Trong quá trình thụ thai, khi trứng được thụ tinh nhưng không di chuyển đến tử cung mà làm tổ ở một vị trí khác như vòi trứng, ổ bụng,... sẽ gọi là thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung không thể sinh được, cũng không thể đẩy khối thai vào trong tử cung được nên cần phải loại bỏ. Nếu cố giữ lại thì thai này sẽ vỡ, gây nguy hiểm hoặc gặp trường hợp hiếm hoi như bà mẹ dưới đây.
Năm 1978, bà Kantabai Thakre (lúc đó 24 tuổi), sống tại Ấn Độ phát hiện mang bầu nên đi khám. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết thai này phát triển bên ngoài tử cung nên cảnh báo Kantabai rằng đứa con trong bụng của bà không thể sống được lâu và cách tốt nhất là nên bỏ cái thai để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và tránh rủi ro không đáng có.
Nghĩ đến việc phẫu thuật bỏ thai, bà Kantabai sợ hãi nên đã trốn khỏi bệnh viện. Thay vì bỏ thai ngoài tử cung, bà chỉ tìm cách điều trị cơn đau tại một phòng khám tư nhân nhỏ. Nhiều tháng sau đó, cơn đau dần thuyên giảm, cơ thể trở về trạng thái bình thường nên bà Kantabai nghĩ rằng vấn đề của mình đã được giải quyết.
Vậy nhưng 36 năm sau, bà Kantabai bỗng nhiên cảm thấy những cơn đau kỳ lạ ở vùng bụng. Bà tìm đến gặp các bác sĩ tại Viện Khoa học Y tế NKP Salve, ở thành phố Nagpur, miền Trung Ấn Độ để được thăm khám và tư vấn. Các bác sĩ sờ thấy một khối u ở phía ở vùng bụng dưới bên phải của bà rồi tiến hành siêu âm và chụp cắt lớp. Kết quả là họ phát hiện ra một khối u kỳ lạ, khá lớn.
Bác sĩ phát hiện khối u kì lạ trong bụng cụ bà 60 tuổi.
Bác sĩ Murtaza Akhtar, trưởng khoa phẫu thuật của bệnh viện, cho biết: "Bà ấy cho biết bị đau liên tục ở bụng, sốt và khó đi vệ sinh. Chúng tôi tìm thấy một khối u ở bụng và sợ rằng đó là ung thư. Vậy nhưng khi tiến hành chụp MRI và CT, chúng tôi có thể phát hiện ra rằng đó thực sự là một bộ xương hoàn chỉnh được gói gọn trong một túi vôi hóa.
Khi chúng tôi hỏi tiền sử bệnh, bà ấy nói với chúng tôi rằng mình đã từng mang thai vào năm 1978 nhưng đứa con của bà ấy đã chết. Bà ấy nói với chúng tôi rằng bà ấy đã rất sợ hãi và trở về nhà mà không tìm cách loại bỏ thai nhi. Bà ấy chỉ điều trị giảm đau tại một trung tâm y tế ở địa phương. Đó có thể là ca mang thai ngoài tử cung dài nhất thế giới".
Túi vôi hóa chứa hài cốt thai nhi được tìm thấy giữa tử cung, ruột và bàng quang, dính chặt vào tất cả các cơ quan. Nước ối bảo vệ thai nhi có thể đã được hấp thụ và các mô mềm hóa lỏng theo thời gian, chỉ còn lại một túi xương với một ít chất lỏng. Do trọng lượng túi vôi hóa chèn ép hệ thống tiết niệu, ảnh hưởng đến chức năng của thận.
Thai ngoài tử cung đã vôi hóa tồn tại trong bụng cụ bà này suốt 38 năm.
Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy bộ hài cốt ra và sau đó sức khỏe của bà Kantabai may mắn phục hồi tốt.
Qua nghiên cứu tài liệu y khoa, bác sĩ phát hiện một trường hợp tương tự. Người phụ nữ Bỉ đã mang thai ngoài tử cung trong suốt 18 năm, khoảng thời gian dài nhất mà họ có thể tìm thấy trong hồ sơ lưu trữ.Bác sĩ Mohammad Yunus Shah nói thêm: "Chúng tôi tin rằng đây có thể là trường hợp mang thai ngoài tử cung dài nhất được ghi nhận, với 38 năm. Bà ấy rõ ràng biết rằng đứa bé đã chết và cần phải phẫu thuật vậy mà lại bỏ về chỉ vì sợ".
Có thai ngoài tử cung phải làm sao?
Thai ngoài tử cung không thể sinh được, cũng không thể đẩy khối thai vào trong tử cung được. Do đó cần phải điều trị để loại bỏ khối thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử càng được phát hiện sớm thì việc điều trị càng đơn giản. Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng của khối thai ngoài tử cung đã bị vỡ hay chưa và nó có kích thước như thế nào.
- Sử dụng thuốc: Trong trường hợp khối thai ngoài tử cung chưa bị vỡ và có đường kính 3cm, bác sĩ có thể cho tiêm một loại thuốc vào khối thai nhằm làm cho khối thai không tiếp tục phát triển sai vị trí và tự tiêu đi.
- Phẫu thuật nội soi: Phương pháp màu được áp dụng với những trường hợp khối thai ngoài tử cung to hơn nhưng chưa bị vỡ.
- Phẫu thuật mổ mở: Với những trường hợp thai ngoài tử cung đã bị vỡ, có quá nhiều máu trong ổ bụng thì bắt buộc các bác sĩ phải tiến hành mổ mở để điều trị.