Nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ rằng, trẻ đi học sớm thì càng độc lập, thông minh và nhanh nhẹn. Nhưng thực tế có phải như vậy hay không?
Theo những nghiên cứu từ ĐH Yale (Hoa Kỳ), trẻ em trước 3 tuổi và sau 3 tuổi có sự nhận thức và phát triển tâm sinh lý khác nhau khá lớn. Theo định nghĩa, giáo dục mầm non là giáo dục trẻ em 3-6 tuổi, dưới tiền đề tôn trọng luật phát triển thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ. Việc cho trẻ đi mẫu giáo từ trước 3 tuổi không những không có lợi mà còn gây hại đến con.
Cha mẹ đừng sớm bắt con vào khuôn khổ của các lớp học mẫu giáo. (Ảnh minh họa)
Đi học mẫu giáo sớm gây ra 4 tác hại
1. Hạn chế khả năng của con
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, trẻ 3-5 tuổi là giai đoạn con phát huy mạnh mẽ nhất trí tưởng tượng và sức sáng tạo. Nếu cho con đi học quá sớm, cả ngày con chỉ được tiếp xúc với một hoạt động duy nhất sẽ gây ra bất lợi đối với sự phát triển trí não bé.
Viện Tâm lý học trẻ em ở Đài Loan đã tiến hành một thí nghiệm vẽ bức tranh mô tả sự vật đơn giản. Hai nhóm trẻ tham gia thí nghiệm này, một nhóm đi học mẫu giáo và một nhóm không. Hai tuần sau, thí nghiệm được lặp lại. Kết quả là, với những đứa trẻ đã học mẫu giáo, bức tranh lần đầu và lần hai giống hệt nhau, trong khi với những trẻ chưa từng đi học, hai bức tranh hoàn toàn khác biệt.
Kết quả thí nghiệm cho thấy một thực tế rõ ràng: Trẻ càng sớm tiếp xúc với việc học thì trí tưởng tượng, sự sáng tạo càng bị hao mòn nhiều. Trẻ mất dần trí tưởng tượng, sự sáng tạo, dẫu bù vào đó là sự nắm bắt các quy tắc mà người lớn đưa ra.
Mỗi đứa trẻ chỉ có một thời thơ ấu một đi không trở lại, hãy để trẻ được thỏa sức chơi đùa và vô tư, đừng sớm bắt con vào khuôn khổ của các lớp học mẫu giáo.
2. Làm tính khí trẻ trở nên hung dữ hơn
Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi đối với người xa lạ vẫn rất sợ hãi và bài xích. Khi phải tiếp xúc với những người không phải người thân trong gia đình, thậm chí bé còn trở nên hung dữ vô cùng.
Ở trường mẫu giáo, cô giáo và các bạn cùng lớp đối với trẻ mà nói chính là những người xa lạ. Cả ngày ở chung với cả nhóm đông người không quen biết, tính khí của trẻ sẽ càng trở nên kích động, hung dữ hơn.
3. Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của con
Trẻ dưới 3 tuổi sức đề kháng vẫn còn yếu ớt, chưa hoàn thiện, dễ bị ốm. Trong quá trình đi học, một lớp có đến mấy chục em bé, việc con bị lây bệnh của bạn dễ dàng xảy ra. Điều đó chẳng những khiến trẻ bị bệnh mà còn làm hệ miễn dịch vốn chưa hoàn thiện ngày càng yếu ớt hơn.
4. Làm tổn thương tâm hồn con
Trẻ càng nhỏ, vai trò của cha mẹ lại càng quan trọng, giáo viên không thể đóng vai trò thay thế cha mẹ được. (Ảnh minh họa)
Một giáo viên mầm non chia sẻ với biên tập viên tờ Sina về trải nghiệm công việc của mình có thể khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình: "Bạn có biết trẻ chưa đầy 3 tuổi được gửi đến trường mẫu giáo, câu mà chúng nói nhiều nhất trong ngày là gì không? Chính là: 'Đi tìm mẹ' đấy".
Giáo viên này đề cập đến một trường hợp đặc biệt: Một bé trai hơn 2 tuổi được gửi đi mẫu giáo nơi cô làm việc. Những ngày đầu, đứa bé gào khóc đòi mẹ. Nhưng đến giờ bé tách ra khỏi bạn bè, suốt ngày ôm chiếc chăn nhỏ của mình, chẳng chịu chơi với ai.
Nữ giáo viên mầm non nhận định, với kinh nghiệm nhiều năm trông trẻ của mình, cô nhận thấy những trẻ hiếu động, nghịch ngợm, ít tập trung trong lớp đều là những đứa trẻ được gửi đi học từ rất sớm. Cô cho rằng trẻ càng nhỏ, vai trò của cha mẹ lại càng quan trọng, giáo viên không thể đóng vai trò thay thế cha mẹ được.
Nhiều phụ huynh cho rằng việc đưa con đi học, tức là tiếp xúc với thế giới bên ngoài từ sớm sẽ giúp đẩy mạnh tính tự lập, giúp trẻ "khôn ra". Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy việc cho trẻ đi học từ quá sớm (dưới 3 tuổi) có thể làm mất đi giai đoạn tốt nhất trong việc nuôi dưỡng cảm giác an toàn nơi đứa bé.
Thêm vào đó, mỗi đứa trẻ đều có quá trình phát triển khác nhau, do các yếu tố như môi trường, gia đình, tính cách tự nhiên. Việc gửi trẻ vào cuộc sống tập thể quá sớm không chỉ khiến đứa trẻ cảm thấy bất an, mà còn phá vỡ sự cân bằng nội tại nơi trẻ.
Nếu bắt buộc phải cho con đi học mẫu giáo sớm, cha mẹ cần lưu ý:
Cuộc sống tập thể là một thách thức lớn với trẻ em. Do đó, nếu buộc phải gửi con đến trường mẫu giáo trước năm con ba tuổi, cha mẹ cần xây dựng cho con các kỹ năng cơ bản sau:
- Biết chủ động đi vệ sinh.
- Có khả năng ăn uống độc lập.
- Biết chủ động mang giày dép.
- Biết lắng nghe và làm theo những hướng dẫn đơn giản. Bằng cách này, con có thể thích nghi với cuộc sống tập thể.
- Biết giao tiếp cơ bản: Trẻ cần biết cách sử dụng ngôn ngữ lịch sự cơ bản như nói lời xin lỗi, cảm ơn, biết cách yêu cầu sự giúp đỡ của giáo viên...
Sự an toàn của trẻ là trên hết trong môi trường tập thể. Khi bạn dạy con mình khả năng tự chăm sóc bản thân, dù ở cấp bậc đơn giản nhất, trẻ vẫn sẽ phần nào bảo vệ được chính mình.