Thực tế có nhiều bố mẹ chủ quan, không chú ý trong cách nói chuyện và các hành động của mình khi ở nhà nên khiến đứa con bắt chước. Nhiều hậu quả không ngờ đã xảy ra, khiến bố mẹ ôm nỗi hối hận. Như trường hợp mới đây, đoạn trao đổi ngắn giữa cô giáo và phụ huynh học sinh đã nhanh chóng lan truyền khắp các mạng xã hội, một lần nữa nhắc nhở bố mẹ cần chú ý nhiều hơn khi giao tiếp trong gia đình.
Cụ thể, trong đoạn tin nhắn, cô giáo thân mật chia sẻ với mẹ của một em học sinh tên Nhung: "Hôm nay lớp có dự giờ, em có giới thiệu các thầy cô dự giờ. Em có đố các bé: "Người thứ nhất là thầy Hiệu trưởng, người thứ 2 là thầy Hiệu phó, còn người thứ 3 có bạn nào biết không? Thì bé Nhung nói "Người thứ 3 là con... cướp chồng". Gia đình lưu ý giúp em".
Đoạn tin nhắn được lan truyền như một lời cảnh tỉnh đến bố mẹ trong việc giao tiếp ở nhà.
Khỏi phải kể chi tiết, dân mạng đều có thể đoán được cô giáo đã được phen "ngượng chín mặt", tẽn tò thế nào khi học sinh của mình trả lời như vậy, đặc biệt lại là tiết dự giờ và có thầy Hiệu trưởng cùng ban giám hiệu dự giờ. Câu chuyện khiến không ít người phải bật cười, nhưng phía sau đó là việc nhìn nhận lại hành vi ứng xử của mình. Có thể thấy em học sinh tên Nhung thực tế chỉ vô tư bắt chước lại những từ mà mẹ bé gọi ai đó. Và việc mẹ bé nói như vậy với bố bé cũng không chỉ là một lần, khiến đứa con đã coi như chuyện bình thường.
Thực tế, khi con trẻ vẫn còn nhỏ, càng chưa có khái niệm đúng sai thì chính những lời nói và hành động của cha mẹ luôn là chuẩn mực cho trẻ noi theo và hành xử y như vậy. Do đó, nếu người lớn làm sai, trẻ con sẽ nhìn thấy và bắt chước y hệt là chuyện đương nhiên, lâu dài sẽ thành tính cách và thói quen của trẻ, đi theo trẻ đến lúc trưởng thành. Nếu không có đủ nỗ lực để thay đổi tư duy, nhân cách con đương nhiên sẽ không vững vàng, bất lợi cho sự phát triển.
Câu gửi gắm của cô giáo cuối tin nhắn trên: "Gia đình bé lưu ý giúp em" có lẽ cũng đã rõ tất cả. Chỉ một việc lưu ý thôi nhưng thực sự sẽ cần bố mẹ phải thực hành rất lâu dài. Mỗi đứa trẻ như tờ giấy trắng, là tấm gương phản chiếu những hành động của cha mẹ và người lớn. Việc của bố mẹ là không được làm tờ giấy ấy bị hoen ố bởi chính sự vô tình của mình. Muốn dạy con tốt, giáo dục con nên người, trước hết bố mẹ phải là người tốt, sống mẫu mực.
(Ảnh minh họa)
Những hành động, thói quen của bố mẹ mà con dễ dàng bắt chước
Không thể phủ nhận cách hành xử của bố mẹ tác động mạnh mẽ tới nhân cách trẻ. Dưới đây là một số các hành động, thói quen của bố mẹ mà các con rất hay bắt chước bố mẹ.
Các bậc phụ huynh cần lưu ý để có thể điều chỉnh trước tiên từ chính bản thân mình:
"Nghiện" thiết bị điện tử
Nếu trong nhà, bố mẹ thường xuyên "ôm" điện thoại thay vì dành thời gian cho con, đương nhiên đứa con "nghiện" thiết bị điện tử cũng là điều đương nhiên. Thậm chí nếu bố mẹ muốn biết mình trông như thế nào lúc ngồi bấm hay nói chuyện điện thoại, hãy đưa chiếc điện thoại cho con bạn, chúng sẽ giúp bố mẹ “diễn” lại một cách chính xác hành động và cả cảm xúc.
Hay nếu bố mẹ dành tất cả thời gian rảnh rỗi của mình để xem tivi, cầm điện thoại hay chơi điện tử… thì đừng bao giờ mong các con sẽ đọc sách, vui chơi ngoài trời hay ngồi vẽ một bức tranh. Vì vậy, khi bạn chơi với con và ở bên con, hãy tạm cất chiếc điện thoại đi để tận hưởng trọn vẹn thời gian bên con.
Cách thể hiện cảm xúc hoặc gây sự chú ý
Nét mặt của bố mẹ, cách bố mẹ gây sự chú ý với ai đó cũng sẽ được các con lặp lại một cách hoàn hảo. Đừng quá bất ngờ nếu một ngày bố mẹ thấy con có điệu bộ nhăn trán hoặc chép miệng giống hệt mình.
Ngoài ra, không ít bố mẹ đã rất bất ngờ khi thấy con mình tự chê bản thân béo, tự ti vì da đen, mũi không cao... Suy xét kỹ lại mới hay, chính việc bố mẹ thường xuyên phàn nàn và bất mãn về cơ thể mình đã ngấm vào đứa trẻ lúc nào không hay. Lâu dần, đứa con cũng sẽ có những nhận xét và thái độ y như vậy với bản thân mình.
Cách nói chuyện với người khác
Đứa trẻ sẽ “âm thầm” quan sát và theo dõi cách bố mẹ nói chuyện với mọi người và với con. Sau đó, các con sẽ bắt chước y nguyên thái độ, lời lẽ và thậm chí cả cách bạn thể hiện cảm xúc khi nói chuyện với ai đó. Vì thế, hãy luôn là tấm gương tốt để các con có thể học được cách giao tiếp lịch sự và tinh tế ngay từ khi còn nhỏ.
Thậm chí cách bạn trêu đùa người khác cũng có thể ăn sâu vào tiềm thức của con. Bởi vậy, hãy luôn nhớ điều đó để trêu đùa người khác một cách có chừng mực và giới hạn.
Nói bậy và chửi thề
Phần lớn bố mẹ hay nghĩ rằng, con cái dễ bị nhiễm các từ xấu ở môi trường lớp học hoặc bạn bè, nhưng thực sự, rất nhiều những từ ngữ tiêu cực là các con học từ chính cha mẹ mình. Nếu bố mẹ nói bậy và chửi thề, hành vi này sẽ "lây lan" sang trẻ rất nhanh. Lâu dần trẻ sẽ coi đó như cách giao tiếp bình thường, hình thành hành vi khó có thể sửa chữa.
Cuối cùng, bố mẹ hãy nhớ rằng, con cái là “bản sao” của bố mẹ. Bố mẹ muốn con có thói quen tốt, nhân cách tốt thì trước tiên hãy thực hành và mài giũa những thứ đó từ mình trước tiên.