Trong suy nghĩ của mọi người, sinh con xong là xong, người mẹ sẽ không còn phải chịu thêm bất kỳ một biến chứng nguy hiểm nào nữa. Tuy nhiên, trên thực tế, dù việc sinh con đã hoàn thành nhưng trong giai đoạn đầu mới sinh, nếu “bà đẻ” không biết cách giữ gìn sức khỏe thì vẫn có thể xảy ra các sự cố nguy hiểm đến tính mạng.
Cách đây 3 tháng, Linh Linh (25 tuổi) đã sinh cho chồng một cậu con trai bụ bẫm đáng yêu. Trong 3 tháng qua, cả gia đình ai nấy đều hạnh phúc mà chăm sóc chu đáo cho 2 mẹ con cô. Song, đầu tuần trước, Linh Linh cảm thấy bụng dưới đột nhiên bị đau âm ỉ. Cô có nói với mẹ chồng về tình trạng này, nhưng bà bảo có thể là kỳ kinh sắp đến nên đừng lo lắng, mọi chuyện sẽ không sao cả.
Sau khi sinh con được 3 tháng, Linh Linh đột nhiên bị đau bụng dưới, mà càng ngày càng đau nhiều nhưng cô vẫn không đi khám vì nghĩ kỳ kinh nguyệt sắp đến (Ảnh minh họa)
Trong một tuần, Linh Linh luôn cảm thấy khó chịu vì bụng ngày một đau hơn và cảm giác đau khác hoàn toàn với mỗi lần “bà dì” ghé thăm trước đó. Tuy nhiên, nghe lời mẹ chồng nên cô cũng không đi khám bác sĩ. Cách đây 2 ngày, đột nhiên Linh Linh cảm thấy “hạ thể” của mình vừa “xả” cái gì đó ra ngoài. Cô vội chạy vào nhà vệ sinh, và đã “chết điếng” khi nhìn vật thể lạ. Không chần chừ, Linh Linh liền bảo chồng đưa mình đi viện gấp.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ thông báo Linh Linh có triệu chứng của bệnh sa tử cung. Đồng thời, trách bệnh nhân tại sao lại không đi khám ngay khi có triệu chứng đau, mà đến tận khi bệnh nghiêm trọng mới chịu vào bệnh viện. Dù Linh Linh đã giải thích cô cứ nghĩ những cơn đau bụng đó là do kỳ kinh nguyệt sắp đến nên đã không đi khám, nhưng lời biện minh này vẫn khiến bác sĩ tức giận vì bà mẹ này quá thiếu hiểu biết.
Bác sĩ thông báo Linh Linh bị sa tử cung và trách mắng cô khi không chịu đi khám ngay khi có triệu chứng là đau bụng âm ỉ (Ảnh minh họa)
Theo thông tin từ Mayo Clinic – một tổ chức chăm sóc sức khỏe phi lợi nhuận của Mỹ, sa tử cung xảy ra khi các cơ và dây chằng của sàn chậu bị căng ra và suy yếu, nó không còn đủ sức để hỗ trợ nâng đỡ cho tử cung. Kết quả là, tử cung bị trượt ra khỏi vị trí và dị chuyển xuống dưới, tệ hơn nữa là tử cung “lòi” ra ngoài âm đạo.
Bệnh sa tử cung có thể xảy ra ở phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Song, nó thường xuất hiện nhiều nhất ở những bà mẹ đã trải qua một hoặc nhiều ca sinh nở qua đường âm đạo. Mà nguyên nhân của hội chứng này là do quá trình chuyển dạ và sinh nở khó khăn, hoặc em bé to, thai phụ bị táo bón nặng khi mang thai, hay sản phụ đã nâng vật nặng nhiều lần trong thời gian đầu mới sinh.
Do đó, để giảm nguy cơ sa tử cung, các mẹ mới sinh hãy chịu khó thực hiện một số lưu ý sau:
- Tập các bài tập Kegel thường xuyên: Các bài tập này có thể giúp cơ sàn chậu của bạn thêm khỏe mạnh, điều này đặc biệt quan trọng nhất là sau khi bạn sinh con.
- Ngăn ngừa táo bón: Uống nhiều nước và ăn nhiều thực phẩm có chất xơ như trái cây, rau xanh, củ quả, hạt đậu, ngũ cốc nguyên cám… sẽ là giúp các mẹ giảm thiểu tình trạng táo bón sau sinh, từ đó cũng giảm luôn nguy cơ bị sa tử cung.
- Tránh mang vác vật nặng khi mới sinh: Trong vài ba tháng đầu sau sinh, sức khỏe của bạn chưa hồi phục hoàn toàn, do đó bạn cần tránh mang vác vật nặng. Trong trường hợp bất khả kháng, bạn hãy ngồi xổm xuống và dùng lực ở chân để nhấc vật lên thay vì cúi người xuống nhấc.