Thói quen sinh hoạt của mỗi người khác nhau, có người thích ngủ sớm dậy sớm, có người lại thích ngủ muộn dậy muộn. Thậm chí là thói quen ngủ trưa cũng có người có người không. Những thói quen tưởng chừng nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày lại có ảnh hưởng đến tương lai chúng ta một cách vô tình.
Là chị em sinh đôi nhưng lại có tính cách rất khác biệt.
Tiểu Mai và Tiểu Lý là 2 chị em sinh đôi. Mặc dù cả 2 có ngoại hình giống hệt nhau nhưng tính cách lại rất khác biệt. Tiểu Mai hướng ngoại, hoạt bát, trong khi Tiểu Lý tương đối trầm tính và ít nói. 2 chị em cũng có những thói quen nghỉ ngơi khác nhau. Tiểu Mai nghĩ rằng, ban ngày thích hợp để vui chơi nên không chịu ngủ trưa, lúc nào cũng đòi mẹ chở đi chơi. Trong khi đó, Tiểu Lý ngược lại, cô bé thích ở nhà ngủ trưa với mẹ.
Khi đến độ tuổi đi học, Tiểu Mai thường xuyên ngủ gật trong lớp, thường bị giáo viên phê bình. Ngược lại, Tiểu Lý luôn là một cô bé ngoan trong mắt giáo viên, thể hiện thái độ rất tốt. Từ nhỏ, 2 chị em rất khó phân biệt, nhưng bây giờ dù là người lạ cũng dễ dàng phân biệt được.
Mặc dù ngủ trưa là một thói quen nhỏ, nhưng đối với trẻ em lại có những tác động rất lớn, chẳng hạn như những điều sau đây:
1. Hăng hái
Khi trẻ chưa đi học, nếu cảm thấy buồn ngủ, chúng sẽ ngủ bất cứ lúc nào, không cần theo bất kỳ lịch trình nào. Nhưng khi đến trường lại khác, mọi thứ đều tuân thủ theo giờ giấc cố định. Thời gian ngủ trưa là để trẻ nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, có như vậy buổi chiều trẻ mới tập trung nghe giảng và học tập tốt hơn.
2. Trí nhớ tốt hơn
Khi học thuộc một công thức toán học hay một bài văn nào đó, trẻ cần tập trung cao độ. Vì thế, nếu cảm thấy buồn ngủ, trẻ sẽ khó có thể nhớ được bài vở.
Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành một số nghiên cứu liên quan để chứng minh rằng, khi bộ não được nghỉ ngơi hoàn toàn, trí nhớ sẽ được cải thiện tốt hơn.
3. Thể chất tốt hơn
Hormone tăng trưởng được tiết ra nhiều nhất khi chúng ta ngủ. Khi đang ở độ tuổi đi học, đây cũng là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển thể chất và chiều cao của trẻ. Một giấc ngủ ngắn, chất lượng sẽ giúp trẻ khỏe mạnh hơn. Vì vậy, trẻ có thói quen ngủ trưa có thể lực tốt hơn so với trẻ không ngủ trưa.
4. Bảo vệ thị lực
Sau khi mắt hoạt động liên tục vào buổi sáng, nó sẽ rất mệt mỏi và thời gian nghỉ trưa cho phép đôi mắt được nghỉ ngơi. Ngủ trưa chính là cách bảo vệ thị lực của trẻ ở một mức độ nhất định.
Làm thế nào để rèn luyện thói quen ngủ trưa cho trẻ?
- Tạo môi trường thoải mái
Trẻ em rất nhạy cảm, một sự thay đổi nhỏ nhất của môi trường xung quanh cũng có thể đánh thức chúng. Vì vậy, muốn trẻ hình thành thói quen ngủ trưa, trước hết cha mẹ phải tạo cho trẻ một môi trường thoải mái, không bị quấy rầy bởi mọi thứ xung quanh.
- Ngủ cùng với trẻ
Khi trẻ còn nhỏ, chúng cảm thấy rất bất an, thường khóc khi rời xa cha mẹ. Nếu bạn muốn con mình chìm vào giấc ngủ một cách tự nhiên, chắc chắn sự đồng hành của cha mẹ là chất xúc tác vô cùng hữu hiệu.
- Duy trì một thời gian biểu hợp lý
Vui chơi và nghỉ ngơi hợp lý có thể khiến trẻ cảm thấy buồn ngủ khi đến giờ ngủ trưa, trẻ sẽ tự nhiên đi vào giấc ngủ ngắn. Nếu trẻ có thời gian biểu không điều độ, chúng đương nhiên chúng sẽ khó chìm vào giấc ngủ trưa.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau. Nếu trẻ lúc nào cũng tràn trề năng lượng, dù làm cách nào cũng khó ngủ trưa, cha mẹ cũng không nên ép buộc trẻ cần ngủ 100%.