Mặc dù các chuyên gia khuyến khích bố mẹ nên tôn trọng quá trình phát triển tự nhiên của con, nhưng trong một số trường hợp trẻ hình thành thói quen, hành vi xấu thì bố mẹ nên sửa đổi kịp thời, để không gây ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Cha mẹ không cần quá nghiêm khắc với mọi hành động hàng ngày của con, nhưng 4 hành vi sau đây của trẻ nên được bố mẹ kịp thời phát hiện và khắc phục ngay, giúp trẻ nhận ra điều gì nên làm và không được phép làm.
Ngắt lời khi người khác đang nói
Trẻ từ 5 tuổi trở đi bắt đầu nói nhiều hơn, điều này cho thấy khả năng ngôn ngữ, từ vựng của trẻ phát triển tốt. Tuy nhiên, bên cạnh việc khuyến khích trẻ nói, bố mẹ cần đặt ra những quy tắc nhất định, dạy phép tắc trong giao tiếp, đặc biệt là không ngắt lời người khác.
Bởi việc để trẻ ngắt lời khi bố mẹ hoặc người lớn đang nói chuyện đồng nghĩa với việc không dạy con cách tôn trọng người khác.
Tiến sỹ tâm lý học Jerry Wyckoff cho biết, hệ quả của việc này là trẻ sẽ cho mình quyền gây chú ý với người khác và sẽ không thể kiểm soát được cảm xúc nếu không nhận được sự quan tâm.
Vì vậy, bố mẹ nên dạy con thể hiện mong muốn, suy nghĩ của mình đúng cách. Trước tiên, bố mẹ nên làm gương cho con, khi trẻ nói, bố mẹ cần thể hiện mình đang lắng nghe chăm chú, đôi lúc gật đầu và biểu hiện nét mặt phù hợp.
Tiếp đó, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ làm tương tự khi lắng nghe người khác nói. Muốn ngắt lời trẻ, bố mẹ cần khéo léo và lịch sự trong hầu hết tình huống. Cuối cùng, hãy giải thích cho trẻ rằng con sẽ không có thứ mà con muốn nếu còn ngắt lời khi người khác đang nói chuyện.
Một số hành vi xấu của trẻ bố mẹ cần có phương pháp điều chỉnh sớm.
Thường xuyên nói dối
Đây là hành vi phổ biến ở trẻ 7-8 tuổi, và hầu hết đứa trẻ nào cũng thực hiện điều này vào một thời điểm nào đó. Trẻ vẫn còn nhỏ nên không phân biệt được giữa nói dối và trò chơi tưởng tượng. Những lời nói dối của trẻ có thể bắt nguồn khả năng tưởng tượng phát triển tốt.
Tính sáng tạo của trẻ phát triển rất nhiều và đôi khi trẻ cảm thấy mình cần “tô điểm” thêm cho câu chuyện mình kể. Khi trẻ nói dối, con đơn giản nghĩ rằng mình chỉ đang làm câu chuyện hay hơn.
Nhưng khi trẻ lớn hơn, trẻ có thể cố tình nói dối vì những lý do cụ thể để thỏa mãn mong muốn như: Được đi chơi, được cho tiền, tránh bị phạt,…
Khi phát hiện con có thói quen này thường xuyên, bố mẹ cần tìm hiểu điều gì ẩn sau hành vi đó. Bố mẹ nên bày tỏ mong muốn con dừng lại và cho trẻ thấy lý do nói dối sẽ gây tác hại lớn đối với các mối quan hệ, giúp con sửa đổi.
Hay cáu giận, đập phá đồ đạc
Nhiều đứa trẻ thường xuyên bực tức, cáu giận và có hành động không chấp nhận được như: Giậm tay chân, đập phá đồ đạc, ném đồ, khóc lóc mọi nơi, nằm lăn ra đất để bày tỏ thái độ của mình,…
Đôi khi trẻ cáu giận vì thiếu đi cảm giác an toàn và không kiềm chế được cảm xúc của mình. Nhưng trong một số trường hợp nếu hành vi này thường xuyên và nghiêm trọng thì bố mẹ cần sớm điều chỉnh.
Khi thấy con như vậy, bố mẹ nên dạy con cách kiểm soát, giữ thái độ bình tĩnh để bày tỏ sự thất vọng. Khi trẻ đang cáu giận, hãy yêu cầu trẻ vào phòng hoặc ngồi ở một góc yên lặng để bình tĩnh hơn.
Khi trẻ đã cân bằng được cảm xúc và có thể lắng nghe, hãy nói cho trẻ biết sự tức giận sẽ không giúp đạt được điều mong muốn. Bố mẹ cũng nên cho trẻ biết cách xử lý tình huống, thay vì chỉ biết la hét.
Ngoài ra, trẻ con thường học rất nhanh những cái mà mình nhìn thấy, chính vì vậy, nếu người lớn mặc sức thể hiện cảm xúc của mình khi cáu giận như đập phá đồ, la hét hoặc cãi nhau, trẻ sẽ bắt chước.
Nếu muốn dạy con kiềm chế cảm xúc, tốt nhất là bố mẹ hãy lấy mình ra làm gương cho con học theo. Trẻ sẽ nhận ra rằng, mình nên học theo bố mẹ và không thể hiện cảm xúc một cách quá đáng khi cáu giận.
Đôi khi trẻ cáu giận vì thiếu đi cảm giác an toàn và không kiềm chế được cảm xúc của mình.
Chơi thô bạo với bạn
Bắt nạt hay chơi thô bạo với bạn là một vấn đề nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến tình cảm và thể chất của người khác. Trẻ thường có xu hướng bắt nạt người khác để chứng tỏ mình mạnh mẽ.
Theo chuyên gia Michele Borba, nếu bố mẹ không can thiệp, các hành vi thô bạo có thể trở thành thói quen cố hữu khi trẻ lên 8 tuổi. Ngoài ra, điều đó còn ngầm khiến cho trẻ hiểu rằng làm tổn thương người khác là điều hoàn toàn chấp nhận được.
Cách xử lý tốt nhất là bố mẹ hãy cho con hiểu rằng bất kỳ hành động làm tổn thương người khác đều không được phép. Lần tới trước khi trẻ đi học hoặc đi chơi, hãy nhắc lại cho con rằng không được chơi thô bạo.
Mẹ có thể giúp trẻ thực hành nói những điều cần thiết khi trẻ cảm thấy quá tức giận thay vì trút giận lên người khác. Nếu con vẫn tiếp tục đánh bạn, nên cho trẻ ngừng chơi ngay.
Bố mẹ nên uốn nắn sớm nếu trẻ thường xuyên bắt nạt hay chơi thô bạo với bạn bè.