Kẽm rất cần thiết cho hoạt động của hệ thống miễn dịch của cả trẻ nhỏ và người lớn, được mệnh danh là “bông hoa của sự sống”. Những người bị thiếu kẽm dễ bị nhiễm trùng, cảm lạnh và cảm cúm, đặc biệt là với trẻ em.
Khi trẻ ở giai đoạn có tốc độ tăng trưởng nhanh, nhu cầu về kẽm sẽ cao hơn cả người lớn. Nếu thiếu kẽm, trẻ sẽ biếng ăn và gầy yếu, sức đề kháng kém làm trẻ hay bị bệnh, trường hợp xấu nhất sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về cả thể chất và trí não, chưa kể nhiều hệ lụy khác.
Những dấu hiệu có thể trẻ đang thiếu kẽm
Trẻ biếng ăn và rất kén ăn
Khi trẻ thiếu kẽm, chức năng vị giác bị giảm sút khiến trẻ ăn không ngon miệng, từ đó sẽ rất biếng ăn và kén ăn. Lâu dần, thói quen này sẽ làm giảm hoạt động của men tiêu hóa của dạ dày, hệ tiêu hóa của trẻ vì vậy mà kém đi. Hệ quả là bé không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến gầy gò, suy dinh dưỡng.
Trẻ chậm tăng cân và tăng chiều cao
Biểu hiện trẻ thiếu kẽm thường thấy đó chính là chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chậm tăng trưởng chiều cao,... Chiều cao và cân nặng của trẻ có thể thấp hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Trẻ có những vết thương lâu lành, hay bị dị ứng, tóc giòn dễ gãy, móng giòn, yếu. Thiếu kẽm trầm trọng cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não.
Biểu hiện trẻ thiếu kẽm thường thấy đó chính là chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chậm tăng trưởng chiều cao,... (Ảnh minh họa)
Hội chứng Pica
Hội chứng Pica hay thèm ăn và nhai những chất không có giá trị dinh dưỡng, chẳng hạn như đá, đất sét, đất hoặc giấy, có thể do những nguyên nhân không liên quan đến bệnh lý có từ trước.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng Pica có thể do trẻ bị thiếu kẽm trầm trọng. Những biểu hiện ăn uống bất thường là triệu chứng lâm sàng của rối loạn chức năng chuyển hóa do thiếu kẽm.
Trẻ dễ bị nhiễm trùng
Cơ thể trẻ thiếu kẽm dẫn đến chức năng miễn dịch tế bào và dịch thể thấp, có thể thường gặp các bệnh nhiễm trùng tái diễn ở đường hô hấp (viêm mũi họng, viêm phế quản tái đi tái lại), viêm đường tiêu hóa, viêm da, mụn bỏng, mụn mủ, viêm niêm mạc.
Trong trường hợp nặng có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa vitamin A và gây quáng gà ở trẻ. Hệ miễn dịch của trẻ cũng yếu và dễ bị các bệnh cảm lạnh, cảm cúm, ho khi chuyển mùa...
Trẻ thường khó ngủ về đêm
Trẻ thường khó ngủ về đêm, thức giấc nhiều lần hoặc giật mình tỉnh dậy giữa đêm. Thậm chí bệnh còn có thể suy yếu hoạt động của não, mơ màng chậm chạp, hoang tưởng, mất điều hòa lời nói, rối loạn vị giác và khứu giác, chậm phát triển tâm thần vận động, khuyết tật, bại não,... cùng nhiều biểu hiện khác.
Trẻ thiếu kẽm có thể dẫn đến tình trạng thường khó ngủ về đêm, thức giấc nhiều lần hoặc giật mình tỉnh dậy giữa đêm. (Ảnh minh họa)
Những lưu ý gì khi bổ sung kẽm bằng thực phẩm cho trẻ?
Bổ sung thực phẩm chứa nhiều kẽm
Kẽm chủ yếu được tìm thấy trong hải sản và nội tạng động vật. Hàu, thịt nạc, gan lợn, cá, lòng đỏ trứng, vỏ tôm, rong biển, vừng, lạc... chứa hàm lượng kẽm cao hơn so với các loại thực phẩm thông thường.
Một số loại rau củ khác cũng chứa hàm lượng kẽm tương đối cao như củ cải, cải thảo, rau có màu sáng… thích hợp để mẹ thêm vào những bữa ăn nhằm bổ sung kẽm cho trẻ.
Cha mẹ nên chú ý rèn luyện cho trẻ thói quen ăn uống tốt, không kén ăn, biếng ăn để đảm bảo cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng. Đồng thời trong mỗi bữa ăn, mẹ nên chế biến đa dạng các loại thực phẩm để tránh tình trạng trẻ bị thiếu kẽm.
Nếu trẻ biếng ăn, mẹ có thể sử dụng máy xay để ép nước, xay sinh tố hoặc chế biến các bữa ăn phụ cho trẻ để thay đổi khẩu vị, không làm con ngán. Hơn nữa, máy xay sẽ không xay nhuyễn nguyên liệu, giữ lại nhiều chất xơ có trong sợi thực phẩm, rất có lợi cho sự phát triển của bé.
Cha mẹ nên chú ý rèn luyện cho trẻ thói quen ăn uống tốt, không kén ăn, biếng ăn để đảm bảo cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
Ăn uống đầy đủ các nhóm chất, không chỉ tăng cường kẽm
Một số bậc cha mẹ khi bổ sung kẽm cho trẻ sử dụng nhiều thực phẩm chứa nhiều chất kẽm kể trên để thay cho các món ăn thông thường.
Thế nhưng, các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra rằng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, nguồn dinh dưỡng chính là chế độ ăn hàng ngày hợp lý, không được thay thế bằng thức ăn tăng cường và bổ sung dinh dưỡng mất cân bằng, không đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ.
Đồng thời, nếu cha mẹ muốn bổ sung những thực phẩm tăng cường kẽm cho trẻ bằng đường uống, nên hỏi ý kiến bác sĩ để nắm được chính xác thể trạng của trẻ, sau đó mới cho trẻ bổ sung kẽm chính xác theo lời khuyên của bác sĩ. Sử dụng nhiều thực phẩm chứa nhiều kẽm sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ và nhiều lệ hụy khác.
Một số thực phẩm chứa nhiều kẽm, cha mẹ có thể tham khảo để bổ sung cho con. (Ảnh minh họa)
4 điều cấm kỵ khi bổ sung kẽm cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý
Không dùng các chế phẩm kẽm với sữa
Kẽm trong kẽm gluconat dễ dàng kết hợp với protein trong sữa sẽ phản ứng khiến đường ruột của trẻ khó tiêu hóa và hấp thụ. Mẹ nên cho trẻ uống sữa trước khi bổ sung chế phẩm kẽm ít nhất là 1 tiếng đồng hồ.
Canxi và kẽm không thể uống cùng một lúc
Nếu cha mẹ bổ sung kẽm và canxi cho bé cùng lúc sẽ ức chế sự hấp thu của cả hai chất. Do đó, mẹ nên căn thời gian phân chia thời điểm uống cho trẻ. Có thể bổ sung kẽm vào buổi sáng, bổ sung canxi vào buổi chiều hoặc tối trước khi con đi ngủ.
Cha mẹ không nên cho trẻ dùng các chế phẩm kẽm với sữa, mẹ nên cho trẻ uống sữa trước khi bổ sung chế phẩm kẽm ít nhất là 1 tiếng đồng hồ. (Ảnh minh họa)
Không phải bổ sung càng nhiều kẽm càng tốt
Cơ thể cần một tỷ lệ nhất định các nguyên tố vi lượng, đặc biệt là trẻ em. Hàm lượng kẽm cao trong cơ thể sẽ cản trở sự trao đổi chất bình thường của các nguyên tố vi lượng khác như sắt và đồng. Nó cũng có thể gây buồn nôn, nôn, sốt và các triệu chứng ngộ độc khác. có hại cho sức khỏe.
Theo khuyến cáo của tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), nhu cầu kẽm cho trẻ tùy thuộc vào mỗi độ tuổi, mẹ cần tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định bổ sung kẽm cho trẻ.
Xác định liều lượng bổ sung theo mức độ thiếu kẽm của trẻ
Cha mẹ nên quyết định liều lượng bổ sung và thời gian dùng thuốc theo nguyên nhân và mức độ thiếu kẽm của trẻ. Trong quá trình bổ sung kẽm cần quan sát tác dụng để kịp thời điều chỉnh phương án điều trị, tránh trường hợp trẻ bị dư kẽm. Ngoài ra, để quá trình hấp thu kẽm diễn ra thuận lợi, tốt nhất nên cho bé uống kẽm trước bữa ăn 1-2 tiếng.
Nhằm giúp cha mẹ hiểu hơn về vấn đề này, bác sĩ Lê Ngọc Hồng Hạnh, bệnh viện Nhi Đồng 2 đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cũng như cách bổ sung kẽm cho trẻ, đặc biệt với trẻ biếng ăn, cha mẹ có thể tham khảo để có cái nhìn tổng quát và thu thập thêm kiến thức hữu ích khi bổ sung kẽm cho con.
Bác sĩ Lê Ngọc Hồng Hạnh, bệnh viện Nhi Đồng 2.
Tầm quan trọng của kẽm đối với sự phát triển của trẻ như thế nào?
Kẽm là khoáng chất nhiều thứ 2 trong cơ thể, chỉ sau sắt, kẽm có mặt trong mỗi tế bào. Kẽm tham gia vào thành phần của 100 enzym khác nhau vào quá trình chuyển hóa, tiêu hóa, hoạt động thần kinh, và nhiều chức năng khác.
Kẽm giúp củng cố hệ miễn dịch, làm mau lành vết thương, bảo vệ da, chất chống oxy hóa, chống lại các tổn thương do nhiễm khuẩn và nhiễm các độc tố. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã khuyến cáo bổ sung kẽm trong phác đồ điều trị bệnh tiêu chảy để giúp cơ thể mau hồi phục. Hệ thống miễn dịch đặc biệt nhạy cảm với tình trạng kẽm của cơ thể.
Cùng với calci, kẽm thúc đẩy sự phát triển ở trẻ em và chống loãng xương ở người lớn.
Kẽm tham gia hoạt động của các tuyến nội tiết, từ đó điều hòa hoạt động của toàn cơ thể. Kẽm giúp tóc chắc khỏe, cơ bắp phát triển, làn da khỏe mạnh, tốt cho mắt, kích thích phát triển tiêu hóa, điều hòa vị giác, tăng cảm giác ngon miệng
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc bổ sung kẽm cải thiện chiều cao đối với trẻ thấp lùn và tăng cân nhanh ở trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai sẽ làm giảm cân nặng và chiều cao ở trẻ sơ sinh.
Kẽm tập trung nhiều ở hệ thần kinh, chiếm khoảng 1,5% tổng lượng kẽm trong toàn bộ cơ thể, giúp ổn định hoạt động của tế bào thần kinh, duy trì phát triển trí não, trí lực, trí nhớ và giảm lo âu căng thẳng. Nếu cơ thể được bổ sung đầy đủ kẽm, đặc biệt là ở trẻ em, sẽ giúp cho trẻ có khả năng tư duy, trí nhớ tốt.
Kẽm giúp thúc đẩy hệ miễn dịch và làm ổn định lớp màng nhầy, và khi thiếu kẽm, người bệnh dễ bị viêm phổi hơn, do đó một số chuyên gia cho rằng kẽm giúp tăng đề kháng trong tình hình dịch Covid-19 lan rộng hiện nay, tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào khẳng định vấn đề này.
Trẻ thiếu kẽm sẽ gây ra những hệ quả gì?
Vì kẽm có tầm quan trọng như vậy, nên khi thiếu kẽm, cơ thể sẽ biểu hiện ra nhiều triệu chứng ở các cơ quan khác nhau:
- Rối loạn hấp thu và chuyển hóa các nguyên tố khác, đặc biệt là canxi. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, xương dễ gãy, trẻ em chậm tăng trưởng.
Rối loạn chức năng nội tiết dẫn đến rối loạn các hoạt động và hành vi của cơ thể,
- Các tế bào miễn dịch không được củng cố, hệ miễn dịch suy giảm, thường xuyên bị bệnh
- Da, tóc bị xơ cứng, khô, thay đổi màu sắc, rụng tóc, nổi chấm trắng trên móng tay, móng giòn dễ gãy, vết thương lâu lành.
- Rối loạn tiêu hóa, mất cảm giác ngon miệng, giảm khả năng nhận biết mùi, vị
- Loét miệng.
- Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, trằn trọc, dễ thức giấc…
- Mắt yếu trong môi trường thiếu ánh sang
Những cách bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn, còi xương, chậm phát triển?
Có hai cách để bổ sung kẽm, từ thức ăn hoặc từ thuốc bổ tổng hợp. Cách tốt nhất để bổ sung khoáng chất và vitamin nói chung là từ nguồn thức ăn đa dạng và đầy đủ. Tuy nhiên đối với những trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng vì lượng thức ăn trẻ đưa vào cơ thể không đủ, phụ huynh nên hỗ trợ thêm từ thuốc bổ dinh dưỡng, dưới dạng viên, siro đơn lẻ hoặc multivitamin.
Các loại thực phẩm cần thiết để bổ sung kẽm được chia làm 2 loại:
a) Thực phẩm có chứa kẽm
b) Thực phẩm chứa các chất cần thiết để giúp hấp thu kẽm tốt hơn (vitamin A, B6, C và photpho) như rau chân vịt, cà rốt, trứng gà, bí đỏ, khoai lang…
Một số thực phẩm có chứa nhiều kẽm cha mẹ có thể bổ sung cho con như:
- Thịt là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày và cũng là nguồn cung cấp kẽm lớn nhất, đặc biệt là thịt bò, thịt lợn, thịt gà tây, thịt cừu… Thịt heo, bò, cừu chứa nhiều kẽm hơn cá, thịt gà có màu nâu có nhiều kẽm hơn thịt trắng
- Các loại hải sản có vỏ như hàu, trai, tôm, cua… cũng là nguồn bổ sung kẽm dồi dào, đặc biệt là hàu, lượng kẽm cao gấp 4-5 lần các thực phẩm khác.
- Các loại hạt (hạt bí, hạt điều, mè...), các loại đậu (đậu gà, đậu hà lan, đậu lăng…), lúa mì, men, ngũ cốc nguyên hạt… cũng là nguồn cung cấp kẽm và các chất bổ khác.
- Kẽm trong rau và trái cây không thích hợp để cơ thể sử dụng, vì vậy người ăn ít đạm và người ăn chay cần bổ sung thực phẩm chức năng có chứa kẽm. Tuy nhiên rau củ quả chứa nhiều vitamin khác cần thiết cho sự phát triển toàn diện.
- Sữa và yogurt, phô mai cũng chứa một lượng nhỏ kẽm, sữa bò chứa lượng kẽm nhiều hơn sữa mẹ, tuy nhiên kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn. Sữa đậu nành chứa ít kẽm hơn sữa động vật.
Nên bổ sung kẽm cho trẻ trong bao lâu, liều lượng thế nào? Những điều cấm kỵ khi bổ sung kẽm cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý gì?
Đối với bệnh nhân bị tiêu chảy cấp, kẽm được bổ sung liều cao trong vòng 2 tuần.
Đối với người bình thường, kẽm cần được bổ sung lượng cần thiết mỗi ngày. Đặc biệt là trẻ em suy dinh dưỡng, người ăn chế độ ít đạm và ăn chay. Nhưng có vài điều cần lưu ý khi bổ sung kẽm:
- Tránh bổ sung quá liều, cơ thể thừa kẽm cũng dẫn đến nhiều tình trạng bệnh lý, đặc biệt là gây cạnh tranh sự hấp thu các nguyên tố quan trọng khác như đồng, canxi, sắt. Bổ sung dư kẽm có thể gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.
- Bổ sung kẽm không cùng với calci, vì vậy nên uống kẽm cách lần uống calci khoảng 1-2 giờ.
- Biện pháp tốt nhất để bổ sung kẽm là thông qua bữa ăn đa dạng mỗi ngày.