Ghé trang cá nhân của bác sĩ Thân Trọng Thạch (SN 1982) – Giảng viên Bộ môn Sản, Đại học Y Dược TP.HCM; công tác tại Bệnh viện Hùng Vương; bác sĩ điều trị hiếm muộn khá “mát tay” trong làng IVF – thụ tinh trong ống nghiệm,… nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng rồi nhận ra anh không chỉ là bác sĩ điều trị mà còn là người bạn đồng hành của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Anh được mọi người ngợi khen rất nhiều: nhiệt tình, ân cần và giỏi chuyên môn.
Dưới tiết trời thu Hà Nội, chúng tôi có cơ hội gặp bác sĩ Thạch nhân chuyến công tác của anh để chuyện trò xung quanh cái nghề và nghiệp của người khoác áo blouse, đi tìm “mầm giống” cho bao cặp đôi vô sinh… “Là một bác sĩ, tôi luôn coi người bệnh là người nhà, đứa trẻ trong bụng họ là con cháu của mình. Từ đó tôi sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp để họ có cơ hội làm cha làm mẹ giống như bao người khác”, anh mở đầu câu chuyện bằng cái tâm của một vị bác sĩ hiếm muộn.
Bác sĩ Thạch là một trong số bác sĩ trong giới hiếm muộn có thành tích nổi bật về chuyên môn cũng như học thuật nghiên cứu khoa học. Bởi đơn giản theo lời anh nói “Tôi dành cả thanh xuân chỉ để học và làm. Tôi đam mê cái mới, cái hay trong lĩnh vực tôi làm. Tôi có cơ hội là lên đường đi học ngay. Tôi muốn học để về ứng dụng cho bệnh nhân của mình”.
Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, bác sĩ Thạch thi đậu bác sĩ Nội trú Sản khoa và bắt đầu hành trình 3 năm miệt mài học tập. Anh đã khăn gói dọn vào bệnh viện ở 24/24, lăn lộn khắp các bệnh viện: từ Hùng Vương, Gia Định đến Từ Dũ để “học nghề”. Anh may mắn được đàn anh, đàn chị đi trước chỉ dạy chuyên môn và cái tâm của một bác sĩ.
Bác sĩ Thạch "bén duyên" với mảng hỗ trợ sinh sản sau khi đã trở thành giảng viên của Đại học Y Dược TP.HCM.
Học xong nội trú, vị bác sĩ sinh năm 1982 đã trở thành giảng viên của Đại học Y Dược TP.HCM. “Ngoài giảng dạy ở trường, tôi đã tham gia những khoá học nhỏ hỗ trợ cho công việc. Tôi được một người thầy nổi tiếng về hiếm muộn đặt nền móng, xây dựng những ý tưởng hiện đại khác những gì tôi đã học – đó là phát triển con đường hiếm muộn.
Thời điểm đó, hiếm muộn chưa được “truyền bá” một cách rộng rãi như hiện nay. Đó là khoảng thời gian mọi người còn “giấu nghề”, thậm chí trong 3 năm học bác sĩ nội trú, tôi chưa từng nghe ai nhắc đến khái niệm “hiếm muộn”, bác sĩ nhớ lại.
Nghe thầy hướng dẫn, bác sĩ Thạch đã dành thời gian tìm tòi về hiếm muộn. Anh quyết định vay mượn tiền đi học bổ túc về hiếm muộn ở Singapore. Bài học đầu tiên anh được thầy cô ở đây chỉ dạy chính là về IVF.
Học xong, anh trở về nước và may mắn được chuyển lên khoa IVF của Bệnh viện Hùng Vương. “Có thể nói tôi là bác sĩ, giảng viên duy nhất được tham gia ở khoa IVF từ xưa đến giờ. Tôi được làm và học với người bác sĩ trưởng khoa – người giúp đỡ tôi rất nhiều để hoà nhập với mọi người và cũng là người giúp tôi có bài báo cáo đầu tiên tại hội nghị IVF Experts meeting năm 2015. Đó là bước khởi đầu thuận lợi việc làm nghiên cứu khoa học của tôi”, bác sĩ Thạch vui vẻ nói.
Nam bác sĩ tham dự nhiều hội nghị trao đổi về IVF ở nước ngoài để học thêm những kiến thức mới về áp dụng cho bệnh nhân trong nước.
Kể từ lúc tốt nghiệp IVF tại Đại học Quốc gia Singapore, gần như năm nào bác sĩ Thạch cũng tham dự hội nghị về IVF tại Mỹ và Châu Âu nhằm đem những kiến thức mới về áp dụng cho bệnh nhân Việt Nam. Bên cạnh đó anh còn tham gia nghiên cứu khoa học và đã báo cáo nhiều lần tại hội nghị ASPIRE – hội nghị vô sinh khu vực Châu Á cũng như hội nghị tại Việt Nam để chia sẻ kiến thức mới cũng như kết quả thực hành mà Việt Nam đạt được.
Lúc này, chúng tôi đặt câu hỏi: “Một cặp vợ chồng hiếm muộn nhiều năm làm IVF khả năng thành công sẽ ra sao?”. Bác sĩ Thạch quả quyết: “Để điều trị các ca IVF thành công tôi nghĩ không quá khó. Khi bạn làm đủ lâu, đủ nhiều thì tỷ lệ thành công của sẽ tăng lên, bệnh nhân biết đến bạn nhiều hơn.
Và theo tôi, cái khó nhất của một bác sĩ hiếm muộn chính là đạo đức nghề nghiệp. Với tôi nó khó gấp nghìn lần so với việc điều trị cho bệnh nhân. Tôi phải thấu hiểu những khó khăn của bệnh nhân để cứu giúp họ bằng cái tâm của mình”.
Gần chục năm gắn bó với IVF, bác sĩ Thạch thẳng thắn thừa nhận câu hỏi mà anh ám ảnh nhất từ bệnh nhân chính là: “Bác ơi! Con em đang ở đâu?”. Anh bảo đó là câu hỏi chứa đựng sự vô vọng của rất nhiều cặp đôi trong quá trình tìm kiếm máu mủ của mình. Khi ấy anh chỉ biết động viên họ tin tưởng vào tay nghề của anh, đồng thời tạo niềm tin để họ hi vọng chỉ nay mai thiên thần sẽ cất tiếng khóc chào đời.
Gắn bó với nghề "chữa hiếm muộn", câu hỏi luôn ám ảnh bác sĩ Thạch là: "Bác sĩ ơi con em đâu?".
Bác sĩ Thạch cũng khẳng định, không phải tất cả những cặp đôi đang mong mỏi thiên thần nhỏ đều là hiếm muộn – nhóm khó thụ thai mà bao gồm luôn cả những cặp đôi rất dễ thụ thai nhưng không giữ được thai – nhóm sảy thai liên tiếp. “Một trường hợp để lại cho tôi ấn tượng rất sâu sắc khi vợ chồng bệnh nhân mất 12 năm cho hành trình tìm con. Em ấy bị cường giáp và đã điều trị cắt 1 phần nhưng vẫn không ổn. Vì thế em tiếp tục điều trị bằng thuốc uống mỗi ngày, xét nghiệm chức năng tuyến giáp có khi ổn nhưng thường là không ổn định nên em phải uống thuốc kháng giáp liên tục.
Trong 12 năm đó em đã để có thai tự nhiên 6 lần nhưng tất cả đều sảy dù những lần sau thăm khám từ rất sớm và cũng được sử dụng nhiều loại thuốc dự phòng sảy thai nhưng không có hiệu quả. Vợ chồng em đã nỗ lực rất nhiều và trải qua sự khủng hoảng về tinh thần cực độ đến mức không dám nhắc đến 2 từ mang thai”, bác sĩ hiếm muộn nhớ lại.
Bác sĩ Thạch luôn coi bệnh nhân như người thân, những đứa trẻ chào đời nhờ anh làm IVF như con, cháu trong nhà.
Sợ hãi là thế, cặp vợ chồng này vẫn khát khao được làm cha mẹ. Họ tiếp tục chiến đấu và tìm đến bác sĩ Thạch để kiểm tra nguyên nhân sảy thai liên tiếp kèm theo những điều cần thiết phải chuẩn bị để cho lần mang thai thứ 7 thành công.
“Đúng như những gì tôi mong đợi khi lần thứ 7 thai kỳ diễn tiến hoàn toàn bình thường, bao nhiêu phiền muộn, lo lắng cũng đã thành quá khứ để nhường chỗ cho niềm vui - hạnh phúc bất tận khi thiên thần cất tiếng khóc chào đời”, bác sĩ Thạch vui vẻ nói.
Ngược lại với những cặp đôi sảy thai liên tiếp là những trường hợp hiếm muộn, trải qua hành trình dài 10 năm hoặc có thể 1-2 năm không có thai. Và trong những ca hiếm muộn này, người vợ luôn là người chịu nhiều thiệt thòi và áp lực nhất. Bác sĩ Thạch đã chứng kiến và cảm nhận phần nào nỗi đớn đau, tủi nhục của họ.
Anh kể: “Có một cặp vợ chồng ở miền Trung trải qua gần 10 năm vẫn chưa có thai. Song chỉ có người vợ bị hàng xóm và gia đình gièm pha. Em ấy đã đi điều trị ở rất nhiều nơi, hễ ai chỉ thầy này giỏi là tới thăm khám với hi vọng “phước chủ may thầy” nhưng không một tia hi vọng.
Nhờ cái duyên, em ấy tìm đến tôi để kiểm tra. Qua thăm khám tôi phát hiện em không có phóng noãn do buồng trứng đa nang, kèm theo tử cung bất thường dạng đôi, gồm 2 tử cung bên phải và bên trái. Vì thế khi em có thai sẽ có nguy cơ sinh non tháng và khó mà giữ được thai nếu song thai”.
Anh luôn cố gắng tìm ra phương pháp hỗ trợ tối ưu cho bệnh nhân và cũng tốn ít chi phí nhất.
Bác sĩ Thạch sau một hồi xem xét đã quyết định IVF cho cặp đôi miền Trung và chuyển 01 phôi để giảm nguy cơ song thai. May mắn, chị đã đậu thai ngay lần đầu tiên chuyển phôi khiến hai vợ chồng vỡ oà sung sướng trong nước mắt. Tuy nhiên thai kỳ của chị không thuận lợi, do tử cung đôi nên nhiều lần bị động thai và doạ sinh non. “Mọi nỗ lực của tôi cùng vợ chồng em ấy cũng chỉ giúp em duy trì thai kỳ đến tuần thứ 32. Em bé được chăm sóc tích cực ở khoa Nhi cho đến khi được về với gia đình. Thực sự thiên thần ra đời luôn là cái kết đẹp nhưng hành trình đi đến cái kết là nỗi ám ảnh đến đáng sợ mà nhiều lúc tôi cũng không biết tại sao họ vượt qua được”, anh bộc bạch.
Khó khăn là thế, vất vả là vậy nhưng có một vấn đề khá lớn mà bác sĩ Thạch cho biết đó là ít khi mọi người đề cập đến là gánh nặng chi phí khi trải qua hành trình chữa trị hiếm muộn. Đó có thể là một gia tài của gia đình nhỏ lẫn lớn… “Tôi còn nhớ cặp vợ chồng ở miền Tây hoàn toàn bình thường, đã có thai một lần lần nhưng sảy. Sau đó 5 năm vẫn không có thai lại nên họ quyết định đi khám kiểm tra.
Tôi tư vấn nhiều sự lựa chọn và tỷ lệ thành công cũng như chi phí cho những phương pháp hỗ trợ sinh sản đó. Cuối cùng họ quyết định làm IVF và có thai ngay lần đầu tiên chuyển phôi nhưng đến khi thai được 9 tuần lại sảy. Hôm đó là ngày nặng nề của vợ chồng em và cả tôi.
Vài tháng sau em bắt đầu chuyển phôi lần 2 và lần này song thai do chuyển 02 phôi. Chúng tôi lại lo lắng, hồi hộp và cũng vượt qua được mốc 12 tuần. Bỗng một hôm anh chồng điện thoại cho tôi và tâm sự thật để làm IVF cả hai phải bán nhà trên phố rồi mua nhà ở quê để làm vườn trồng cây và nuôi gà. Mỗi lần họ lên Sài Gòn khám đều phải thuê xe riêng vì sợ đi xe ngoài lỡ có gì thì khổ người vợ lẫn tốn kém thêm lần nữa”, bác sĩ Thạch chia sẻ.
Gặp sản phụ làm IVF tốn kém, bác sĩ Thạch còn bày tỏ mong muốn san sẻ viện phí khi sinh nở cùng gia đình.
Thấu hiểu phần nào khó khăn của cặp đôi, bác sĩ Thạch quyết định miễn phí hoàn toàn tiền khám thai của thai phụ này. Thậm chí anh hứa nếu lúc sinh, sản phụ có khó khăn gì sẽ chia sẻ tiền viện phí của bệnh viện để họ yên tâm. Cuối cùng hai đứa trẻ đã chào đời trong suôn sẻ và hiện đã lớn khôn.
“Đó là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn vất vả của nghề nghiệp, giúp tôi mỗi ngày hoàn thiện hơn cả kiến thức và kỹ năng để giúp ích cho xã hội - hành trình tìm kiếm những thiên thần nhỏ. Tôi tự hào về những điều đó”, bác sĩ Thạch kết thúc cuộc chuyện trò với chúng tôi bằng một niềm vui khôn xiết.