Bất kỳ một đứa trẻ nào cũng sẽ có một khoảng thời gian "nổi loạn" trong quá trình lớn lên. Trẻ dường như luôn đối đầu với cha mẹ, câu cửa miệng luôn là: "Con không có", "Con không làm", "Con không muốn ăn", "Con không thích"…
Cha mẹ đừng vội nóng nảy, hãy cùng tìm hiểu kỹ về giai đoạn phát triển não bộ này của trẻ và khám phá nguyên nhân đằng sau sự bướng bỉnh của trẻ. Từ đó, cha mẹ có thể tìm ra những cách giao tiếp tốt hơn, giúp trẻ bướng bỉnh trở nên ngoan ngoãn.
Trước tiên, cha mẹ hãy nhận thức rằng việc trẻ nói “không” không phải là điều xấu mà ngược lại, đó là một giai đoạn trong quá trình lớn lên của trẻ.
Trẻ em từ 1,5 đến 3 tuổi đang ở giai đoạn phát triển đột phá về nhận thức. Tuy nhiên, lúc này não bộ vẫn chưa hoàn thiện để có khả năng nhận thức đầy đủ về hành vi của mình, do đó sẽ hình thành tâm lý “không thích”, “không nghe lời”, “không hợp tác” với mọi người xung quanh. Hiểu một cách đơn giản, khi một đứa trẻ nói "không", có nghĩa rằng trẻ bắt đầu có những nhận thức cơ bản về mọi điều xung quanh.
Trẻ dù bướng bỉnh vẫn đang ở trong giai đoạn hình thành nhận thức của mình, nên việc cha mẹ quan tâm tới trạng thái cảm xúc của con là vô cùng quan trọng với sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Thông thường, trẻ từ 1,5 đến 3 tuổi đều rất tình cảm, nhưng tính cách của mỗi trẻ lại khác nhau, khiến nhiều cha mẹ phải than vãn rằng không biết nên giải mã những cảm xúc của con như thế nào, vì những cơn cáu giận, bướng bỉnh ở trẻ không có phương pháp “đặc trị” như các bệnh tiêu hóa, cảm, ho, sốt... thường gặp.
Vì vậy, để hiểu được con, cha mẹ hãy để ý cách những đứa trẻ giao tiếp, trò chuyện với nhau và tìm ra phương pháp giao tiếp như một người bạn với con. Dưới đây là một số phương pháp giao tiếp tốt giữa cha mẹ và con cái.
Trước tiên, cha mẹ hãy ngừng ra lệnh với con
Mỗi ngày không khó để chúng ta nghe được những câu như: "Không được phép" và "đừng khóc nữa!", "Đừng có chạy lung tung!", "Đừng nghịch nước!", "Đừng chạm vào chúng!"... Những mệnh lệnh này thường là những gì cha mẹ nói với con trẻ một cách vội vàng khi trẻ mắc lỗi.
Cho con quyền được lựa chọn
Trẻ con ở tuổi trước khi tới trường thường thiên về cảm xúc hơn là lý trí, và phương pháp giao tiếp “lựa chọn a hoặc b” có thể rèn luyện khả năng suy nghĩ hợp lý của trẻ.
Ví dụ, trước tiên mẹ có thể nói với con: "Bây giờ là 9 giờ tối, nếu con không ngủ ngay bây giờ thì ngày mai con sẽ không thể dậy vào lúc 7 giờ sáng để đi chơi cùng cha mẹ”. Trẻ con luôn rất hào hứng với những cuộc vui chơi, và tất nhiên, trẻ sẽ lựa chọn đi ngủ sớm.
Hoặc cha mẹ có thể cho con quyền được lựa chọn các “tiết mục” tiếp theo trong ngày như: “Con có muốn lên giường cùng mẹ đọc truyện một lát không?", hay "Chúng ta chơi game thêm một lúc rồi đi ngủ nhé”.
Tất nhiên trẻ sẽ lựa chọn dựa vào xu hướng, nhưng dù chọn cái nào thì cha mẹ cũng đạt được mục đích của mình là cho con đi ngủ đúng giờ.
Việc cho phép trẻ tự mình lựa chọn sẽ làm cho trẻ có cảm giác được tôn trọng. Trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 3 tuổi không thể đưa ra những quyết định quá phức tạp, cha mẹ có thể để trẻ tự chọn đồ chơi muốn chơi và giày muốn mang khi đi dạo.
Tôn trọng ý kiến của con
Nếu cha mẹ hỏi con rằng: "Gần đây con rất ngoan. Con có muốn mẹ thưởng cho con không? hay "Con có muốn đi ăn McDonald's hay KFC không?". Khi trẻ nhiệt tình đưa ra lựa chọn, cha mẹ nên tôn trọng suy nghĩ của trẻ thay vì điều hướng sang lựa chọn của bạn thân mình như: “Nhưng hôm nay mẹ hơi mệt, hôm khác chúng ta đi nhé!”.
Hoặc dù trẻ có lựa chọn nào thì cũng sẽ bị cha mẹ phủ nhận bằng việc nói "Không". Nếu cha mẹ liên tục từ chối những lựa chọn của con, sẽ gây nên sự thiếu tin tưởng, thiếu bình đẳng khi giao tiếp với con trẻ.
Để trẻ tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình
Đôi khi, sau bao cố gắng lý luận với trẻ mà trẻ vẫn nhất quyết đi theo con đường của mình một cách bướng bỉnh thì đã đến lúc trẻ hiểu được ý nghĩa thực sự của việc “có trách nhiệm với bản thân”. Tất nhiên, cha mẹ hãy đảm bảo rằng hành vi này sẽ không để lại hậu quả quá nghiêm trọng.
Không “chì chiết” chuyện cũ để dạy dỗ con
“Mẹ đã nói với con lâu rồi mà con cứ không nghe!”, “Lần nào cũng vậy!”, “Chưa thấy đứa nào mà ích kỷ hơn con!”, “Không có đứa trẻ nào như thế này đâu, thật đáng xấu hổ! ”... Những câu nói rất quen thuộc hàng ngày mà cha mẹ nhiều cha mẹ không nhận ra.
Tuy nhiên, đây không phải là cách giáo dục tốt đối với một đứa trẻ có tính cách bướng bỉnh, hay chống đối.
Hãy dành thời gian bên con
Cũng có trường hợp trẻ thể hiện sự bướng bỉnh chỉ để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Người lớn cho rằng từ "không" có nghĩa là phủ nhận hoặc phản đối, nhưng với trẻ lại không có khái niệm này.
Khi thấy trẻ mất bình tĩnh và trở nên ngang bướng, cha mẹ nên tập trung vào trẻ để tìm hiểu nguyên nhân. Tình trạng này thường xảy ra khi trẻ nhiều lần muốn nói chuyện và chơi cùng cha mẹ nhưng lại phớt lờ.
Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con mình trở nên ngoan ngoãn nhưng lại luôn dùng sự gay gắt của mình để dạy con không còn bướng bỉnh. Với một số bé, việc nghe lời cha mẹ có thể do cha mẹ thật sự nghiêm khắc, tuy nhiên điều này lại kìm hãm sự phát triển tinh thần của trẻ. Tinh thần và thể chất có mối quan hệ mật thiết với nhau, nếu trẻ không có một tinh thần tốt thì sức khỏe của chúng cũng không thể phát triển tốt.
Tóm lại, trước sự bướng bỉnh của con cái, điều cha mẹ nên làm là hiểu, tôn trọng và tìm cách giao tiếp với con chứ không nên quở trách, chèn ép một cách mù quáng.