Tôi biết đa số bố mẹ ngày nay đều có quan điểm dạy con, không nên cho đứa trẻ sử dụng điện thoại sớm. Điều này hoàn toàn có lợi cho sự phát triển lành mạnh của con, và vợ chồng tôi hiểu rất rõ điều đó nhưng trong hoàn cảnh bắt buộc, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sắm cho con gái một chiếc điện thoại để tiện liên lạc với bố mẹ. Vì tính chất công việc của vợ chồng tôi khá bận rộn, hay đi sớm về khuya và có những chuyến công tác đột xuất xa nhà.
Tuy nhiên từ trước đến nay, mọi nhất cử nhất động của con đều nằm trong tầm theo dõi, kiểm soát của bố mẹ. Chính vì như thế mà sẽ không có chuyện thời gian sử dụng điện thoại di động của con nhiều. Nhưng suốt hơn nửa tháng nay tôi và bà xã "tối mặt tối mày" chạy dự án nên dần lơi lỏng chuyện này. Và thế là một sự cố đáng sợ đã xảy đến với con gái tôi, khiến hai vợ chồng được một phen "hú hồn hú vía".
Ảnh minh hoạ
Chuyện bắt đầu khi gần đây tôi để ý con gái thường xuyên ở trong phòng khoá kín cửa, luôn trong trạng thái thất thần, ánh mắt lảng tránh. Ở độ tuổi dậy thì 13, tôi biết con cần có không gian riêng tư nhưng với những biểu hiện này của đứa trẻ, vợ chồng tôi không khỏi nghi ngờ, lo lắng có chuyện gì đó đang xảy ra với con. Tuy nhiên mỗi lần bố mẹ muốn nói chuyện hay hỏi thăm thì con đều tìm cách lơ đi, hoặc chọn giữ im lặng lắng nghe chứ không "hé răng nửa lời".
Để tìm hiểu vấn đề con gái đang giấu bố mẹ, tôi đã lén vào phòng đứa trẻ kiểm tra trong lúc con đi tắm. Tại thời điểm này, tôi hoảng loạn phát hiện ra con sử dụng điện thoại di động để chơi game. Nhưng chưa dừng lại ở đó, đoạn trò chuyện bên trong mới thực sự khiến tôi bị sốc.
Nghĩ lại vẻ mặt ngơ ngác và ánh mắt đầy nỗi lo của con gái trong khoảng thời gian này, tôi ngay lập tức hiểu rằng con gái đang bị lừa và đang mang nợ một số tiền lớn. Quá hoảng loạn, tôi đã ngay lập tức gọi điện trình báo công an vào cuộc điều tra. Trong đoạn tin nhắn với người lạ, con gái tôi bị đe doạ với những lời lẽ rất khiếm nhã, kẻ này yêu cầu con gái phải tìm cách kiếm số tiền lên đến vài chục triệu đồng để trả cho chúng vì đã chơi thua.
Ảnh minh hoạ
Sau khi sự việc bị bại lộ, con gái tôi đã rơi vào tình trạng sợ hãi, ảnh hưởng tâm lý suốt mấy ngày liền. Tôi và vợ đã rất vất vả để hỗ trợ con vượt qua được chuyện này. Chúng tôi vô cùng hối hận vì đã lơ là, chủ quan trong quá trình cho con sử dụng thiết bị di động. Sự việc xảy ra phần lớn đến từ lỗi của bố mẹ nên tôi và bà xã không chọn cách la mắng, chỉ trích con khiến đứa trẻ càng thêm áp lực, mà sẽ kiên nhẫn dạy con.
Thực tế tình huống tương tự như của con gái tôi cũng xảy ra với các trẻ khác, và nó ít nhiều gì cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến bọn trẻ. Tôi không muốn các phụ huynh sẽ để con rơi vào hoàn cảnh giống mình nên muốn chia sẻ câu chuyện của gia đình tôi để mọi người có thể rút kinh nghiệm, xem đó là bài học đáng giá để nhìn đó mà chỉnh cách giáo dục con, tránh để chuyện đáng tiếc xảy ra.
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Như nhiều bố mẹ cũng đã biết, thiết bị điện tử vốn là con dao hai lưỡi. Cho con sử dụng là không sai, nhưng sử dụng như thế nào để có lợi thay vì có hại là điều cực kỳ quan trọng. Để đảm bảo con sử dụng thiết bị điện tử lành mạnh, mang lại giá trị tích cực cho sự phát triển của bản thân trẻ thì bố mẹ cần lưu ý 4 điều:
- Đặt giới hạn thời gian cho trẻ chơi điện thoại di động
Việc đặt ra giới hạn thời gian sử dụng thiết bị là rất quan trọng. Bố mẹ có thể thảo luận với con và thoả thuận một thời gian hợp lý, ví dụ như 30-60 phút mỗi ngày. Điều này giúp cân bằng thời gian dành cho các hoạt động khác như học tập, chơi đùa ngoài trời, đọc sách,... Quá nhiều thời gian dành cho thiết bị có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Quyền sở hữu điện thoại di động
Khi cha mẹ mua điện thoại cho con, nên nói rõ rằng điện thoại là thuộc sở hữu của cha mẹ. Tuy nhiên, con được phép sử dụng theo những quy tắc nhất định.
Cha mẹ cần đặt ra những quy tắc rõ ràng về việc sử dụng điện thoại, như thời gian, địa điểm, nội dung sử dụng. Nếu con không tuân thủ, cha mẹ có thể tạm thời thu hồi điện thoại.
Quan trọng là giải thích cho con hiểu lý do tại sao cha mẹ đặt ra những quy tắc đó, chẳng hạn như ảnh hưởng đến việc học tập. Hãy lắng nghe ý kiến của con và thảo luận để tìm ra giải pháp hợp lý.
- Phạm vi sử dụng điện thoại di động
Cha mẹ nên cài đặt các tính năng kiểm soát nội dung, giới hạn thời gian sử dụng, và các tính năng an toàn khác trên thiết bị của con.
Giải thích cho con hiểu những nội dung nào là phù hợp và những nội dung nào cần tránh. Khuyến khích con sử dụng điện thoại vào những mục đích tích cực như học tập, giao tiếp với gia đình.
Theo dõi, nhưng không nên can thiệp quá sâu vào quyền riêng tư của con trên điện thoại. Cần tôn trọng sự riêng tư của con trong một mức độ hợp lý.
- Cha mẹ nên tránh kiểm soát quyền riêng tư của con
Quyền riêng tư của trẻ em trên điện thoại di động cần được tôn trọng. Trẻ em cần có không gian riêng để khám phá, trao đổi và trưởng thành.
Cha mẹ cũng cần có sự hiểu biết tổng quát về những gì con đang làm trên điện thoại. Điều này giúp cha mẹ hướng dẫn và bảo vệ con một cách hiệu quả và an toàn nhất.