Quả táo vàng
Ngày xưa có một ông vua rất lười biếng, không hề nhìn ngó đến việc nước. Ông ta thường xuyên buồn, chán. Một ngày nọ vua muốn giải trí, phái sứ giả đi khắp xứ sở, từ thành phố đến nông thôn, để loan báo.
– Nghe dây! Lệnh nhà vua ban xuống: kẻ nào bịa được một câu chuyện hết sức vô lý làm cho vua không tin được, sẽ được thưởng một quả táo vàng!
Khắp nơi người người nườm nượp kéo về kinh đô. Từ kẻ quyền cao chức trọng, kể buôn bán giàu sang, cho đến người buôn thúng bán mẹt, chân lấm tay bùn, ai nấy vượt bao dặm đường về dự thi, hi vọng được quả táo vàng qua câu chuyện mình sắp kể.
Nhưng tất cả các câu chuyện của bất cứ người nào, dù vô lý đến đâu nhà vua cũng không hề ngạc nhiên. Ai kể gì vua cũng tin, hay có lẽ vua giả vời tin, vì không muốn mất quả táo vàng? Cứ như vậy, ngày nào vua và các quan cũng được nghe nhiều câu chuyện mới, đỡ buồn mà không tốn một xu.
Một buổi chiều nọ, một anh chàng nông dân nghèo xác nghèo xơ, xách một chiếc thùng rỗng rất to, lại gần cổng thành.
Ảnh minh họa.
Lính gác hỏi:
– Anh kia muốn gì?
– Tôi muốn kể hầu nhà vua câu chuyện này, làm nhà vua phải kinh ngạc.
– Tốt lắm! Anh vào đây.
Người ta dẫn anh đến trước nhà vua.
Vua đang ngồi trên ngai vàng và đang ngáp đến nỗi có thể sái quai hàm. Vua hỏi:
– Nói đi! Nhà ngươi muốn kể gì nào?
Nói rồi vua lại ngáp và mọi người đứng chung quanh cũng ngáp.
– Tâu bệ hạ, mới đây tôi có gieo một hạt đỗ trong đám ruộng, chỉ một đêm nó đã cao bằng tháp chuông nhà thờ.
– Thế thì đã sao?
– Cây đỗ đã vững như một cây cổ thụ. Tôi bèn trèo lên trời. Trên ấy tất cả đều bằng vàng thật và các nàng tiên cá hát du dương, khiến cho bên tai tôi mãi tận bây giờ hãy còn nghe réo rắt.
Vua trả lời:
– Tất cả trẻ con đều biết trời như thế nào. Rồi sao nữa?
Vua lại ngáp.
– Tôi gặp rất nhiều người quen ở trên ấy. Tâu bệ hạ, người tưởng tượng xem: tôi gặp bố mẹ tôi ăn mặc sang trọng như vua chúa, ngồi trên một chiếc xe bằng thủy tinh trong suốt. Vua gắt:
– Mặc xác bố mẹ nhà ngươi! Rồi sao nữa?
– Tâu bệ hạ, xin Người nghe cho rõ. Tôi cứ tiếp tục đi, bỗng gặp các vị tổ của vua, các vị đều ăn mặc rách rưới theo sau một đàn lợn ỉn.
Vua hơi tái mặt, nhưng vẫn gượng gạo:
– Ừ, có thể. Rồi sao nữa?
– Các vị nhắn tôi về tâu lại với nhà vua: Hồi trước nhà vua nợ bố mẹ tôi một thùng này đầy tiền vàng. Nhà vua không trả nên trời đã trừng phạt các vị như thế. Nay tôi đến đây để đòi nợ.
Vua giận dữ quát to:
– Vô lý! Nhà ngươi nói láo! Ta chẳng hề nợ bố mẹ nhà ngươi.
Anh nhà nghèo nói:
– Vậy thì tâu bệ hạ. Người đã không tin lời tôi! Xin hãy ban cho tôi quả táo vàng.
Nhà vua chợt hiểu, nói chữa:
– À không. Nhà ngươi nói đúng đấy!
Anh nhà nghèo mỉm cười:
– Nếu thế, xin bệ hạ đong đầy cái thùng này cho tôi xin số tiền vàng còn nợ của tôi.
Và tất nhiên, nhà vua phải trao quả táo vàng cho anh chàng thông minh, hóm hỉnh kia
Chàng rể thông minh
Vua A-bíp có một nàng công chúa đã lớn mà chưa chịu lấy chồng.
Đã có hàng trăm chàng trai, con các gia đình quyền quý đến cầu hôn nhưng nàng đều từ chối.
Vua cha tuy không muốn ép buộc con, nhưng vẫn lo âu, phàn nàn với công chúa:
– Con không thể ở vậy suốt đời con ạ, con chẳng có anh em trai, con là con gái độc nhất của ta. Sau khi ta chết đi, thân phận con rồi sẽ ra sao? Con ương bướng thế này làm ta buồn phiền lắm.
– Thưa vua cha, con có từ chối không lấy chồng đâu. Con chỉ muốn cha tìm được một chàng rể chồng thông minh và tế nhị.
Vua cha vui mừng:
– Vậy con làm thế nào để nhận ra trí thông minh và sự tế nhị của người chồng tương lại của con?
– Như thế này ạ: Vua cha hãy mở một cuộc thi. Con sẽ kể về một câu chuyện nói khoác. Người nào bịa được một chuyện nói khoác tài hơn sẽ làm chồng con.
Đúng là một lý lẽ khôn ngoan, vì phải có một trí thông minh mới bịa được một câu chuyện hay.
Đối với nhà vua, cách chọn chồng như vậy thật là lạ đời, nhưng vua vẫn không muốn trái ý cô con gái yêu.
Lệnh truyền đi khắp các đô thị, thôn xóm, các bộ lạc xa xôi: Nhà vua sẽ gả con gái cho người nào kể được một câu chuyện nói khoác hay hơn hẳn câu chuyện của công chúa. Câu chuyện ấy như sau: “Công chúa thuê làm một cái nồi. Nồi to đến nỗi phải dùng ba trăm sáu mươi cái đinh để đóng ghép các bộ phận lại.
Ảnh minh họa.
Mỗi cái đinh phải do một người thợ rèn đóng. Người thợ rèn này không nghe thấy tiếng búa của người kia vì khoảng cách giữa những người thợ làm chiếc nồi khổng lồ kia xa lắm”.
Những chàng trai con các nhà quyền quý, sang trọng từ khắp bốn phương trời đến, lũ lượt về thủ đô dự thi. Họ đều được mời vào triều, đến trước nhà vua, có công chúa đứng bên cạnh.
Người nào cũng kể câu chuyện nói khoác của mình nhưng so với câu chuyện của công chúa thì những chuyện của họ đều ngớ ngẩn.
Tuần này tiếp tuần nọ, các chàng trai đến cầu hôn ngượng ngùng lần lượt rút lui. Vua cha vẫn làm tiệc linh đình tiễn đưa họ và ban nhiều tặng phẩm an ủi họ. Công chúa thắng lợi. Nàng kiêu hãnh thấy mình đã hơn hẳn các chàng trai kia.
Hơn nữa nàng vui sướng được tiếp tục sống theo ý thích của mình mà vẫn không làm vua cha buồn giận. Trái lại nhà vua rất buồn phiền, lo lắng. Vua biết rằng mỗi một người thua cuộc sẽ là một kẻ thù địch của đất nước mình.
Thế rồi một ngày nọ, một chàng trai đến xin dự thi. Anh ta khác hẳn các chàng trai giàu có, sang trọng đến thi lần trước: Anh ta chỉ là một người nghèo khổ. Cúi chào nhà vua và công chúa xong, anh bắt đầu kể:
“Tôi trồng được một cây bắp cải có ba trăm sáu mươi lá. Mỗi lá che được ba trăm sáu mươi kỵ sĩ. Người kỵ sĩ này không trông thấy được kỵ sĩ kia, vì chỗ họ đứng rất cách xa nhau”
Công chúa hỏi:
– Thế anh định dùng cái gì để luộc cây bắp cải ấy?
– Thưa công chúa, chính dùng cái nồi của công chúa đấy ạ.
Công chúa reo lên:
– A! Câu chuyện của anh hay hơn hẳn của tôi. Tôi xin chịu tài anh.
Thế là anh chàng nghèo khó được lấy công chúa và họ sống cuộc đời rất sung sướng.
Bác đánh cá và gã hung thần
Ngày xưa, có một bác đánh cá đã cao tuổi. Một hôm bác ra biển quăng lưới, kiên nhẫn đợi cho lưới sa xuống tuận đáy biển mới kéo lên. Nhưng lần nào bác cũng chỉ cất lên toàn những thứ đáng vứt đi. Ngán ngẩm, bác thả lưới lần cuối cùng trong ngày.
Mẻ này, bác với được một chiếc bình to bằng đồng, miệng gắn chì bịt kín. Bác mừng lắm, tự nhủ: “Cái bình này mang ra chợ bán được khối tiền đây!”
Bác lay thử bình, thấy nặng quá. Bác nghĩ: “Ta phải mở ra xem cái gì trong đó đã!”. Bác lấy con dao loay hoay nạy được nắp bình, nghiêng bình lắc mấy cái, đổ ra đất.
Từ trong bình tuôn ra một làn khói cao ngất tầng mây và tỏa khắp mặt đất. Bác đánh cá hết sức ngạc nhiên. Khói tỏa ra miệng bình tụ lại, rung rinh biến thành con quỷ, trông thật xấu xí và dữ tợn.
Hiện nguyên hình rồi, con quỷ thét bảo bác đánh cá:
– Này tên kia, ta báo cho ngươi biết là ngươi sắp chết!
Bác đánh cá mắng ngay:
– Sao mày lại muốn cho ta chết? ta đã cứu mày ra khỏi bình kia mà?
Ảnh minh họa.
– Này tên đánh cá kia, hãy nghe chuyện ta đây. Ta vốn là một vị hung thần, vì phạm tội, bị trời phạt hóa thành quỷ, nhốt vào cái bình này rồi vứt xuống biển.
Mấy trăm năm dưới biển sau, ta chờ mong ai cứu ta, ta sẽ làm phép cho kẻ ấy được giàu sang, sung sướng. Chờ mãi, không có ai cứu, ta tức giận bèn nguyền: “Từ nay về sau, kẻ nào cứu ta, kẻ ấy sẽ bị ta giết”. Vừa dứt lời nguyền thì ngươi cứu ta. Vậy ngươi phải chết!
Nghe quỷ nói, bác đánh cá nghĩ thầm: “Ta là người, nó là quỷ. Ta có trí khôn. Vậy ta phải lấy trí khôn mới trị nó được”.
Bác bèn bảo quỷ:
– Ngươi nhất định bắt ta chết sao?
– Đúng! Ngươi phải chết!
– Vậy trước khi chết, ta yêu cầu ngươi cho ta biết rõ một điều.
– Cứ hỏi đi.
– To lớn như ngươi, làm sao lọt vào trong cái bình này được?
– Ngươi không tin ta à?
– Ta không thể nào tin được, trừ phi ta thấy tận mắt ngươi chui vào trong bình.
Quỷ bèn rũ mình, biến thành đám khói, bay đến tận trời xanh, khói tụ lại rồi tan dần dần chui hết vào trong bình. Bác đánh cá vội lấy ngay cái nắp bằng chì đậy luôn miệng bình lại.
Quỷ vội tìm cách chui ra khỏi bình nhưng không được. Nó hết lời van xin bác đánh cá. Nhưng vô ích. Bác đánh cá lại vứt cái bình xuống biển sâu. Thế là con quỷ trở lại dưới đó vĩnh viễn.
Bài học hay từ những câu chuyện cổ tích
Một số câu chuyện cổ tích ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp đặc biệt là trí thông minh của con người