Mỗi ngày hiện nay của chị Kim Châu đầu bù tóc rối với guồng quay của con. Dù vất vả nhưng chị luôn cảm thấy hạnh phúc. Chị cảm thấy mọi quyết định giữ con của 2 vợ chồng khi được chẩn đoán bào thai thoát vị hoành bẩm sinh nặng hiếm gặp 10 nghìn ca mới có một là vô cùng đúng đắn để giờ đây chị có “cục vàng” vô cùng đáng yêu này.
Em bé đáng yêu nhà chị Châu.
Mang bầu 10 nghìn ca mới có một, mặc lời khuyên quyết giữ con bằng được
Chị Châu cho biết, vợ chồng chị kết hôn năm 2019. Hai vợ chồng chị kế hoạch 2 năm dự định 2022 hết dịch mới tính chuyện có bầu. Nào ngờ chị có bầu lúc nào không hay. Chị còn nhớ thời điểm tháng 3 năm ngoái vào đúng đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP. HCM, vợ chồng chị hay tin em bé đến. Dù tin vui nằm ngoài kế hoạch nhưng con cái là của trời cho nên anh chị vẫn hạnh phúc đón nhận.
“Mình mang thai không bị hành gì hết nên không hay biết. Hơn nữa kinh nguyệt của mình không đều nên mang bầu mãi mình mới biết. 9 tuần mình đi khám thai định kỳ kết quả khám bình thường. Hồi 12 tuần do đợt dịch cao điểm nên mình không đi khám, làm các xét nghiệm được đến 14 tuần đi siêu âm ở một bệnh viện sản phụ lớn Tp. HCM bác sĩ báo bé bị thoát vị hoành”, chị Châu kể.
Thời điểm đó, chị Châu không suy nghĩ gì nhiều. Mãi đến khi qua khu khám tiền sản, bác sĩ khuyên nên chấm dứt thai kỳ, không giữ được bé vì bé càng lớn sẽ càng ảnh hưởng nhiều thứ, nhất là về sức khỏe, tâm lý, chị mới biết con bị thoát vị nặng.
Mặc dù vậy 2 vợ chồng chị vẫn quyết định giữ con mà không chấm dứt thai kỳ và chấp nhận viết cam kết với quyết định này của mình. Sau đó vợ chồng chị có đi khám bác sĩ tư và vào bệnh viện của bác sĩ làm khám cũng được xác nhận giống vậy, thai nhi thoát vị hoành, yêu cầu chấm dứt thai kỳ.
“Bác sĩ khuyên mình, 31 tuần có thể thai lưu vì trước đó có một trường hợp giống mình quyết giữ thai đến 31 tuần thì lưu không phát triển được. Nếu mình chấm dứt thai kỳ bác sĩ hỗ trợ, còn nếu muốn giữ bác cũng sẽ hỗ trợ. Tuy nhiên bác vẫn khuyên không nên giữ em bé vì bé lớn sẽ đau lòng nhiều hơn”, chị Châu kể.
Dù con bị thoát vị hoành nặng nhưng chị Châu vẫn quyết định giữ con.
Sau đó khi đi chích ngừa uốn ván tại bệnh viện, chị Châu cũng được bệnh viện kết nối mời bác sĩ BV Nhi Đồng qua hội chẩn, giải thích và cho biết chi phí phẫu thuật bé sau sinh. Tuy nhiên vì mỗi lần đi khám thai lại gặp một bác sĩ khác nhắc lại về dị tật bẩm sinh của thai nhi nên chị quyết định không đi khám ở đâu nữa, tự ở nhà dưỡng thai để tinh thần ổn định, thoải mái nhất. Chị bảo chị theo đạo nên thời điểm đó chị có niềm tin và phó thác cho Chúa.
Đến tuần thai thứ 32, được một người bạn giới thiệu bác sĩ Hà là người sáng lập bệnh viện quốc tế lớn ở Tp. HCM, vợ chồng chị đã tìm đến và đây cũng là cơ duyên mở ra một con đường mới của vợ chồng chị trong hành trình giữ con. Đặc biệt, chị được bác sĩ gửi gắm cho bác sĩ Thân Trọng Thạch làm ở Bệnh viện Hùng Vương nên như tìm được tia sáng phía cuối con đường hầm.
“Vợ chồng mình gặp bác sĩ Hà, bác rất nhẹ nhàng tâm lý bảo không có gì hết 2 vợ chồng suy nghĩ bình thường. Bác bảo con không phải muốn là có được, bác khám nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn rất khổ sở để có con nên hãy tin rằng đây là trời cho vợ chồng mình. Bác đã gọi cho bác sĩ Thạch và nói “Cô có bệnh nhân nhắn gửi, giờ giao hết cho Thạch nha, Thạch lo hết cho em”, giống như gửi người nhà của bác vậy”, chị Châu nhớ lại.
Vợ chồng chị tìm thấy tia sáng mới khi gặp bác sĩ Hà.
Hành trình làm nên điều kỳ diệu
Chị Châu cho biết, kể từ khi theo bác sĩ Thạch, bác sĩ tâm lý không nhắc về dị tật bẩm sinh của con nên chị thấy mình được giống như một bà bầu bình thường. “Mình lên Facebook đọc được bài đăng của bác về câu chuyện con trai của bác từng bị thoát vị rốn nên bác hiểu tâm trạng của mình và mình biết đó là sự sắp đặt của Chúa”, chị Châu thổ lộ.
Thai kỳ của chị sau đó bị tiểu đường thai kỳ nên phải kiêng và ăn theo chế độ. May mắn đến tuần 36 chị hết bị tiểu đường. Bác sĩ đã cố gắng theo dõi đến tuần 38 và đến gần tuần 39, chị được bác sĩ xếp lịch mổ để tránh nguy hiểm. Vậy là mang bầu đến tuần 39 chị nhập viện. Sau khi bệnh viện lên lịch hẹn với bác sĩ Nhi Đồng hỗ trợ theo chương trình thì ngày 21/1 chị bước vào phòng sinh mổ.
Chị sinh mổ ở tuần 39.
Nói đến đây, chị Châu tâm sự, nằm trên bàn sinh mổ, chị đã xúc động khóc vì lo cho con nhưng khi nghe tiếng bác sĩ Thạch đến chị mừng và an tâm hơn. Nhanh chóng sau đó khoảng 10-15 phút, con trai chị đã chào đời. Tuy nhiên chị chỉ kịp nghe đúng 3 tiếng khóc là bé đã nhanh chóng được đưa đi. Và sau đó bé phải trải qua hành trình rất dài, thậm chí gia đình đã phải chuẩn bị tinh thần có thể đón nhận tình hình xấu nhất.
bé vừa mang ra khỏi phòng mổ là bắt đầu suy hô hấp, tình trạng đã được dự đoán trước và bác sĩ Nhi đồng xử lý rất nhanh
Bác sĩ Thạch kể lại về ca sinh của chị Châu: “Tôi bắt bé ra bé khóc và hồng hào, cử động bình thường như bao đứa trẻ khác tôi từng mổ nhưng khi vừa mang ra khỏi phòng mổ là bé bắt đầu suy hô hấp, tình trạng đã được dự đoán trước và bs Nhi đồng xử lý rất nhanh, đặt nội khí quản và hồi sức tích cực, tuy nhiên tình trạng bé vẫn không cải thiện. SpO2 luôn ở mức thấp 40-50% nên sau 1 tiếng hồi sức Bs Bv Nhi đồng tiên lượng ca này nặng khó đáp ứng điều trị nên không nhận về BV Nhi đồng được.
Nghe đến đây tim tôi như thắt lại, tôi đã từng trải qua cảm giác con mình nặng phải phẫu thuật lúc 2 tháng tuổi nên tôi đủ hiểu cảm giác của vợ chồng em khi nghe tôi báo tin như vậy. Tôi vẫn tin có phép màu nào đó xảy ra. Bé được đưa lên khoa Nhi của bệnh viện tôi. Sự kỳ diệu của tạo hoá đã xảy ra khi bé tốt lên từng ngày, SpO2 cải thiện sau 1 tuần nằm ở đây và 1 tuần sau đó đã mời Bs Nhi đồng qua đón bé về BV Nhi đồng chăm sóc tiếp để bé có cơ hội được phẫu thuật”.
Theo bác sĩ Thạch chia sẻ, bé bị thoát vị hoành bẩm sinh nặng hiếm gặp với tỷ lệ 1/10.000 ca, vòm hoành bị khuyết nên cơ quan trong bụng sẽ chui qua lên trên ngực làm cho phổi kém phát triển và khi sinh ra khả năng suy hô hấp và tử vong cao, chỉ có phẫu thuật ngay sau sanh là giải pháp duy nhất giành lại được sự sống cho bé nên bé tiếp tục nằm ở BV Nhi đồng để được chăm sóc tích cực trong những ngày Tết Nguyên Đán.
Khoảng thời gian đó vợ chồng chị Châu cũng không được thăm con mà chỉ hỏi được tình hình bé qua điện thoại. Gia đình chị lúc đó chỉ mong bé mau đáp ứng được thuốc kháng sinh để hết nhiễm trùng và có thể mổ được càng sớm càng tốt. Suốt 2 tháng chờ đợi trong hy vọng niềm tin và nhiều cung bậc cảm xúc, vợ chồng chị có lúc gần như tuyệt vọng do bé đã nằm quá lâu mà chưa thể mổ được. Hằng tuần ngoài việc thông báo tình trạng các nguy cơ, đóng tiền viện phí và mua tã gửi vào cho con vợ chồng chị chỉ biết chờ đợi. Cuối cùng thì tin vui cũng đến khi bé được thông báo mổ. Và ca mổ sáng ngày 22/3 đã diễn ra thành công tốt đẹp.
2 tháng sau sinh bé được phẫu thuật. Và sau 2 tháng phẫu thuật bé ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt.
2 tháng sau mổ, bé chính thức được ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, bắt đầu tập bú lượng ít. Mặc dù con còn ống sonde dạ dày để nuôi ăn nhưng nhìn con cười, có phản xạ phản ứng lại khi bố mẹ trò chuyện vợ chồng chị cùng các bác sĩ vui mừng hạnh phúc. Hiện tại, bé đã được gần 5 tháng sức khỏe tốt và đã được ra viện.
“Bé đã giúp tôi và ba mẹ bé cũng như ekip của BV Nhi đồng thở phào nhẹ nhõm khi giành giật lại sự sống cho bé. Bé đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trên con đường nghiệp Y đầy vất vả nhưng cũng tràn đầy ý nghĩa này.
Một lần nữa tôi muốn gửi những lời đầy chân thành với tư cách là bác sĩ và cũng là người cha đã trải qua giai đoạn khó khăn như vậy: cha mẹ của những trường hợp thai được chẩn đoán trước sinh có bất thường hãy kiên cường lên, bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu, hãy đi qua nhiều Bệnh viện khác nhau để được kiểm tra và tư vấn kể bác sĩ Sản và bác sĩ Nhi. Hãy sáng suốt lựa chọn giải pháp trước khi quyết định kết thúc sự sống đứa con trong bụng mẹ. Đừng vội quyết định nếu chưa làm tốt nhất có thể”, bác sĩ Thạch nhắn nhủ.
Hình ảnh vô cùng đáng yêu của em bé nhà chị Châu.