chị phải đối diện với nỗi đau mất một con và cùng con thứ 2 chiến đấu với bệnh tim bẩm sinh.
Sau bao khó nhọc chị Hương đã được bế con trên tay.
15 năm nhọc nhằn tìm con
Chị Hương kết hôn ở độ tuổi khá trẻ, thế nhưng chị mới chỉ được làm mẹ trọn vẹn hơn 1 tháng nay sau 15 năm kết hôn và sau hành trình dài cùng con chiến thắng bệnh tật. Chị Hương chia sẻ, chị làm công nhân nên kinh tế hạn hẹp, chờ hoài không thấy con vợ chồng chị cũng cùng nhau chạy chữa khắp mọi nơi nhưng chỉ cắt thuốc Nam, thuốc Bắc về uống. Hễ ai mách ở đâu có thầy thuốc tốt vợ chồng chị lại tìm đến đó, có khi ở Hòa Bình, khi ở Hà Nam, Mỹ Đức, …
10 năm ròng rã ai mách đâu vợ chồng chị cũng đi cắt thuốc về uống và dẫu thuốc đắng thế nào chị cũng nhắm mắt nhắm mũi uống hết với mong muốn con sẽ về. Vậy mà kết quả vẫn là trắng tay. “Suốt khoảng thời gian ấy mình chịu khá nhiều áp lực. Nhiều người bảo mình bị điếc à, sao không chữa đi. Buồn lắm nhưng nhờ gia đình, ông xã động viên nên mình thoải mái hơn”, chị Hương chia sẻ.
Chữa trị thuốc Nam, thuốc Bắc không thành công, vợ chồng chị Hương quyết định dành dụm tiền để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm. Sau 2-3 năm dành dụm, anh chị quyết định tìm đến Bệnh viện Bưu điện, đặt hy vọng nơi đây.
Trải qua bao mũi tiêm kích trứng, mặc dù bị buồng trứng đa nang chỉ chọc được 8 trứng với 6 quả thụ tinh tạo được 5 phôi nhưng may mắn ngay lần đầu tiên chuyển 2 phôi, vợ chồng chị đã thành công.
“Sau chuyển phôi, mình thử que không lên, phải đi xét nghiệm beta mới biết. Và lúc biết bầu đôi mình vui mừng hạnh phúc lắm, cứ như mơ vậy. Gia đình mình, chồng mình bất ngờ lắm ai cũng vui mừng”, chị Hương chia sẻ niềm hạnh phúc đầu tiên.
Chị Hương phải cố gắng 15 năm mới được nắm lấy bàn tay con.
Lần đầu tiên mang thai sau 15 năm nên mọi thứ đều bỡ ngỡ với chị Hương. Chị bị nghén 4 tháng không ăn được gì, chỉ ăn được ngô luộc, uống sữa bầu và ngũ cốc bầu. Sau đó dù ăn uống được bình thường nhưng chị phải kiêng vì sợ con to quá dễ sinh sớm nên chỉ ăn rau, không được ăn thịt.
Chưa kể, 10 ngày sau chuyển phôi chị lo lắng khi bị ra dịch nâu. May mắn nhờ dùng thuốc kịp thời, đặt thuốc ngay từ khi chuyển phôi nên chị giữ được thai. Sau đó, chị phải khâu eo cổ tử cung từ tuần 14 và tiêm giữ thai hàng tuần từ tuần thứ 22.
Chưa hết lo lắng này những lo lắng khác lại đổ dồn lên vợ chồng chị khi 27 tuần bị vỡ ối non phải nhập viện cấp cứu giữ con một tuần, chịu đựng không biết bao mũi tiêm vì truyền thuốc liên tục và nằm một chỗ để giữ con.
“Lúc đó vợ chồng mình lo lắng lắng, bắt taxi đến thẳng viện. Anh động viên mình nhiều, chăm sóc những ngày nằm viện chu đáo và lúc nào 2 vợ chồng mình cũng nghĩ sẽ giữ được con càng nhiều tuần càng tốt”, chị Hương nhớ lại.
Sinh đôi không được nhìn mặt con, 4 tháng sau mới được ôm một bé vào lòng
Nói đến đây, chị Hương rưng rưng, mang bầu chị tập bỏ hết những thói quen không tốt cho sức khỏe vì các con, vậy mà ông trời dường như vẫn bất công với chị khi phải sinh 2 con ở tuần thứ 28. Đến bây giờ, chị vẫn nhớ như in ngày định mệnh đó khi cố giữ lấy các con mà không giữ được. Bao nhiêu mũi kim, cơn đau chị chịu đựng nhưng cuối cùng chuyện gì đến cũng đến. 2 bé nhà chị chào đời ngày 15/1, bé đầu nặng 8,5 lạng, bé thứ 2 nặng 1kg.
“Bạn lớn đòi ra lúc 0h02, mình không nghe được tiếng khóc của con, bé thứ 2 chào đời 0h06 chỉ vỏn vẹn một tiếng khóc mình chưa kịp nhìn mặt các con thì các bác sĩ đã đưa các con lên lồng ấp. Hôm sau, bé lớn phải chuyển sang viện Nhi điều trị. Sau 36 ngày cố gắng bé cũng đầu làng số phận”, chị Hương nghẹn lại.
Bé lớn nhà chị mất sau 36 ngày sinh, bé thứ 2 phải giành giật sự sống với căn bệnh tim bẩm sinh.
Chị Hương tâm sự, sinh xong không được nhìn mặt các con, bé lớn vì chuyển viện nên ngày hôm sau chị được gặp con đưa con sang viện Nhi làm thủ tục lấy máu. Nhìn con lúc đó nhỏ xíu chỉ 8,5 lạng mà chị đau từng khúc ruột và khi con qua đời không ở lại được bên bố mẹ, tim gan chị đau như cắt. Mặc dù vậy chị vẫn cố gắng kìm nén nỗi buồn, dồn hết niềm hy vọng còn lại của mình để lo cho con trai thứ 2. Hàng ngày, chị cứ chăm chỉ vắt sữa mang cho con. Chẳng hiểu sao khi ấy chị lại có nhiều động lực, sức mạnh đến vậy bởi trong chị luôn hy vọng về ngày mẹ con được đoàn tụ.
Tuy nhiên ông trời vẫn luôn muốn thử thách vợ chồng chị sau 53 ngày con nằn lồng ấp không cai được oxy, bác sĩ hội chẩn chuyển sang Viện tim Hà Nội. Vợ chồng chị đã chết điếng người với thông báo của bác sĩ “con bị tim bẩm sinh chờ ngày mổ”. Nghe đến đây chị như chết lặng, thầm trách móc tại sao ông trời đã mang một con của chị đi rồi giờ lại mang nỗi đau nữa đến với vợ chồng chị, với đứa con thứ 2 còn nhỏ xíu chưa biết gì.
“Bé em thì gần 1 tháng mình mới được gặp con khi y tá đưa đi chụp phim. Khi có quyết định mổ thì trớ trêu thay con lại bị hẹp phế quản. Lúc đó các bác gọi bố mẹ đến để giải thích rồi nói trả con về không mổ được, mình đã khóc hết nước mắt. Các bác thương cho con ở lại và rồi ông trời vẫn còn thương xót mình, đúng 49 ngày anh trai của con, các bác sĩ chụp lại, kết quả khả quan thông báo mổ được, vợ chồng mình mừng rơi nước mắt. Cuối cùng ca mổ thành công hơn mong đợi. Sau hơn 3 tháng xa cách mẹ con mình được gặp nhau”, chị Hương kể về hành trình cùng con giành lại sự sống.
Sau bao tháng xa cách cuối cùng con đã được về nhà với chị.
Giờ đây sau tất cả, chị Hương và con trai đã được bên cạnh nhau. Hiện nay, bé đã về nhà được hơn 1 tháng nặng được 3kg. Chị Hương bộc bạch, mặc dù biết chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng chị sẽ cùng con cố gắng.