Tình hình dịch bệnh COVID-19 lan rộng tại nhiều nước trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại đã có rất nhiều trường học, công ty tại các thành phố của Việt Nam và một số nước khác phải đóng cửa để đảm bảo dịch không lây lan mạnh mẽ.
Tuy nhiên, gần đây một số trường học của Trung Quốc, Hàn Quốc đã bắt đầu mở cửa trở lại do kiểm soát được dịch. Học sinh, sinh viên tại những nước này đã đi học sau nhiều tháng liền phải ở nhà. Cũng chính vì việc ở nhà quá lâu đã khiến cho nhiều trường hợp dở khóc dở cười xảy đến với các bạn học sinh nhỏ tuổi, không chỉ quên kiến thức, bạn bè mà một cậu bé tại Trung Quốc còn khiến nhiều người bất ngờ hơn nữa.
Theo đó, một đoạn video được chia sẻ hôm 14/4 đang gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc và được nhiều trang tin dẫn lại. Clip ghi lại cảnh một cậu bé với đôi mắt đỏ hoe, ầng ậc nước đi dạo khắp sân trường.
Video: Bé trai khóc lóc vì không nhớ lớp của mình ở đâu
Cậu bé vai đeo balo, mặt bịt khẩu trang, tay xách theo một chiếc xô để chuẩn bị vệ sinh lớp học. Tuy nhiên, đi loanh quanh mãi trong trường mà cậu bé không thể nhớ được chính xác lớp của mình ở đâu.
Khi được một người lớn giúp đỡ, hỏi han, cậu bé cho biết: "Cháu là học sinh lớp 1 đã rất lâu rồi". Và sau đó là hàng loạt những biểu hiện cho thấy bé đang rất hoang mang.
Cậu bé lo lắng vì không tìm được lớp học sau khi nghỉ dịch quá lâu.
Đoạn video được lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội, nhiều người thương bé trai vì không thể nhớ được lớp học của mình, số khác cho rằng cậu bé quá dễ thương. Đồng thời, một số bậc phụ huynh lấy cậu bé là kinh nghiệm cho chính bản thân mình, họ lo lắng việc liệu con của mình có gặp trường hợp như cậu bé này: vì nghỉ dịch quá lâu mà quên trường lớp, quên kiến thức, thậm chí không muốn đi học trở lại?
Cha mẹ nên làm gì để con hứng thú đi học trở lại và không quên trường lớp?
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, sau mỗi đợt nghỉ học kéo dài như dịp Tết hay đợt dịch vừa qua, nhiều trẻ thường có tâm lý quên kiến thức hay quên thầy cô, bạn bè như cậu bé trên. Thậm chí còn lười đi học trở lại, khóc lóc, mè nheo và phản kháng lại khi bị cha mẹ bắt đi học.
Chính vì thế, ngay từ lúc này, khi các bé còn chưa bắt đầu đi học trở lại, cha mẹ nên cố gắng tạo cho con nề nếp trong sinh hoạt, ăn ngủ đúng giờ, đừng thức quá khuya. Ngoài ra, bố mẹ có thể sắp xếp lại bàn học của con, khuyến khích con đọc sách, kể chuyện trường lớp cho con nghe...
Theo các chuyên gia, với những kỳ nghỉ dài như nghỉ Tết, nếu các gia đình không có kế hoạch tổ chức lịch sinh hoạt phù hợp mà cho con nghỉ hoàn toàn, thoát ly hẳn với bài vở thì sẽ rất khó để trẻ có thể vui vẻ trở lại trường. Bởi lẽ, khi được nghỉ, các trẻ thường được ngủ nướng, dậy muộn, cả ngày chỉ đi chơi và đi ăn, lịch sinh hoạt gần như bị “đảo lộn”.
Thạc sỹ tâm lý Lã Linh Nga - Giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục cho biết, lý do khiến các con ngại phải đi học trở lại là do kỳ nghỉ khá dài, các con bị thay đổi nhịp sinh học.
Trẻ đang từ đi học, sáng dậy sớm, ăn sáng, ngủ trưa, thì chuyển thành sáng dậy muộn, không ăn sáng mà ăn trưa luôn, trưa không ngủ, hầu hết chiều mới ngủ hoặc không ngủ luôn, tối lại thức khuya, chưa kể ăn vặt nhiều.
Ảnh minh hoạ.
Khi đi học, quay lại nếp ăn, ngủ không được tự do theo ý thích nữa, các bạn ý sẽ cảm thấy khó chịu và khó thích nghi, dẫn tới việc không muốn đi học.
Ngoài ra, cũng có không ít những ông bố bà mẹ trong những ngày nghỉ thường hay dọa con: “Con không ngoan cho đi học bây giờ”, “con hư là bố mẹ mách cô giáo”, những câu nói tưởng đơn giản nhưng dễ dẫn tới việc trẻ bị ám ảnh, sợ trường học, nhát cô giáo và không muốn đến lớp.
Chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga cũng cho biết, để tạo hứng thú cho bé đi học sau kỳ nghỉ dài, cha mẹ cần khơi gợi niềm yêu thích lớp học cho bé thường xuyên trong thời gian nghỉ bằng cách: Trong tất cả các ngày nghỉ nên nói chuyện với con về những câu chuyện vui khi đi học, những bài học thú vị, những giờ chơi mà con thích, các hoạt động ngoại khóa ở trường, từ đó các con sẽ có cơ hội kể lại những niềm vui đó cho gia đình nghe.
Trong trường hợp các con bướng bỉnh, nói không nghe lời, cha mẹ cần phải quán triệt rõ ràng việc học và chơi giống như khi con đang học trên lớp. Thông thường nếu phụ huynh biết tương tác thì chỉ mất 1 hoặc 2 tuần là các con sẵn sàng tâm lý trở lại.
Phụ huynh và cả giáo viên đừng quá chạy theo chương trình, giáo án, khuôn khổ mà gây áp lực với trẻ. “Cha mẹ chấp nhận ngồi học cùng con thời gian đầu, thì các con sẽ hứng thú, kiểm soát các trò mà con tìm mọi cách kiếm cớ lảng tránh việc học” – Chuyên gia nhấn mạnh.
Đồng thời, trong thời gian nghỉ và cả những ngày chuẩn bị sắp phải đi học trở lại, cha mẹ không nên cho con học và làm quá nhiều bài vở, chỉ cần xem qua bài vở tầm 2 hôm trước khi đi họ.
Buổi đầu tiên sau khi đi học về, mẹ cần đón con bằng nụ cười thật tươi, tặng con cái ôm, hãy bắt đầu câu chuyện với những câu hỏi vui vẻ về bạn bè, trường lớp trong ngày đầu đi học.