Sinh mổ lần 3 có nguy hiểm không?

Sinh mổ lần 3 sẽ nguy hiểm hơn so với những lần trước rất nhiều nên mẹ cần tham khảo kĩ càng ý kiến từ bác sĩ.

Theo lời khuyên của các chuyên gia sản khoa, phụ nữ sinh mổ chỉ nên sinh 2 lần để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho mẹ và thai nhi trong thời gian mang thai, sinh nở. Vậy nhưng vẫn có không ít trường hợp mẹ "vỡ kế hoạch" và mang thai lần 3 sau hai lần sinh mổ. Lúc này tỉ lệ mẹ phải tiếp tục sinh mổ lần 3 sẽ rất cao. Vậy sinh mổ lần 3 có nguy hiểm không và mẹ cần lưu ý điều gì. 

Sinh mổ lần 3 có nguy hiểm không?

Càng về những lần sinh mổ sau thì người mẹ càng có khả năng cao gặp phải rủi ro. Cụ thể, khi sinh mổ lần 3, mẹ có thể gặp phải những nguy hiểm sau:

- Nứt, vỡ tử cung: Đây là rủi ro nguy hiểm nhất trong lần mổ đẻ lần 3, bởi trong 2 lần sinh trước, trên cổ tử cung của mẹ đã có một vết sẹo mổ. Tới lần thứ 3, vết sẹo mổ có thể bị bục ra trong quá trình mang thai, dẫn tới hiện tượng nứt, vỡ tử cung, gây nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ và thai nhi.

- Nhau thai bất thường: Đẻ mổ lần 3 có thể làm tăng khả năng sản phụ gặp các hiện tượng bất thường về nhau thai như nhau tiền đạo, nhau cài răng lược,... có thể dẫn đến băng huyết sau sinh, thậm chí là cắt bỏ tử cung.  

Sinh mổ lần 3 có nguy hiểm không? - 1

Người mẹ sẽ có khả năng gặp rủi ro cao hơn khi sinh mổ lần 3. (Ảnh minh họa)

- Tử cung chảy quá nhiều máu: Có nhiều khả năng cơ tử cung sẽ không co lại sau lần sinh này, dẫn đến chảy máu quá nhiều cần phải dùng thuốc, thậm chí phải phẫu thuật thêm để cầm máu.

- Dính ruột: Những bà mẹ càng sinh mổ nhiều lần thì khả năng ruột bị dính vào vào thành bụng, bàng quang và ruột càng cao.

- Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Khi sinh mổ, các mẹ có nguy cơ bị nhiễm trùng vết mổ, tử cung, các cơ quan vùng chậu.

- Thời gian hồi phục lâu hơn: Do đã trải qua 2 lần sinh mổ nên ở lần thứ 3, cơ thể của người mẹ yếu hơn rất nhiều, khả năng hồi phục sau sinh cũng lâu hơn.

Sinh mổ lần 3 nên cách lần 2 bao lâu?

Theo các chuyên gia, khoảng cách giữa sinh mổ lần 2 và sinh mổ lần 3 nên từ 3-5 năm, khi vết sẹo ở bụng đã bình phục hoàn toàn. Việc này nhằm mục đích hạn chế nguy cơ bục vết mổ và giảm bất thường về nhau thai.

Sinh mổ lần 3 có nguy hiểm không? - 2

Tìm hiểu về sinh mổ lần 3 kỹ càng sẽ giúp mẹ chuẩn bị tốt tâm lý và phần nào hạn chế được rủi ro. (Ảnh minh họa)

Sinh mổ lần 3 nên mổ ở tuần bao nhiêu?

Do đã từng mổ đẻ 2 lần trước đó nên chắc chắn lần sinh thứ 3 mẹ cũng được chỉ định sinh mổ, do đó sinh mổ lần 3 không cần chờ cơn đau chuyển dạ xuất hiện. Khi thai đã được 38-39 tuần, bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ mổ lấy thai để ngăn ngừa những rủi ro lớn nhất có thể xảy ra. 

Sinh mổ lần 3 là mổ dọc hay mổ ngang?

Về mổ dọc, phương pháp này khá nhanh chóng, mất ít thời gian và có thể mở rộng vùng cần thiết nếu phát sinh vấn đề trong khi sinh. Bên cạnh đó, thai phụ sẽ mất ít máu hơn. Tuy nhiên, vết mổ thường không đẹp, mất tính thẩm mỹ và vết mổ dễ bị rách hoặc biến chứng.

Trong khi đó, mổ ngang lại đảm bảo tính thẩm mỹ giúp mẹ tự tin hơn, thời gian phục hồi nhanh hơn và vết mổ có ít nguy cơ bị rách hoặc biến chứng hơn mổ dọc. 

Việc mẹ bầu sinh mổ lần 3 bằng cách mổ dọc hay mổ ngang sẽ do bác sĩ quyết định dựa trên sức khỏe người mẹ, tình hình cụ thể của thai nhi tại thời điểm sinh. 

Sinh mổ lần 2 và những điều mẹ bầu cần lưu ý
Theo Hà Phương (T/h dịch) (Thời báo văn học nghệ thuật)