Mọi sự phát triển bất thường của trẻ nhỏ luôn khiến các bậc phụ huynh lo lắng, vì thế trang bị kiến thức là cần thiết để chăm sóc trẻ tốt hơn. Trong đó, tình trạng mọc răng sớm khiến cha mẹ lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ.
Thông thường, trẻ từ 6-8 tháng tuổi sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn mọc răng, bắt đầu bằng việc mọc hai chiếc răng cửa ở hàm dưới, cho đến khoảng 30 tháng tuổi, 20 cái răng cơ bản sẽ mọc hoàn toàn, sau đó sẽ bước vào giai đoạn thay răng vĩnh viễn. Tùy theo thể trạng từng bé mà bộ răng sữa sẽ mọc xong lúc bé từ 24-36 tháng tuổi với đầy đủ 20 răng.
Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ mọc răng sớm, thậm chí có bé 2-3 tháng tuổi đã mọc răng khiến các mẹ lo lắng không biết có nguy hiểm hay ảnh hưởng gì không? Những thông tin hữu ích dưới đây sẽ giúp cha mẹ hiểu hơn về vấn đề này.
Mẹ lo lắng vì con 8 tháng tuổi chưa mọc răng, kết luận bất ngờ của bác sĩ
Wang Yi (Trung Quốc) đã chia sẻ câu chuyện của mình lên diễn đàn làm cha mẹ lớn nhất Trung Quốc. Lần đầu có con, chị Wang Yi đã tìm hiểu rất nhiều kiến thức về sự phát triển của trẻ nhỏ và chăm sóc em bé rất chu đáo theo đúng lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng.
Khi bé được tám tháng tuổi, Wang Yi nhận thấy hầu như tất cả những đứa trẻ xung quanh con ở tầm tuổi này đều bắt đầu nhú những chiếc răng đầu tiên, nhưng em bé nhà mình lại vẫn chưa có “động thái” này. Chị tự tìm hiểu và nghe nói trẻ mọc răng chậm có thể do thiếu chất dinh dưỡng nên đã bổ sung thêm thuốc bổ cho bé.
Thực tế, chế độ dinh dưỡng mà chị Wang Yi áp dụng cho con đã rất tốt. Sau khi em bé được 6 tháng, mẹ đã cho trẻ ăn dặm với các món như dầu cá, các sản phẩm bổ sung canxi và chia nhỏ bữa ăn để bé có thêm nhiều bữa ăn bổ sung. Tuy nhên, việc đã ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng vẫn được bổ sung thêm thực phẩm chức năng khiến em bé bị khó tiêu hoặc tiêu chảy. Wang Yi lo lắng về vấn đề của con nên đã nhanh chóng đưa em bé đến bệnh viện kiểm tra.
Bổ sung dinh dưỡng cho con sai cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. (Ảnh minh họa)
Sau khi kiểm tra, các chỉ số của bé vẫn bình thường, bác sĩ đã cặn kẽ hỏi lại thực đơn của trẻ và đưa ra kết luận vấn đề liên quan tới đường tiêu hóa này là do chế độ dinh dưỡng mẹ áp dụng cho con chưa hợp lý. Trẻ nhỏ nên được cho bú sữa mẹ là chính, không nên ép con dung nạp quá nhiều thực phẩm bổ sung mà chưa có ý kiến tư vấn của bác sĩ. Bởi đôi khi trẻ không thể tiêu hóa được một loại chất, thực phẩm nào đó sẽ dẫn đến áp lực lớn cho dạ dày mỏng manh của con.
Ngoài ra, bác sĩ cũng đưa ra kết luận rằng việc em bé mọc răng sớm hay muộn là tùy thuộc vào tình trạng bẩm sinh của từng trẻ, mỗi đứa trẻ lại có những thời điểm mọc răng khác nhau, cha mẹ không nên quá lo lắng khi thấy con chưa hoặc mọc răng sớm hơn các bé cùng tuổi.
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến việc trẻ mọc răng sớm hay muộn?
Trẻ mọc răng sớm hay mọc răng muộn còn tùy thuộc vào một số yếu tố tác động sau đây:
Yếu tố di truyền
Đa phần trẻ bị mọc răng sớm là do di truyền từ bố mẹ hoặc người thân trong gia đình. Điều này có nghĩa là nếu bố mẹ, anh chị, ông bà bị mọc răng sớm thì khả năng trẻ cũng thừa hưởng gen này nên thời điểm mọc răng cũng sớm hơn bình thường.
Yếu tố dinh dưỡng
Dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, trong đó có thời điểm và quá trình mọc răng. Trẻ sơ sinh cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu tiên sau sinh, nếu trẻ bú kém, dinh dưỡng không đầy đủ thì khả năng mọc răng chậm cũng cao hơn.
Trẻ mọc răng sớm hay mọc răng muộn còn tùy thuộc vào một số yếu tố tác động. (Ảnh minh họa)
Thiếu Vitamin D và canxi
Những trẻ thiếu Vitamin D và canxi do chế độ ăn kém, trẻ sinh thiếu tháng, không được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời,… khiến cơ thể không thể hấp thu và tổng hợp được cũng có thể gây ra tình trạng mọc răng chậm ở trẻ nhỏ.
Như vậy có thể thấy, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình mọc răng của trẻ nên đây không phải là vấn đề cha mẹ cần lo lắng. Điều quan trọng là cha mẹ cần lưu ý quan tâm đến là cân bằng dinh dưỡng cho trẻ, bổ sung hợp lý các nhóm chất và không lạm dụng thực phẩm bổ sung nếu không có lời khuyên từ các bác sĩ.
Ngoài ra, hãy thường xuyên cho trẻ ra ngoài và tắm nắng, giúp con có thể tổng hợp vitamin D từ ánh mặt trời, thúc đẩy hấp thụ canxi, rất tốt cho sự phát triển của trẻ.
Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ, trong đó có mọc răng. (Ảnh minh họa)
Nhiều bậc phụ huynh nhận thấy con mình mọc răng quá sớm thì rất lo lắng, sợ rằng bé mọc răng quá sớm là không bình thường hoặc là sẽ ảnh hưởng gì đó đến sự phát triển của bé.
Bác sĩ Nguyễn Khôi, chuyên khoa I - Nhi khoa, Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 2 đã có những chia sẻ hữu ích nhằm giúp phụ huynh có thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm về vấn đề này.
Bác sĩ Nguyễn Khôi, chuyên khoa I - Nhi khoa, Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 2.
Thưa bác sĩ, quá trình mọc răng của trẻ diễn ra như thế nào?
Sự phát triển của những chiếc răng sơ cấp bắt đầu từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Khi thai nhi được khoảng 5 tuần tuổi, những mầm răng đầu tiên sẽ xuất hiện trong hàm của thai nhi. Khi mới sinh, trẻ đã có đầy đủ 20 chiếc răng sơ cấp (10 chiếc ở hàm trên, 10 chiếc ở hàm dưới) ẩn dưới nướu.
"Mọc răng" dùng để chỉ răng đâm xuyên qua đường viền nướu. Thời điểm mọc răng ở mỗi trẻ khác nhau. Ví dụ, một đứa trẻ có thể mọc chiếc răng đầu tiên khi mới được vài tháng tuổi, trong khi một đứa trẻ khác có thể không bắt đầu mọc răng cho đến khi chúng được 12 tháng tuổi trở lên.
Thời điểm mọc răng của trẻ có thể khác nhau, chúng thay đổi từ trẻ này đến trẻ khác nhưng trình tự mọc răng thì mang tính nhất quán hơn nhiều.
Nhìn chung, trẻ từ 6-8 tháng tuổi sẽ bắt đầu mọc răng, răng mọc đầu tiên là 2 chiếc răng cửa hàm dưới. Sau đó, những chiếc răng khác sẽ mọc tiếp cho đến khoảng 3 tuổi sẽ hoàn thiện 20 cái.
Đến độ tuổi 7-8, trẻ lại bắt đầu bước vào quá trình thay răng. Những chiếc răng sữa sẽ dần rụng đi và được thay thế bằng những chiếc răng vĩnh viễn.
Lúc 21 tuổi, người bình thường sẽ có 32 răng chiếc răng vĩnh viễn gồm 16 cái ở hàm trên và 16 cái ờ hàm dưới.
Bé mọc răng sớm hơn bình thường có ảnh hưởng gì không?
Như đã nói trên, trẻ mọc răng sớm tức là chiếc răng mọc ra không đúng với thời gian như những gì mình biết. Vậy ở đây, mình chia ra có 2 kiểu thế này: mọc răng sữa sớm và mọc răng vĩnh viễn sớm.
Đối với trường hợp học răng sữa sớm tức là trước tháng thứ 6, có thể là ở tháng thứ 3, 4 hoặc 5. Trong giai đoạn răng sữa việc mọc răng sữa sớm sẽ được chú ý nhiều hơn dơn giản là giai đoạn này trẻ được chú ý nhiều hơn, tuy nhiên việc mọc răng sớm này ít ảnh hưởng đến yếu tố sức khỏe vì ta biết các răng này sau đó sẽ rụng đi và thay bằng răng vĩnh viễn.
Nếu răng vĩnh viễn của trẻ mọc sớm, trước khi răng sữa chuẩn bị mọc, có thể xảy ra các biến chứng. Ví dụ, răng vĩnh viễn có thể mọc lệch lạc hoặc mọc sai vị trí, thường ở phía trước hoặc bên cạnh răng hiện có. Điều này có thể dẫn đến việc răng sữa của con bạn bị giữ lại lâu hơn do không có răng vĩnh viễn nào làm rụng chúng.
Những chiếc răng vĩnh viễn mọc sớm có thể dẫn đến chen chúc quá mức và điều này có thể khiến việc chăm sóc chúng trở nên khó khăn. Những chiếc răng chen chúc này, hoặc bất kỳ răng sữa nào còn sót lại, có thể dễ bị sâu răng hơn hoặc các vấn đề về khớp cắn vì không gian chật hẹp và hạn chế và thức ăn dễ bị mắc kẹt.
Nguyên nhân nào khiến trẻ mọc răng sớm? Dinh dưỡng, chế độ ăn uống có liên quan đến quá trình trẻ mọc răng sớm không?
Trẻ mọc răng sớm hay muộn phụ thuộc vào một số yếu tố sau đây:
Di truyền: Trẻ có thể ảnh hưởng bởi gen di truyền của gia đình. Nếu bố, mẹ hoặc người thân của trẻ mọc răng sớm thì trẻ có khả năng cũng thừa hưởng gen của gia đình mà mọc răng sớm hơn các trẻ khác. Ngoài ra, một số bất thường bẩm sinh của xương hàm có thể khiến một số răng mọc sớm.
Bệnh lý về tuyến giáp: trẻ bị cường giáp có thể làm cho xương hàm phát triển nhanh hơn, khiến trẻ bị mất răng sữa sớm và khiến trẻ mọc răng trưởng thành sớm. Ngoài ra, suy giáp cũng có thể gây ra hiện tượng chậm mọc răng vĩnh viễn.
Mất răng nguyên phát sớm: nếu con bạn bị mất một chiếc răng sữa do chấn thương hoặc bệnh tật, thì chiếc răng vĩnh viễn có thể mọc sớm hơn so với chiếc răng sữa đó không bị mất, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Điều quan trọng nhất là giữ hay để dành khoảng trống cho đến lúc răng vĩnh viễn mọc vào mà các răng khác không chiếm chổ trống của nó.
Dinh dưỡng: Đây là yếu tố quan trong ảnh hường đến mọc răng của trẻ. Việc bổ sung vitamin D, canxi đầy đủ giúp trẻ có được những chiếc răng chắc khỏe theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.
Tình trạng của trẻ khi mọc răng như thế nào là bình thường?
Hệ thống miễn dịch của trẻ bắt đầu thay đổi khi trẻ được khoảng 6 tháng tuổi. Cùng với đó là sự khởi đầu ăn dặm khi đó trẻ có xu hướng cho đồ vật vào miệng, điều này khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn khi còn bé tí.
Các triệu chứng của bệnh thông thường ở trẻ trong giai đoạn này có thể biểu hiện như thay đổi giấc ngủ và biếng ăn uống, quấy khóc, phát ban, chảy nước dãi, sổ mũi và tiêu chảy… các triệu chứng này cũng thường liên quan đến việc mọc răng.
Ngoài ra, nghiến nướu, cắn ti vú mẹ, gặm ngón tay cũng hay gặp. Một khi chiếc răng chuẩn bị chồi lên khỏi lợi, điều đó khiến bé vô cùng bứt rứt, vì thế bé sẽ tìm cách giảm sự khó chịu thông qua việc cắn.
Quá trình mọc răng mất khoảng 8 ngày, bao gồm 4 ngày trước và 3 ngày sau khi răng mọc qua nướu. Khi bạn quan sát nướu răng bạn có thể thấy bong bóng màu xanh xám trên nướu nơi chiếc răng sắp mọc. Đây được gọi là u nang mọc răng và thường sẽ biến mất mà không cần điều trị.
Các triệu chứng mọc răng thường gặp ở trẻ em và có thể được kiểm soát mà không cần dùng thuốc. Đây là yếu tố quan trọng giúp các bạn phân biệt đâu là triệu chứng do mọc răng và đâu là triệu chứng trẻ bị bệnh.
Tuy nhiên, nếu con bạn có những triệu chứng này gây bạn lo lắng và không có kinh nghiệm chăm sóc bé, bạn nên đi khám để được bác sĩ nhi tư vấn vì con bạn có thể mắc phải những nguyên nhân khác như viêm họng, viêm tai giữa do vi khuẩn, vi rút hoặc vi trùng.
Thưa bác sĩ, tại sao việc chăm sóc răng miệng trẻ em lại quan trọng trong khi những chiếc răng sữa sau đó sẽ rụng đi?
Một số cha mẹ có thể cảm thấy rằng việc chăm sóc răng sữa không quan trọng bằng chăm sóc răng vĩnh viễn, đơn giản là vì răng sữa bị rụng đi.
Tuy nhiên, việc chăm sóc tốt răng sữa cũng rất quan trọng. Chúng cho phép trẻ em:
Chúng để dành chỗ cho các răng vĩnh viễn moc.
Chúng giúp trẻ cho vẻ ngoài khuôn mặt được bình thường.
Chúng hỗ trợ phát triển giọng nói rõ ràng.
Chúng giúp trẻ có được sự hấp thu dinh dưỡng tốt (răng bị mất hoặc bị sâu làm cho việc nhai nuốt khó khăn khiến trẻ biếng thức ăn).
Chúng giúp tạo ra một khởi đầu khỏe mạnh cho răng vĩnh viễn (sâu răng và nhiễm trùng ở răng sữa có thể gây ra các đốm đen trên răng vĩnh viễn phát triển bên dưới nó)
Vậy cha mẹ chăm sóc răng miệng cho trẻ thế nào là tốt nhất?
Đối với giai đoạn trẻ chưa mọc răng và thức ăn chỉ là sữa thì cha mẹ có thể giúp bảo vệ con mình bằng cách lau nhẹ quanh nướu bằng khăn mềm và ẩm vài lần một ngày, tốt nhất là sau khi cho bú.
Khi trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên, cha mẹ nên chải răng nhẹ nhàng 2 lần / ngày bằng bàn chải mềm và kem đánh răng thân thiện với trẻ.
Hãy bắt đầu những thói quen lành mạnh này ngay bây giờ để nụ cười của con bạn luôn khỏe mạnh!
Bắt đầu làm sạch răng của trẻ ngay khi trẻ mới mọc răng.
Dạy con bạn đánh răng 2 lần một ngày.
Bảo vệ răng của con bạn bằng kem đánh răng chứa florua.
Cho trẻ ăn thức ăn và đồ uống lành mạnh, ít đường.
Đưa trẻ đến nha sĩ để kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ.
Ngoài ra, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm. Tránh thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh và bổ sung hàm lượng canxi trong bữa ăn hàng ngày. Chia nhỏ bữa ăn của bé và cho bé ăn các loại thức ăn mềm như cháo hạt để kích thích răng bé mọc nhanh hơn, việc nhai cũng làm bé thoải mái, không gây đau đớn.