Quá trình mang thai ở những tháng đầu của chị Dương (29 tuổi, sống ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) diễn ra khá suôn sẻ. Tuy nhiên, tới ngày 17/5, khi đang mang thai ở tháng thứ 6, thai phụ đột nhiên bị sốt nhưng chị không dám uống thuốc vì lo lắng thuốc sẽ gây hại tới sự phát triển của thai nhi. Mãi tới khi sốt 3 ngày không khỏi, chị mới tới bệnh viện để thăm khám và hạ sốt sau khi uống thuốc cảm.
Thế nhưng, nửa tháng sau, thai phụ lại tiếp tục bị sốt, kèm theo đau khớp và một số triệu chứng khác. Chị cứ nghĩ mình chỉ bị cảm cúm thông thường nên uống thuốc cảm như trước, nhưng 3 ngày trôi qua mà các triệu chứng vẫn không thuyên giảm chút nào. Lúc này, chị đành phải tới bệnh viện địa phương để thăm khám và được kê cho vài loại thuốc kháng sinh.
Chỉ sau 1 tuần, chị Dương lại bị sốt kèm theo một vài triệu chứng khác. Lần này, chị đã không chần chừ nữa mà lập tức chọn một bệnh viện tốt hơn để thăm khám, nhưng cơn sốt vẫn thường xuyên tái phát.
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho chị Dương.
Tới ngày 27/7, thai phụ phải tới bệnh viện một lần nữa do khó thở và không thể nằm ngửa vào ban đêm. Chị được bác sĩ chỉ định đi siêu âm tim, kết quả siêu âm Doppler tim cho thấy chị Dương bị tắc nghẽn động mạch phổi, đây là một loại bệnh tim bẩm sinh.
Ngoài ra, chị còn bị tràn dịch màng tim, cộng thêm khối u rất lớn trong khoang động mạch phổi nên các bác sĩ nghi ngờ chị đang bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Hiện chị đang bị suy tim và tăng áp động mạch phổi, tình trạng rất nguy hiểm nên bệnh viện địa phương đề nghị chuyển chị tới Bệnh viện Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) để điều trị càng sớm càng tốt.
Tối 29/7, chị Dương được xe cấp cứu chở đến Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán. Tại đây, mẹ bầu được hội chẩn khẩn cấp nhiều chuyên ngành như khoa sản và khoa tim mạch. Lúc này, thai phụ đang bị khó thở, việc này làm tăng nguy cơ tử vong của thai nhi trong bụng vì thiếu oxy. Hơn nữa, căn bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cũng đang làm suy giảm chức năng tim của thai phụ.
Khi đã thảo luận với nhiều phương án khác nhau, các chuyên gia quyết định mổ lấy thai và mổ tim cho thai phụ cùng một lúc. Ngày hôm sau, chị Dương được đưa vào phòng phẫu thuật. Sau khi gây mê, các bác sĩ khoa sản đã tiến hành mổ lấy thai cho sản phụ, đứa trẻ nặng 2.6kg.
Con của chị Dươn bình an chào đời, nặng 2.6kg.
Sau khi vết mổ được khâu lại, các bác sĩ khoa tim mạch tiếp tục làm phẫu thuật tim, cắt bỏ khối u khổng lồ bên trong khoang động mạch phổi cho sản phụ, đồng thời đóng ống động mạch tim. Toàn bộ quá trình diễn ra chưa đầy 2 tiếng.
Theo bác sĩ phẫu thuật, việc hoàn thành loại phẫu thuật này đòi hỏi trình độ và sự hợp tác của bác sĩ rất cao. Vì trong quá trình mổ, sản phụ có thể bị suy tim nặng, các động mạch của tim bị dịch chuyển ở nhiều mức độ khác nhau nên cần hoàn thành ca mổ càng sớm càng tốt.
Ngày 2/8, chị Dương được rời khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, chuyển sang phòng thông thường. Sản phụ cho biết, chị không hề hay biết mình mắc bệnh tim bẩm sinh và cảm thấy rất may mắn khi mẹ con chị đều vượt qua ca mổ an toàn.
Một số dấu hiệu cực nguy hiểm bà bầu không được coi thường
- Nôn ói quá nhiều: Trường hợp mẹ bầu bị nôn quá nhiều, đi kèm các dấu hiệu như chóng mặt, môi khô nhợt nhạt, sụt cân nhanh, sốt,... thì cần phải khám bác sĩ ngay vì rất có thể em bé đang gặp vấn đề "trục trặc" nào đó.
- Đau đột ngột ở tử cung: Đây có thể là triệu chứng "bong nhau non" rất nguy hiểm với mẹ và bé (có thể gây tử vong).
- Sự thay đổi ở ngực: Nếu bất chợt mẹ thấy ngực mình kích cỡ giảm xuống, không còn cảm giác căng tức,... thì cần lập tức đến bệnh viện kiểm tra ngay bởi rất có thể em bé đang gặp nguy hiểm, thai nhi có thể ngưng phát triển hoặc thậm chí chết lưu...
- Đi tiểu quá ít: Nếu như tần suất đi tiểu giảm đáng kể, mẹ bầu đi tiểu quá ít thì có thể là dấu hiệu của chứng tiểu đường thai kì hoặc bị mất nước trầm trọng.
- Tăng/giảm cân quá nhanh: Cân nặng của mẹ thay đổi đột ngột cũng không phải dấu hiệu tốt, đặc biệt nếu mẹ bầu bị phù chân tay, rối loạn thị giác, hoa mắt chóng mặt,... đó rất có thể là triệu chứng tiền sản giật.
- Thai nhi cử động bất thường: Bé cử động nhiều gấp đôi hay giảm 1 nửa trong vòng 12 giờ đồng hồ thì có thể con đang thiếu O2. Đặc biệt, nếu mẹ thấy bé ngừng chuyển động thì cần lập tức tới bệnh viện vì thai nhi có thể đang nguy kịch hoặc bị chết lưu.
- Đau bụng, chảy máu: Mẹ bị ra máu, đau dọc bụng dưới thì có thể bị dọa sẩy. Vào cuối thai kì, hiện tượng ra máu cũng có thể là triệu chứng nhau tiền đạo.
- Xuất huyết âm đạo, ra sữa sớm: Mẹ bị chảy sữa kèm chảy máu âm đạo và đau bụng thì cần đến bệnh viện ngay lập tức vì rất có thể là dấu hiệu rối loạn nồng độ prolactin trong máu, gây ảnh hưởng tới chức năng nhau thai.