Cử động thai còn có tên gọi khác là thai máy, là hiện tượng thai nhi trong bụng mẹ có những cử động như co, duỗi, xoay trở, đạp chân..., Khoảng thời gian mẹ bầu bắt đầu cảm nhận được những cử động này của thai nhi là khác nhau. Đối với thai phụ con so, thời điểm bắt đầu đếm thai máy là 18 - 20 tuần; với thai phụ con rạ thì có thể sớm hơn vài tuần.
Hầu hết các em bé sẽ chuyển động đều ở các thời điểm điểm trong ngày, tuy nhiên có những thời điểm nhất định, thai nhi sẽ đá, đạp, "tung chưởng" nhiều hơn.
Trước khi mẹ đi ngủ
Sau khi ăn cơm tối và lên giường chuẩn bị đi ngủ, hầu hết các mẹ sẽ nhận thấy những chuyển động của thai nhi thuyền xuyên, rõ rệt hơn và thậm chí có thể gây phiền hà cho mẹ khi đi vào giấc ngủ.
Lý do là bởi sau khi ăn, thai nhi bị chèn ép nhiều hơn, đồng thời người mẹ mang thai đang trong tình trạng yên tĩnh khi nằm trên giường nên cũng nhạy cảm hơn với các hoạt động của em bé.
Khi mẹ chuẩn bị hoặc vừa đi vào giấc ngủ, em bé có thể sẽ "tung chưởng" nhiều hơn. (Ảnh minh họa)
Sau khi mẹ ăn
Sau khi mẹ bầu ăn no, lượng đường trong máu của cơ thể tăng cao và thai nhi được nạp đầy đủ dinh dưỡng nên sẽ có những hoạt động mạnh mẽ hơn. Nếu người mẹ mang thai bị suy dinh dưỡng, thai nhi sẽ không được nạp đầy đủ dưỡng chất và chuyển động của em bé cũng yếu ớt hơn.
Khi mẹ bầu nghe nhạc
Thính giác của thai nhi bắt đầu phát triển từ tháng thứ 4 thai kỳ và dần dần bé sẽ nghe được những âm thanh từ bên ngoài tử cung mẹ. Khi mẹ bầu nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, đặc biệt là một số bản nhạc cổ điển, bé sẽ chuyển động nhiều hơn để thể hiện sự thích thú với âm nhạc.
Khi cùng mẹ thưởng thức âm nhạc, bé yêu cũng sẽ hào hứng và đạp nhiều hơn. (Ảnh minh họa)
Khi mẹ tắm
Khi mẹ bầu tắm, bào thai sẽ liên tục di chuyển và đôi khi khiến người mẹ lo lắng. Tuy nhiên, đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường bởi khi tắm, tâm trạng của mẹ được thư giãn và thai nhi cũng cảm nhận được sự thoải mái này và sẽ chuyển động nhiều hơn.
Dù vậy, mẹ bầu cần lưu ý thời gian tắm không nên quá 15-20 phút, cần lưu ý đến nhiệt độ nước không nên quá cao để tránh gây chóng mặt hoặc khiến nhiệt độ cơ thể đột ngột tăng cao.
Cách đếm cử động thai nhi
Cử động thai thể hiện tình hình sức khỏe của thai nhi trong bụng mẹ. Thai nhi khỏe mạnh thì sẽ có những cử động thai nhất định trong ngày (trừ khi thai nhi ngủ), nếu như số lần thai máy giảm đi thì đó chính là dấu hiệu cảnh báo thai nhi đang gặp vấn đề, trường hợp thai nhi không máy trong một vài ngày hay máy yếu thì rất có khả năng thai bị suy hoặc bị lưu thai, chính vì thế các bà mẹ mang thai phải đặc biệt lưu ý vấn đề này, theo dõi và đếm cử động thai mỗi ngày là việc làm cần thiết.
Mẹ bầu nên chú ý đếm cử động thai nhi để theo dõi tình hình sức khỏe của bé. (Ảnh minh họa)
Để theo dõi cử động thai, các mẹ bầu cần phải chú ý, nhạy cảm bởi lẽ những cử động cũng giống như những tiếng gõ nhịp vào thành bụng nên nếu không chú ý thì rất khó để nhận biết những điều này.
Theo khuyến cáo của Hiệp Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ thì các mẹ bầu nên tính thời gian để cảm nhận hết 10 cú đá,cựa quậy, cú huých, hoặc cuộn tròn. Lý tưởng nhất là cảm nhận được ít nhất 10 cử động trong vòng 2 giờ. Tuy nhiên, với những thai nhi khỏe mạnh, hiếu động thì mẹ vẫn có thể cảm nhận được 10 chuyển động trong thời gian ngắn hơn.
Một thai nhi khỏe mạnh sẽ có hơn 4 lần cử động trong vòng 30 phút, mỗi ngày sẽ cử động nhiều hơn 3 lần. Nếu trong 1 giờ có trên 4 thai máy thì chứng tỏ thai nhi khỏe mạnh. Nếu trong 4 giờ mà có ít hơn 10 cử động thai, hay tất cả những cử động thai yếu thì mẹ cần đi khám để theo dõi tình trạng thai nhi thêm bằng những phương pháp khác.