Theo Joseph F, giáo sư Khoa Nhi tại Đại học Y khoa Larner thuộc Đại học Vermont, Burlington, khẳng định: Không bao giờ là quá sớm để học cách cho đi. Trong những năm đầu đời của trẻ, cha mẹ nên là người giúp trẻ hình thành và phát triển đạo đức của con.
Cha mẹ nên giúp con trẻ biết cách chia sẻ những may mắn của mình đến với những người kém may mắn khác, đó là bài học đầu đời quan trọng nhất mà cha mẹ cần dạy trẻ. Dưới đây là một số ý tưởng, việc làm phù hợp với từng độ tuổi mà các chuyên gia đề xuất để cha mẹ có thể áp dụng cho con.
Ảnh: Parents
Trẻ từ 2 - 4 tuổi
- Mẹ có thể cùng con hái những bông hoa trong vườn hay những bông hoa dại, bó chúng lại và tặng nó cho một người bạn của con, một thành viên trong gia đình hoặc một người hàng xóm trong một dịp đặc biệt như sinh nhật, hay đơn giản là để động viên họ.
- Hãy thường xuyên nhắc và khuyến khích con nếu thấy một bạn đang chơi một mình, hãy yêu cầu chơi cùng bạn.
- Cùng con tìm và chọn ra những loại thực phẩm, món ăn đóng hộp và gói chúng mang đến những ngân hàng thức ăn cho người nghèo.
- Cùng trẻ phân loại đồ tái chế và nhờ con bỏ chúng vào các thùng tái chế riêng biệt. Đây là cơ hội tốt để bước đầu dạy trẻ về việc phân biệt các loại rác thải nào có thể tái chế và loại nào không.
- Đặt một lọ tiền xu trong phòng của bé và cho bé bỏ tiền lẻ vào lọ để tiết kiệm. Khi lọ đã đầy tiền, cha mẹ hãy cùng con chọn mua một món quà để tặng cho một người bạn thân hay mua một thứ gì đó cần thiết cho những người khó khăn.
- Cha mẹ cũng có thể cho làm những tấm thiệp cảm ơn đơn giản và mang chúng tặng cho những người xứng đáng như như cô lao công trong trường, bất kỳ ai trên đường phố hay dành cho những cựu chiến binh khi có dịp.
Mẹ có thể dạy trẻ phân loại đồ tái chế và nhờ con bỏ chúng vào các thùng tái chế riêng biệt.
Trẻ từ 5 - 7 tuổi
- Với các bé gái hay những bé trai để tóc dài, khi con cắt tóc, mẹ có thể hỏi ý con xem con có muốn quyên góp tóc không. Hiện nay, tại Việt Nam, đã có một số tổ chức nhận tóc hiến tặng cho các bệnh nhân ung thư. Cha mẹ có thể hỏi ý con và xem kỹ những tiêu chuẩn tặng tóc của các tổ chức để có thể giúp con hiến tặng tóc.
- Cho con một chiếc hộp để chứa những món đồ chơi mà trẻ không còn chơi nữa. Cha mẹ có thể cùng con mang những món đồ chơi này quyên góp cho những trại mồ côi, những câu lạc bộ tình nguyện vì trẻ em tại địa phương,...
- Tham khảo các ý tưởng làm đồ chơi cho chó, mèo trên Internet và cùng con thực hiện. Với những món đồ chơi cho động vật này, cha mẹ có thể sử dụng cho các chú cún hay mèo hoang, có thể cùng con mang đến những trung tâm vì động vật tại địa phương,...
- Cho con chọn một tổ chức tình nguyện ở địa phương. Sau đó, cha mẹ hãy giúp con bán một món hàng nào đó để gây quỹ. Trẻ có thể mang đồ ăn để bán cho bạn trong lớp hay những người hàng xóm, rồi dùng số tiền đó để quyên góp cho tổ chức mà con đã chọn.
Dạy con cách chia sẻ bằng việc quyên góp quần áo hoặc sách cũ cho các hội từ thiện.
- Thu thập sách cũ và giúp trẻ xây dựng một thư viện cho trẻ em ngay tại nhà của mình. Với những quyển sách này, trẻ có thể chia sẻ và trao đổi với bạn bè, hàng xóm của chúng. Cha mẹ cũng có thể đưa con mang sách đến những thư viện công cộng để quyên góp sách.
Trẻ từ 8 tuổi - 12 tuổi
- Cho con tham gia các hoạt động vệ sinh, dọn dẹp công viên hay bãi biển do địa phương hoặc trường, lớp tổ chức. Cha mẹ có thể cùng con tham gia hoặc để con tham gia cùng bạn bè.
- Khuyến khích con quyên góp quần áo và đồ dùng cá nhân cho các tổ chức tình nguyện, các tổ chức hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi thiên tai,... Đồng thời, cha mẹ cũng có thể khuyến khích con vận động bạn bè và người thân cùng tham gia.
- Cha mẹ cũng có thể giúp con trồng cây hay hoa trong các khu vực công cộng, hoặc tham gia các chiến dịch trồng cây của trường hay địa phương.
Mẹ cùng con tham gia ngày hội trồng cây, ngày hội vì môi trường cũng là phương pháp hay dạy con biết chia sẻ.