Dù chưa làm mẹ, nhưng tôi tin rằng mọi đứa trẻ thông minh, hiểu chuyện và thành công đều là do nền tảng giáo dục nhận được từ bố mẹ khi bé. Người ta thường nói, nuôi con thì dễ nhưng dạy con mới khó, quan điểm này quả thực không sai chút nào.
Tôi may mắn khi lớn lên trong gia đình đủ đầy, bố mẹ luôn ủng hộ mọi quyết định của con nên sau khi đỗ đại học, tôi tiếp tục hành trình sống của bản thân bằng việc ra nước ngoài du học và trải nghiệm. Sau khi về nước, tôi mới bắt đầu tính đến chuyện lập gia đình và làm mẹ. Trong khi đó, cô bạn thân của tôi hiện tại đã là mẹ 2 con.
Ảnh minh hoạ
Tuy về khoản này tôi chưa có kinh nghiệm, nhưng với những gì tôi đã quan sát thấy ở nhiều môi trường khác nhau, tôi cũng học tập được chút ít về việc như thế nào là một đứa trẻ ngoan và dạy con ra sao là khoa học. Tôi hiểu mỗi đứa trẻ đều có tính cách, tốc độ phát triển khác nhau, vì lẽ đó nên phương pháp giáo dục phù hợp sẽ quyết định rất lớn đến chuyện bố mẹ dạy con có hiệu quả hay không.
Ngày đầu tiên về nước, tôi đáp xuống sân bay ở Sài Gòn và trước khi tiếp tục một chặng bay nữa để về quê, tôi đã quyết định ghé thăm nhà cô bạn thân của mình. Ban đầu trong dự tính, tôi không có ý định ở lại, nhưng nào ngờ cuộc hội ngộ có quá nhiều điều diễn ra khiến tôi xiêu lòng trước lời thuyết phục qua đêm của cô bạn thân.
Tuy nhiên, lúc chứng kiến một sự việc xảy ra giữa khuya ở phòng ngủ của bạn, cả đêm đó tôi thức trắng vì bận nghĩ mãi về hành động cô ấy làm với con. Nó khiến tôi không tài nào chợp mắt được. Cụ thể tôi đã thấy cô ấy phạt con trai lớn vì lười học, bằng cách bắt thằng bé chép phạt và thức đến tận 12 giờ tối mới được đi ngủ. Với một đứa trẻ đang học tiểu học, tôi thực sự thấy cách dạy con của cô bạn thân có phần không đúng chút nào.
Ảnh minh hoạ
Mặc dù biết bản thân không có quyền can thiệp vào chuyện gia đình của bạn, nhưng đắn đo hết một buổi tối, sang sáng ngày hôm sau, tôi đã quyết định đưa ra cho bạn một vài lời khuyên. Song cũng vì chuyện này mà cô ấy giận tôi, cho rằng tôi lo chuyện bao đồng. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa hòa giải… nhưng tôi vẫn không thấy hối hận bởi việc mình đã làm, đã can đảm góp ý cho bạn với hy vọng trong tương lai, cô ấy sẽ trở thành một người mẹ hoàn hảo, nuôi dạy những đứa trẻ hoàn hảo.
Tâm sự từ độc giả bichngan…@gmail.com
Nếu mọi người thắc mắc tôi đã khuyên những gì, thì hãy đọc tiếp những dòng sau.
Ai đang và đã trải qua hành trình nuôi dạy con, có lẽ nhiều phụ huynh cũng sẽ biết, có không ít trẻ sống khép kín, không bộc lộ những suy nghĩ tâm tư của mình ra để bố mẹ biết. Và đa phần sự buồn bã, tủi thân của trẻ đều xuất phát từ việc bị cha mẹ la mắng, phạt không đúng cách gây tổn thương tâm hồn mong manh. Do đó khi con làm sai điều gì, cha mẹ cũng nên áp dụng những hình phạt sao cho vừa nhẹ nhàng vừa tâm lý không gây tổn thương tới con. Đôi khi chỉ là la mắng nhưng lời nói lúc nóng giận lại có tính "sát thương" trẻ nhỏ ghê gớm.
Các mẹ bỉm sữa cũng có thể áp dụng những cách phạt con thông minh, khéo léo dưới đây:
Phạt trẻ đứng, ngồi
Nếu trẻ không nghe lời và thường xuyên mắc lỗi, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt thể chất nhất định, chẳng hạn như đứng, ngồi. Tìm một góc ở nhà và khoanh vùng đó là khu vực “trừng phạt” khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ tự phản ánh lỗi của mình trong phạm vi nhỏ này.
Mẹ lưu ý rằng thời gian trừng phạt không được quá lâu, và không được nói chuyện với trẻ trong thời gian trừng phạt. Sau khi phạt xong, cha mẹ nên nói cho trẻ biết lý do mình bị phạt để trẻ hiểu mình sai ở đâu và nên làm gì để sửa đổi trong tương lai.
Tịch thu đồ ăn vặt
Đối với trẻ em, tịch thu đồ ăn vặt là một phương pháp trừng phạt rất "tàn nhẫn. Phương pháp này có thể ngăn chặn việc trẻ em ăn quá nhiều đồ ăn vặt và giáo dục trẻ hiệu quả hơn là trừng phạt thể xác.
Mẹ cũng có thể áp dụng hình phạt này khi bé không đánh răng, kén ăn, vứt đồ linh tinh... Cha mẹ nên áp dụng hình thức phạt này để con hiểu rằng, khi con không hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, thì con cũng không được phép làm những điều mình thích. Hãy phạt cho đến khi nào con có ý thức hoàn thành công việc của mình.
Để trẻ làm việc nhà
Làm việc nhà là một cách tốt để trừng phạt trẻ, không những không làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ mà còn rèn luyện khả năng tự chăm sóc bản thân của trẻ. Sau khi trẻ làm sai điều gì đó, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ làm một số công việc nhà mà trẻ không thích như rửa bát, lau sàn, v.v.
Cha mẹ phải nói rõ với con rằng lý do để con làm việc nhà là để trừng phạt những sai lầm của con. Đồng thời cũng không quên nhắc nhở trẻ khi làm việc nhà phải chú ý đến sự an toàn của trẻ, nếu trẻ thực sự không làm được thì nên dừng lại kịp thời để tránh tai nạn.
Hình phạt cô tấm
Khi trẻ phạm lỗi, việc áp dụng những hình phạt hài hước, vui vẻ là cách tốt nhất để giải tỏa không khí căng thẳng, giúp cân bằng tình thế. Trong vô vàn những hình phạt cho trẻ nhỏ thì đây có lẽ là cách phạt khá thú vị.
Mỗi lần bé phạm lỗi, cha mẹ hãy để con “hóa thân” thành cô Tấm xưa bằng cách trộn lẫn 2 thứ đậu với nhau, sau đó yêu cầu trẻ phải tách riêng từng loại cho đến khi hoàn thành xong việc thì mới được ăn cơm hoặc xem TV. Nghe có vẻ lạ, nhưng thực chất hình phạt này mang tính giáo dục rất cao giúp các bé rèn luyện tính nhẫn nại.
Tịch thu đồ chơi
Trẻ em thích chơi đồ chơi, một số em không dọn dẹp sau khi chơi đồ chơi, vứt đồ chơi khắp nơi. Nếu trẻ không chịu bỏ thói quen xấu này, cha mẹ có thể tịch thu đồ chơi của trẻ.
Lưu ý rằng cha mẹ không nên vội dọn dẹp đồ chơi cho con. Hãy phạt con bằng cách tịch thu đồ chơi để con biết rằng, những món đồ mình yêu thích thì phải biết giữ gìn và nâng niu. Nếu con không biết giữ gìn thì con cũng không được phép chơi những món đồ đó.