Ai cũng biết rằng tử cung là nơi em bé sẽ ở trong suốt thai kỳ, tức tử cung rất quan trọng trong việc mang thai. Thế nhưng, người mẹ này tuy sinh ra không có tử cung nhưng vẫn có thể sinh hạ được 2 cô con gái đáng yêu. Người phụ nữ này được cho là trường hợp đầu tiên trong lịch sử Mỹ sinh 2 con mà không có tử cung.
Chị là Jennifer Dingle, đã kết hôn với chồng là anh Jason (34 tuổi) vào năm 2014. Người phụ nữ hiện 33 tuổi cho biết, trong những năm tháng tuổi teen, khi bạn bè cùng trang lứa lần lượt xuất hiện kinh nguyệt, chị đã rất phấn khích trước viễn cảnh mình là người tiếp theo trong đám bạn. Thế nhưng, điều này lại không bao giờ xảy ra với chị ở lứa tuổi đó.
Chị Jennifer và chồng kết hôn năm 2014.
Lo lắng về sức khỏe của con gái, mẹ Jennifer đã đưa chị tới bệnh viện thăm khám. Kết quả cho thấy, chị không có tử cung và cổ tử cung, nhưng may mắn chị vẫn có buồng trứng.
Các bác sĩ chẩn đoán chị mắc hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser (MRKH), có nghĩa là từ khi sinh ra chị đã không có tử cung, đồng nghĩa với việc chị không thể mang thai được. Điều này khiến Jennifer vô cùng suy sụp, nhưng chị vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó chị sẽ mang thai và có con của riêng mình.
Jennifer nói: “Tôi được thông báo rằng tôi sẽ không bao giờ có thể tự mình sinh con, và nếu tôi muốn có những đứa con ruột của mình thì bắt buộc phải nhờ người đẻ thuê. Điều này thật khó khăn, cô gái nào mà chẳng mơ ước được kết hôn và sinh con chứ”.
Thật đáng kinh ngạc, sau khi lập gia đình được 2 năm, mong ước của chị đã trở thành hiện thực nhờ sự can thiệp của y học hiện đại. Jennifer cho biết, vài tháng sau khi kết hôn, chị đã đến gặp bác sĩ phụ khoa để kiểm tra, đồng thời hỏi về việc làm sao chị có thể tự mình mang thai được. Lúc này, bác sĩ nói rằng từng có một ca cấy ghép tử cung ở nước ngoài, nhưng việc này quá rủi ro nên khuyên chị đừng ôm hy vọng nhiều.
Nhờ cấy ghép tử cung mà chị Jennifer đã tự mình mang thai được.
Sau đó, vì anh Jason làm việc trong quân đội nên vợ chồng chị phải tạm ngừng kế hoạch kiếm con lại. Vào năm 2016, khi cả hai đang đóng quân ở Ý, chị Jennifer bỗng nhận được cuộc gọi từ mẹ và chính cuộc gọi này đã làm thay đổi cuộc đời chị.
“Mẹ tôi nói rằng Trung tâm Y tế Đại học Baylor ở Dallas, Texas, đang tìm kiếm 10 tình nguyện viên tham gia cuộc thử nghiệm y tế về cấy ghép tử cung. Khi nghe tin này, tôi đã bay về nhà ngay để nộp hồ sơ”, Jennifer nói.
Hai tháng sau khi nộp hồ sơ vào tháng 7/2016, Jennifer đã được chấp nhận tham gia thử nghiệm. Chị cũng nhanh chóng chuyển đến Texas vào tháng 9 để chuẩn bị cho quá trình cấy ghép này.
Chị đã trải qua một chu kỳ thụ tinh ống nghiệm để tạo ra 5 phôi thai. Vào tháng 11, bệnh viện đã tìm được một người hiến tặng còn sống muốn hiến tử cung cho chị.
Hai con gái đáng yêu của chị Jennifer.
Vào tháng 12/2016, ca cấy ghép được tiến hành, kéo dài 9 tiếng và đã thành công. Vào tháng 1/2017, cuối cùng Jennifer đã có kinh nguyệt lần đầu tiên ở tuổi 27.
“Tôi là người được ghép tử cung thành công thứ hai ở Mỹ. Tôi đã rất hạnh phúc khi lần đầu tiên có kinh nguyệt. Ở tuổi 27, tôi mới bắt đầu tìm kiếm các thông tin về chu kỳ kinh nguyệt, điều này thật buồn cười mà”, người phụ nữ nói.
6 tháng sau phẫu thuật, Jennifer đã trải qua một ca chuyển phôi thành công. Vào tháng 2/2018, con gái chị là Jiavannah (hiện gần 4 tuổi) đã chào đời bằng phương pháp sinh mổ ở tuần 36 với cân nặng 2,9kg.
Vào tháng 8/2018, các bác sĩ hỏi liệu chị có muốn sinh con thứ 2 không – điều mà chưa ai ở Mỹ từng làm sau khi cấy ghép tử cung. Vợ chồng chị Jennifer đồng ý ngay, nhưng với 4 phôi thai còn lại, chị đã thất bại tới 3 lần gồm 1 lần chuyển phôi không thành công và 2 lần bị sảy thai.
Chị Jennifer hạnh phúc bên chồng và 2 con.
May thay, phôi thai cuối cùng thành công và chị Jennifer đã làm nên lịch sử khiến bác sĩ cũng ngạc nhiên sau khi mang thai lần 2 thành công vào tháng 7/2019. Vào tháng 2/2020, chị sinh hạ bé gái Jade (hiện gần 2 tuổi) ở tuần 38, nặng 3,4kg.
Bà mẹ 2 con chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nghe thấy những từ đại loại như 'bạn đang mang thai'. Ngay cả khi bác sĩ đã xác nhận điều đó bằng xét nghiệm máu, tôi vẫn không thể tin nổi mà tự mình thử thai vài lần ở nhà”.
Jennifer rất biết ơn người phụ nữ đã hiến tặng tử cung cho chị, giúp chị có một gia đình đúng nghĩa. “Không có từ ngữ nào có thể diễn ra được tấm lòng biết ơn của tôi dành cho chị ấy. Tôi đã tìm thấy chị ấy trên Facebook nhưng chúng tôi vẫn chưa gặp mặt nhau. Nhất định một ngày nào đó chúng tôi sẽ đến gặp chị”, người phụ nữ nói.
Sau khi sinh 2 con, chị Jennifer đã phẫu thuật cắt bỏ tử cung để tránh tình trạng nhiễm trùng, cũng như không phải dùng thuốc trong suốt quãng đời còn lại. Giờ đây, nếu muốn tiếp tục sinh thêm con, chị chỉ có thể nhờ người mang thai hộ mà thôi.
Hội chứng Mayer Rokitansky Küster Hauser là gì?
Hội chứng Mayer Rokitansky Kϋster Hauser (MRKH) là căn bệnh bẩm sinh hiếm gặp ở nữ giới, các báo cáo y tế ghi nhận chỉ có 1/4500 trẻ mắc phải hội chứng này. Người mắc chứng MRKH thường không có âm đạo hoặc không phát triển âm đạo và kèm theo những bất thường ở cơ quan sinh dục nữ, nhưng họ vẫn có buồng trứng và ống dẫn trứng.
Hội chứng này rất khó phát hiện vì không có biểu hiện cụ thể nào bên ngoài, người bệnh phát hiện mắc bệnh này chỉ khi đến tuổi dậy thì mà không có kinh nguyệt. Người mắc phải bệnh này đều không thể sinh con, chỉ có thể khắc phục bằng cách nhận con nuôi, mang thai hộ. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, chị em mắc hội chứng MRKH vẫn có thể tự mình mang thai nhờ ghép tử cung như trường hợp của chị Jennifer.