Mới đây, TS.BS Lê Thị Thu Hương, Chuyên gia về Dị ứng - Hen, Đại học Y Hà Nội, tiếp nhận một bệnh nhi 3 tuổi cao 103cm, được mẹ đưa đến khám vì có dấu hiệu thiếu canxi. Người mẹ chia sẻ, trước đó thấy con có chiều cao vượt trội, thường đứng nhất lớp về chiều cao nên mẹ rất vui và yên tâm, chưa bao giờ bổ sung canxi cho con.
Tuy nhiên kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị thiếu canxi. “Bệnh nhi này dù cao nhưng xương bị xốp và loãng xương. Đây là một trường hợp cá biệt vì trẻ mới 3 tuổi. Xốp và loãng xương thường gặp nhiều ở tuổi dậy thì”, bác sĩ Thu Hương chia sẻ.
Canxi có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định chiều cao và sự phát triển khỏe mạnh của trẻ. Nhiều cha mẹ hiện nay vẫn cho rằng con có chiều cao vượt trội là đủ canxi, không cần bổ sung thêm. Theo bác sĩ Thu Hương, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm.
Trẻ cần được bổ sung đủ canxi trong suốt quá trình phát triển để xương và răng chắc khỏe. (Ảnh minh họa)
Khi trẻ thiếu canxi sẽ bị còi xương, răng mọc chậm, hay giật mình, xương nhô, ức lõm, ngủ trằn trọc không ngon giấc. Không chỉ vậy, việc thiếu canxi còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, khiến các tế bào mất đi khả năng nhận biết để tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể trẻ.
Với những trẻ trong độ tuổi tiền dậy thì và dậy thì, thiếu canxi sẽ khiến cơ thể trẻ mệt mỏi, lười ăn, cáu gắt, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, lười vận động, hay bị tê mỏi chân tay và dễ bị ngã. Nếu tình trạng thiếu canxi kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn đến trí não của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần bổ sung canxi cho con hằng ngày để trẻ có hệ thống xương, răng chắc khỏe. Tuy nhiên, chúng ta cần bổ sung liều lượng phù hợp và theo từng độ tuổi của trẻ.
Nên bổ sung canxi cho trẻ như thế nào?
Theo bác sĩ Thu Hương, trong quá trình trẻ lớn lên sẽ có 3 giai đoạn quan trọng cần bổ sung canxi là: thời kỳ bào thai, 3 năm đầu đời, thời kỳ tiền dậy thì và dậy thì. Trong đó, ở tuổi tiền dậy thì và dậy thì, trẻ có nhu cầu canxi từ 1.000 mg - 1.200 mg canxi/ngày. Ở giai đoạn tuổi lên 3, trẻ sẽ cần 300 - 500mg canxi/ngày.
TS.BS Lê Thị Thu Hương. Ảnh: NVCC.
“Tỷ lệ bổ sung này dành cho những bé uống ít sữa và không ăn đủ các thực phẩm giàu canxi. Với những bé đã uống nhiều sữa và ăn được đủ chất thì không cần phải bổ sung canxi, ba mẹ chỉ cần bổ sung vitamin D để trẻ hấp thu tốt là được”, bác sĩ Thu Hương lưu ý.
Ngoài bổ sung canxi cho con theo đường uống, cha mẹ có thể bổ sung cho con qua đường ăn bằng các thực phẩm như sữa, các loại hải sản gồm cá, cua, tôm sò… hay các loại rau củ quả khác nhau.
Bác sĩ Thu Hương khuyến cáo, việc bổ sung canxi vừa đủ sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu chất này bổ sung thừa sẽ làm trẻ dễ bị táo bón, buồn nôn, đau xương… Thừa canxi trong thời gian dài còn có thể gây những hậu quả nặng hơn như canxi tích tụ gây vôi hóa hoặc sỏi thận, khiến cơ thể giảm hấp thu các chất khoáng khác như sắt, magie, kẽm … Vì vậy để đảm bảo liều lượng đầy đủ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi bổ sung cho con.
Nhiều mẹ lầm tưởng rằng con cao lớn thì không thiếu canxi. (Ảnh minh họa)
Vị chuyên gia lưu ý thêm, phụ huynh cần bổ sung canxi cho con vào buổi sáng, sau bữa ăn 30-60 phút để trẻ hấp thu tốt. Cần tránh cho trẻ uống canxi vào buổi tối và buổi chiều bởi thời gian này sẽ khiến canxi bị lắng đọng trong cơ thể, nguy cơ gây táo bón, sỏi thận và khó ngủ.
Bác sĩ Thu Hương cho biết bổ sung canxi là một phần, nhưng làm sao để trẻ hấp thu canxi phải có yếu tố đi kèm. Có nghĩa rằng ngoài bổ sung canxi, cha mẹ nên bổ sung các chất khác như kẽm, magie, vitamin D… giúp trẻ hấp thu tốt hơn. Điều quan trọng cần đảm bảo cung cấp cho trẻ đầy đủ chất dinh dưỡng và đảm bảo đủ các nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin, nước, chất xơ… để trẻ phát triển cân đối, khỏe mạnh.