Vàng da là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, hiện tượng này nếu nhẹ thường biến mất sau 1-2 tuần sau sinh nhưng có trường hợp kéo dài hơn do các bệnh lý nguy hiểm về gan.
Vậy cha mẹ nên làm gì nếu con trẻ gặp phải tình trạng vàng da? Dưới đây là những thông tin hữu ích, các bậc phụ huynh có thể tham khảo.
Biểu hiện vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?
Vấn đề vàng da ở trẻ sơ sinh chủ yếu là do hồng cầu trong máu của bé bị vỡ ra dưới tác động của áp suất không khí khiến bilirubin phân ly trong cơ thể bé, vì vậy để cải thiện triệu chứng này cần phải cải thiện quá trình chuyển hóa của trẻ.
Đối với người bình thường bilirubin sẽ được gan chuyển hóa nhưng chức năng gan của trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện nên những bilirubin này gan không thể xử lý kịp, chỉ có thể chuyển hóa qua đường bài tiết.
Vàng da là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, hiện tượng này nếu nhẹ thường biến mất sau 1-2 tuần sau sinh.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh vàng da là màu vàng ở da và mắt trẻ. Màu vàng có thể bắt đầu trong vòng 2-4 ngày sau khi sinh và có thể bắt đầu ở mặt trước khi lan xuống khắp cơ thể.
Mức độ bilirubin thường đạt đỉnh trong khoảng từ 3 đến 7 ngày sau khi sinh. Khi dùng một ngón tay ấn nhẹ vào da trẻ, khiến vùng da đó có màu vàng, thì có thể là dấu hiệu của bệnh vàng da.
Hầu hết các trường hợp vàng da là bình thường, nhưng đôi khi vàng da có thể chỉ ra những bệnh khác. Vàng da nặng cũng làm tăng nguy cơ bilirubin đi vào não, có thể gây tổn thương não vĩnh viễn.
Một số hiểu lầm thường gặp về bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh
Ăn thực phẩm màu vàng dễ bị vàng da
Nhiều bà bầu cho rằng trẻ sơ sinh bị vàng da có thể liên quan đến việc ăn uống các thực phẩm màu vàng khi mang thai, ví dụ như cam, bưởi,… nên nhiều bà bầu sẽ không chịu ăn một số thực phẩm có màu vàng như trên.
Thực tế, vàng da của trẻ không liên quan gì đến chế độ ăn uống khi mang thai, hàm lượng vitamin trong các loại quả thông thường có màu vàng này tương đối cao, ăn nhiều sẽ có lợi cho sự phát triển của thai nhi.
Trong một vài trường hợp đặc biệt, trẻ sơ sinh bị vàng da kéo dài có thể ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí tuệ sau này.
Vàng da ở trẻ sơ sinh có liên quan đến chế độ sinh hoạt của mẹ bầu
Nhiều người cho rằng nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh chủ yếu liên quan đến thái độ của thai phụ, vì khi mang thai, tốc độ trao đổi chất của thai phụ bị ảnh hưởng ở một mức độ nhất định.
Việc này sẽ khiến một số chất độc tích tụ trong cơ thể, trong khi bé đang hấp thụ chất dinh dưỡng thì đồng thời những chất độc này cũng ngấm vào cơ thể khiến bé bị vàng da. Vì vậy, để thoát khỏi tình trạng nhiễm độc thai nghén, nhiều bà bầu thường ăn trứng ngỗng khi mang thai, vì nhiều người ta nói ăn trứng ngỗng có lợi cho việc thải độc thai nhi.
Thực tế trong y học chưa kiểm chứng về vấn đề này, đây chỉ là kinh nghiệm của dân gian đúc kết lại, chưa có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, ăn trứng ngỗng khi mang thai quả thực rất có lợi cho sự phát triển của thai nhi, vì hàm lượng dinh dưỡng trong trứng ngỗng cũng khá cao.
Để giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn nguyên nhân cũng như tình trạng bệnh vàng da ở trẻ, bác sĩ Nguyễn Khôi - Bệnh viện Đại học Y Dược Cơ sở 2 sẽ có những giải đáp hữu ích xung quanh vấn đề này.
Thưa bác sĩ, vàng da sơ sinh gì? Vì sao một số trẻ sơ sinh có hiện tượng vàng da?
Vàng da sơ sinh là vấn đề thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ non tháng và được định nghĩa: “Vàng da sơ sinh là sự gia tăng quá mức của bilirubin (còn gọi là sắc tố mật) trong máu, biểu hiện bởi vàng da, mắt, niêm mạc và móng”.
Khác với người lớn, vàng da ở trẻ sơ sinh quan sát được khi mức Bilirubin trong máu > 5mg/dl. Khi nói đến Bilirubin (hay sắc tố mật) thì người ta chia ra làm 2 loại: bilirubin trực tiếp và bilirubin gián tiếp, và đa số phần lớn trẻ sơ sinh bị vàng da là do tăng số lượng bilirubin gián tiếp trong máu.
Vàng da sơ sinh xảy ra khoảng 50% trẻ đủ tháng và có đến 80% trẻ non tháng bị vàng da trong tuần đầu đời, nhưng may mắn thay là vàng da sơ sinh chủ yếu là do sinh lý hay vàng da nhẹ.
Vậy có vàng da nặng không? Tất nhiên là “có”, vàng da có nhẹ thì sẽ có nặng và vàng da nặng chiếm khoảng 6% trẻ đủ tháng và tỷ lệ vàng da nặng ở trẻ non tháng cũng cao hơn trẻ đủ tháng.
Vì sao trẻ bị vàng da?
Để trả lời câu này thì ta phải tìm hiểu một ít về sinh lý chuyển hóa Bilirubin.
Ở người bình thường, tế bào hồng cầu (hay còn gọi là tế bào máu) có đời sống là 120 ngày (ở trẻ sơ sinh thì con số này nhỏ hơn). Sau khi tế bào hồng cầu hết hạn sử dụng thì sẽ vỡ ra, chúng sẽ phóng thích ra hemoglobin (hay còn gọi là huyết sắc tố), tiếp theo sau là một loại các chuyển hóa thì chất Bilirubin gián tiếp sẽ được tạo ra.
Sau khi bilirubin gián tiếp (chất gây vàng da ở trẻ sơ sinh) được tạo ra, chúng sẽ được mang đến gan và tiếp tục chuyển hóa đế tạo ra một dạng Bilirubin trực tiếp mới được thải ra ngoài.
Tuy nhiên, khi Bilirubin thải ra đường ruột sẽ cần phải có một hệ vi sinh từ ruột để chuyển hóa tiếp ra các dạng khác để thải ra phân và nước tiểu.
Tóm lại, quá trình chuyển hóa từ tế bào hồng cầu đến Bilirubin là khá dài hơi và phức tạp nên một khi trẻ sơ sinh với một thể trạng chưa hoàn chỉnh thì dễ gặp phải những cản trở và khó khăn khi thực hiện quá trình này, đó là lý do trẻ sơ sinh bị vàng da.
Nhìn chung, vàng da sơ sinh xét về mặt sinh bệnh học người ta có thể phân ra, một là do tăng sản xuất bilirubin quá mức, hai đó là sự thải trừ Bilirubin bị giảm đáng kể.
Tại sao sau khi sinh ra, có trẻ sơ sinh bị vàng da, có trẻ không bị vàng da?
Mỗi trẻ được tạo hóa sinh ra là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai. Chính vì lý do đó chúng ta thấy rằng mỗi trẻ sẽ có mức độ chuyển hóa các chất khác nhau, nhóm máu khác nhau, non tháng – đủ tháng khác nhau, sinh thường - sinh can thiệp, …
Để lý giải dễ hiểu hơn, người ta đã xếp những trẻ thuộc nhóm sau đây dễ có nguy cơ vàng da hơn so với những trẻ khác và cần theo dõi sát sau sinh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời:
- Những trẻ mà trước đó có anh chị sau khi sinh bị vàng da cần phải điều trị chiếu đèn
- Trẻ sinh ra không khóc mà cần phải hỗ trợ khóc và thở (hay còn gọi là trẻ bị ngạt).
- Những trẻ có lượng đạm trong máu thấp hơn < 3g/dl, đa số các trẻ này xuất phát từ bà mẹ mang bầu có thai nhi chậm tăng trưởng, hay bà mẹ sinh bé ra khi còn non tháng.
- Trẻ bú kém, trẻ bị hạ đường máu, trẻ bị nhiệt độ cơ thể thấp .
- Trẻ bị thiếu men G6PD bẩm sinh, thiếu men này làm cho tế bào hồng cầu dễ bị vỡ gây ra vàng da nhiều.
- Trẻ có nhóm máu khác với nhóm máu mẹ, ví dụ mẹ có nhóm máu O, nhưng con lại có nhóm máu A.
- Trẻ sinh ra bằng các biện pháp can thiệp như sinh hút, sinh kiềm
- Trẻ con của bà mẹ mắc phải bệnh lý như tiểu đường, bệnh tuyến giáp…
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy bé sinh ra hoàn toàn bình thường không có nguy cơ gì cả nhưng trẻ vẫn bị vàng da. Đó là những trường hợp vàng da nhẹ hay vàng da sinh lý không cần điều trị gì, sau 1 – 2 tuần thì tình trạng vàng da của bé sẽ tự khỏi.
Trẻ sơ sinh bị vàng da là biểu hiện của bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Chúng ta biết rằng hầu hết các trường hợp vàng da ở trẻ sơ sinh là vàng da sinh lý hay vàng da nhẹ và tự khỏi. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ hiểu biết đến chừng mực đó thôi là chưa đủ vì ngoài vàng da sinh lý hay vàng da nhẹ ra, trẻ sơ sinh vàng da do mắc phải vấn đề về sức khỏe hay vàng da bệnh lý.
Một khi trẻ sơ sinh bị vàng da bệnh lý thì cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nếu không có khả năng sẽ chuyển thành vàng da nhân tức vàng da đến mức tổn thương não và các cơ quan khác.
Vậy thì, vàng da sinh lý là gì? Vàng da bệnh lý và vàng da nhân là gì?
Vàng da sinh lý hay vàng da nhẹ: là do sự chuyển hóa bilirubin ở những trẻ sơ sinh bình thường dẫn đến gia tăng các sản phẩm bilirubin, giảm thải bilirubin, và tăng sự hấp thu Bilirubin tại ruột. Để nhận biết trẻ này có phải vàng da sinh lý hay không thì các bạn dựa vào các đặc điểm sau đây:
Sau sinh, trẻ xuất hiện vàng da sau 24 giờ tuổi.
Mức độ vàng da của bé ngày càng tăng và nhiều nhất vào ngày tuổi thứ 4-5.
Mức vàng này sẽ giảm dần từ ngày tuổi thứ 7-10 và mất sau 14 ngày tuổi.
Khi bạn mang trẻ đi khám thì nhân viên y tế sẽ kiểm tra mức Bilirubin trong máu thường sẽ dưới 15 mg%
Đối với các trường hợp vàng da sinh lý thì trẻ không cần phải nhập viện điều trị
Vàng da bệnh lý: ngược với vàng da sinh lý, vàng da bệnh lý tức trẻ cần phải điều trị. Trẻ sơ sinh vàng da với các đặc điểm khác biệt so với vàng da sinh lý, cụ thể như sau:
Ngay sau sinh, trẻ xuất hiện vàng da trong vòng 24 giờ đầu
Tình trạng vàng da của bé vẫn còn sau 14 ngày tuổi.
Ngoài vàng da ra, trẻ còn có hiện tượng đi phân bạc màu như phân con cò, hay nước tiểu đậm màu như nước trà đậm.
Khi đo mức bilirubin trong máu cho kết quả thường lớn hơn > 15 mg% hay còn gọi là có chỉ số Bilirubin bất thường.
Những bệnh lý có thể gây vàng da ở trẻ sơ sinh bao gồm: Vàng da do bất đồng nhóm máu mẹ con; Vàng da do nhiễm trùng. Vàng da do xuất huyết như trong trường hợp sinh khó, bắt bé ra bằng giác hút hay bằng kiềm; Vàng da do bệnh lý tế bào máu bẩm sinh dễ vỡ; Vàng da do bé bị thiếu men G6PD; Vàng da do tắc mật bẩm sinh…
Vậy, Vàng da nhân là gì? Là biến chứng nặng nhất của vàng da sơ sinh, còn gọi bệnh não do vàng da. Vàng da nhân là do chất vàng da (Bilirubin) tăng cao quá mức dẫn đến xâm nhập và gây ngộ độc thần kinh ở vùng nhân nền và cuống não. Dù hiếm xảy ra nhưng ít nhất 10% tử vong và > 70% tàn tật. Biểu hiện của vàng da nhân gồm các đặc điểm sau:
- Giai đoạn cấp tính: trẻ li bì, bú kém, giảm trương lực cơ, co giật.
- Giai đoạn lâu dài: liệt, bại não, chậm phát triển trí tuệ.
Hiện tại, điều trị vàng da sơ sinh bao gồm những biện pháp gì? Việc ăn uống của mẹ có ảnh hưởng gì đến vàng da ở trẻ sơ sinh không?
Như chúng ta biết, trẻ vàng da sinh lý là không cần điều trị nhưng đối với vàng da bệnh lý, thì mục tiêu điều trị chính là làm sao giảm mức bilirubin máu và ngăn ngừa cho được vàng da nhân. Về các biện pháp điều trị, chúng được chia ra làm 3 việc sau:
Biện pháp nhằm ngăn ngừa vàng da: cho ăn sớm, đủ lượng nhu cần, tránh mất nước,
Biện pháp làm giảm bilirubin máu:
Rọi đèn hay chiếu đèn: Ta dùng ánh sáng có độ quang phổ và bước sóng thích hợp để chiếu hay rọi cho bé. Đây là biện pháp hữu hiện, an toàn nhất cho trẻ cho đến nay.
Thay máu: Tức là rút máu bé ra bỏ và bơm vào thể tích máu mới tương ứng. Đây là biện pháp xâm lấn và nhiều nguy cơ, dùng cho những trẻ vàng da nặng, vàng da nguy cơ vàng da nhân.
Truyền Immunoglobulin: Tức là truyền kháng thể miễn dịch nhằm làm giảm vàng da nặng và giảm vàng da phải thay máu.
Ngăn ngừa hạ đạm/máu: Chúng ta biết đạm trong máu như là những chiếc xe tải chở chất vàng da (Bilirubin) đến gan để chuyển hóa và thải trừ. Nên, dinh dưỡng thai kỳ hợp lý để thai nhi có lượng hợp lý và sau sinh truyền đạm cho bé nếu như xét nghiệm cho thấy thiếu đạm trong máu.
Như trên đã trình bày, thì việc ăn uống của mẹ sẽ giúp ngăn ngừa vàng da và ngăn ngừa giảm đạm trong máu. Trong giai đoạn trước sinh cũng như sau sinh phải luôn đảm bảo nguồn dưỡng chất hợp lý cho thai nhi cũng như trẻ sau sanh.
Nếu mẹ kiêng cữ, chỉ ăn cơm với thịt ram mặn hoặc tôm rang khô không dám ăn thức ăn giàu đạm, chất béo các loại trái cây thì thật sự là điều nên tránh vì như thế mẹ còn không đủ chất chứ chưa bàn gì đến việc trị bệnh vàng da cho con.
Các bữa ăn phải đủ dinh dưỡng, ăn nhiều đồng nghĩa với việc tốt cho sức khỏe cả hai mẹ con, giúp trẻ khỏe mạnh.
Ăn đa dạng 4 nhóm thức ăn: Hầu hết các bác sĩ sản khoa đều khuyên sản phụ nên ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu dinh thường thuộc 4 nhóm chất:
- Nhóm chất bột đường
- Nhóm chất đạm
- Nhóm chất béo
- Nhóm vitamin và khoáng chất
Ăn thêm trái cây: Sau mỗi bữa ăn mẹ có thể ăn thêm các loại trái cây theo mùa như dưa hấu, bưởi, chuối, đu đủ, thăng long, bơ, dứa, táo, dưa leo…, là những thức ăn có lượng cho hệ tiêu hóa và hệ tiết niệu.
Một khi mẹ không bị táo bón thì trẻ cũng sẽ đi tiêu và đi tiểu bình thường thì cũng đã giúp ích rất nhiều trong việc thải trừ Bilirubin. Ngoài ra, những loại trái cây này còn giúp cân bằng độ pH trong cơ thể mẹ tạo điều kiện cho quá trình tiết sữa nuôi con diễn ra hiệu quả.
Bổ sung các loại rau xanh lá: Rau xanh giàu vitamin, khoáng chất và là thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của phụ nữ mang thai. Khi trẻ bị vàng da, mẹ cần đặc biệt lưu ý hơn những thức ăn có chứa nhiều loại vitamin như rau lá xanh trong thực đơn mỗi ngày.
Một số loại rau thông dụng như cải xoăn, bắp cải, mồng tươi, rau đay, rau dền, cải xoong, bông cải xanh… Ngoài ra còn có, ăn nhiều sả, rong biển cũng giúp nguồn sữa mẹ dồi dào, chất lượng hơn nên mang lại hiệu quả trong thải trừ cho bé trong giai đoạn vàng da.
Uống nhiều nước: Duy trì việc uống 8 ly nước mỗi ngày (tương đương 2 – 2,5 lít nước) để thanh lọc cơ thể, giúp sữa về nhiều hơn. Trẻ bị vàng da cần tăng cường bú mẹ để cơ thể nhanh phát triển, ngoài giúp ích cho việc thải trừ vàng da còn bổ sung kháng thể chống lại các bệnh tật khác.
Uống trà thảo dược: Chỉ nên sử dụng trong giai đoạn sau sinh. Uống trà thảo dược không chỉ giúp sản phụ thải hết sản dịch mà còn giúp giải độc cơ thể, mát gan, giảm mỡ máu, tăng tiết sữa. Một số loại trà thảo dược thông dụng như trà hoa cúc, trà atisô, trà mật ong và chanh, trà gừng, trà cam thảo và táo gai…
Cha mẹ cần lưu ý gì khi chăm sóc và theo dõi trẻ trong giai đoạn bị vàng da? Khi nào cho trẻ tái khám?
Trẻ sơ sinh rất non yếu và dễ bị tổn thương nên bạn cần có kiến thức giúp trẻ dễ thích nghi và hạn chế những nguy cơ tiềm tàng gây hại cho bé. Những thực hành chăm sóc đúng cho bé bao gồm:
- Bảo vệ thân nhiệt hay giữ ấm cho trẻ
- Rửa tay khi chăm sóc trẻ
- Giữ phòng sạch sẽ, đủ ánh sáng và tránh khói bụi, gió lùa.
- Tránh nơi đông người
- Bú mẹ tích cực
- Cho trẻ nằm đầu hơi cao và nghiêng 1 bên tránh hít sặc
- Không để trẻ một mình
- Để rốn hở giúp rốn mau khô
- Thường xuyên thay tã
- Biết lịch chủng ngừa và mang trẻ đi chủng ngừa đúng lịch
- Khi trẻ phải dùng thuốc, hiểu được thuốc gì và uống ra sao
- Nhận biết được dấu hiệu bệnh nặng cần cho trẻ đi khám ngay
- Khi cần người khác chăm sóc trẻ thì phải biết chắc họ biết cách chăm sóc trẻ.
Đối với trẻ vàng da, bạn cần theo dõi các vấn đề sau kỹ hơn:
- Phơi nắng mỗi sáng để quan sát màu da trẻ, xem vàng da của trẻ tăng hay giảm cũng như giúp trẻ có nhiều Vitamin D
- Việc bú sữa mẹ tích hay dinh dưỡng đầy đủ giúp trẻ thải trừ vàng da tốt hơn
- Tình trạng phân và nước tiểu của bé: nếu phân bạc màu và nước tiểu sậm màu cần mang trẻ đi khám ngay
Khi nào bố mẹ cần mang trẻ đi khám:
- Khi bố mẹ nghi ngờ bé vàng da nên cho trẻ đi khám ngay
- Vàng da xuất hiện sớm trước 24 giờ tuổi
- Vàng da tăng dần hay vàng da đến lòng bàn tay, bàn chân.
- Vàng da kéo dài hơn 14 ngày
- Vàng da kèm bú yếu hay bỏ bú
- Bé có bất kỳ dấu hiệu nào làm bố mẹ lo lắng.