10 năm sau ngày đón thành viên nhí đầu tiên của gia đình, vợ chồng Thanh Thúy – Đức Thịnh mới lại được trải qua cảm giác hạnh phúc vỡ òa lần nữa khi cậu con trai thứ 2 cất tiếng khóc chào đời. Mặc dù Thanh Thúy sinh con ở tuổi U40 nhưng bé Thiên Phú (biệt danh ở nhà là Cu Tết) sinh ra trộm vía nặng hơn 4kg, khỏe mạnh và cứng cáp.
Cu Tết năm nay 3 tuổi, trộm vía bụ bẫm, đáng yêu.
Đến nay, cu Tết đã được hơn 3 tuổi, nhóc tì có gương mặt tròn trịa, bầu bĩnh và được nhiều người nhận xét là nhặt được hết những nét đẹp của cả bố lẫn mẹ. Mặc dù phát triển tốt về thể chất nhưng cu Tết lại khiến bố mẹ vô cùng lo lắng vì đã 3 tuổi nhưng em vẫn chưa chịu nói nhiều.
Phát triển tốt về thể chất nhưng đến nay cu Tết vẫn chưa biết nói.
Chia sẻ về chứng chậm nói của con trai, đạo diễn “trăm tỷ” Đức Thịnh thành thật kể: “Bé 3 tuổi rồi nhưng chưa nói được từ nào có nghĩa cả. Lúc con hơn 2 tuổi mình phát hiện con khó khăn trong việc giao tiếp bằng ngôn ngữ và sau đó đưa con đi khám thì bác sĩ cũng nói con đang có vấn đề về rối loạn giấc ngủ gây ra khó khăn trong biểu đạt cảm xúc. Tất cả điều này đều từ việc bé bị chậm nói mà ra”.
Mẹ Thúy rất chịu khó dạy con tập nói nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Được biết, trước đây bé Cà Phê – anh trai của cu Tết cũng từng bị chứng chậm nói. Nhưng vấn đề của cu Tết có phần nghiêm trọng hơn bởi chứng chậm nói còn gây ảnh hưởng đến cả tâm lý.
Trong cuộc sống hàng ngày, khi nghe bố mẹ hay người khác nói chuyện, cu Tết thường dùng hành động để giao tiếp lại thay vì lời nói. Việc cu Tết thường xuyên thể hiện nhu cầu hay cảm xúc bằng hành động cũng gây ra những khó khăn trong sinh hoạt đời thường, khiến bố mẹ liên tục phải đoán ý cậu nhóc. Ví dụ như khi cậu bé níu chân bố mẹ là lúc bé muốn đi vệ sinh. Bé ôm siết chặt là nhớ mẹ, yêu mẹ…Phải là người thường xuyên chăm sóc và tinh ý mới có thể biết đoán biết được ý muốn của bé.
Cu Tết thường xuyên dùng hành động để biểu đạt thay cho lời nói.
Lo lắng cho con nên mỗi khi ở bên cạnh cu Tết, mẹ Thanh Thúy đều tranh thủ dạy con tập nói. Trên trang cá nhân, nữ diễn viên đăng tải rất nhiều clip Thanh Thúy dạy cu Tết nói “Mẹ” nhưng đến nay nhóc tì vẫn chưa cất tiếng gọi.
Đến nỗi mẹ bỉm còn phải tếu táo “treo thưởng” rằng: “Cu Tết gọi mẹ đi, mẹ nhảy lên ăn mừng liền”. Mà cậu nhóc vẫn “dửng dừng dưng”. Hết treo thưởng lại chuyển sang kế “dọa dẫm”, thậm chí van xin: “Con gọi mẹ đi! Con gọi mẹ nhá”. Dù làm đủ kiểu nhưng cu Tết vẫn nhất định không chịu gọi "Mẹ". Mặc dù vô cùng kiên nhẫn nhưng nữ diễn viên cùng đành phải thốt lên rằng: “Cuộc chiến gọi mẹ đúng là không hồi kết”.
Anh trai Cà Phê cũng thường xuyên tương tác, chơi cùng với em.
Cả gia đình đều nỗ lực mong cu Tết sớm biết nói.
Để giải quyết chứng chậm nói của con, ba Đức Thịnh cho rằng: "Cu Tết bị rối loạn cảm xúc nên còn nhiều nỗi lo trong lòng, mình phải giải toả những điều đó cho con và con sẽ nói được". Vợ chồng nghệ sĩ chia sẻ họ cũng đã bế con chạy chữa khắp nơi từ bệnh viện Nhi đồng tới trung tâm bác sĩ tâm lý, tuy nhiên các bác sĩ đều khuyên bố mẹ cứ bình tĩnh không nên nóng vội.
Tới thời điểm hiện tại, cu Tết mới chỉ gọi được một tiếng "Ba", ngoài ra chưa phát âm được từ nào có nghĩa. Tuy nhiên Thanh Thúy cũng không ghen tỵ với chồng mà cảm thấy hạnh phúc khi con đã biết gọi "ba". "Thúy còn nhớ là sau đêm đó (đêm Tết biết gọi ba - PV), anh Thịnh gọi điện thoại kể lại mà cứ nghĩ là anh ấy nói xạo (cười). Đến khi phát sóng tập đó, Thúy mới bị sốc thật sự luôn xen lẫn những cảm xúc khó nói lắm chứ không có ghen tị với ông xã (cười). Mình nghĩ không biết có phải là người ta hay gọi trẻ bị "khủng hoảng tuổi lên 3" không? Hiện giờ, ở nhà bé cũng chậm nói lắm, mình kêu "Ạ!" thì chỉ khoanh tay gật đầu hoặc vẫn chỉ chịu nói 1 chữ "Cha!" thôi, nhất quyết không gọi "Mẹ!"
Con trai chậm nói hơn so với bạn bè cùng trang lứa nhưng vợ chồng Thanh Thúy cũng không quá vội vàng ép buộc bé. Thay vào đó, quan điểm của nữ diễn viên là để bé phát triển tự nhiên, bên cạnh đó gia đình chỉ tăng cường trò chuyện và dạy con tập nói nhiều nhất có thể.
"Thúy có hỏi rất nhiều bạn bè xung quanh nguyên nhân của con mình để nhờ họ chia sẻ kinh nghiệm, rồi dẫn bé đi bác sĩ khắp nơi. Từ bệnh viện Nhi đồng tới trung tâm bác sĩ tâm lý, đều khuyên cứ bình tĩnh không nóng vội, hạn chế con xem tivi, dẫn con đi dạo chơi và tương tác nhiều hơn với bé. Thúy đều làm hết nhưng rồi bé vẫn chưa khá lên nhiều, hi vọng thời gian sau, bé sẽ có những thay đổi tốt hơn, đó là điều mình mừng nhất (cười)".
Và hiện tại cả hai vợ chồng Thanh Thúy - Đức Thịnh đều đang nỗ lực từng ngày với hy vọng thời gian sau bé có những thay đổi tốt hơn.
Trường hợp các bé chậm nói như bé Tết cũng không phải hiếm gặp. Để các con tập nói nhanh và chuẩn, cha mẹ cũng cần lưu ý: Nói chuyện, nói chuyện, nói chuyện Cha mẹ hãy nói chuyện với con hàng ngày, ngay cả khi con chưa biết nói. Cha mẹ có thể nói với con những điều giản đơn nhất, ví dụ như "Bây giờ chúng ta sẽ đi tắm, tắm xong chúng ta sẽ cùng đi bộ nhé!”. Đọc, đọc, đọc Không bao giờ là quá sớm để đọc cho con nghe những câu chuyện cổ tích. Khoảng thời gian cha mẹ đọc sách cho con sẽ có thể tạo ra một nhân tố tài năng trong tương lai. Có thể bắt đầu bằng những quyển sách đơn giản, những cuốn truyện tranh và những câu chuyện dài hơn khi con lớn thêm một chút. Từ đây, tình yêu của con với sách cũng dần được hình thành. Cha mẹ cũng có thể xây dựng các câu chuyện phức tạp với các nhân vật, tình tiết mâu thuẫn, phiêu lưu và một kết thúc có hậu để kể cho con nghe. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng những câu chuyện phù hợp với sở thích của con và không quá đáng sợ đối với trẻ nhỏ. Cùng con nghe nhạc Trẻ nhỏ rất yêu âm nhạc và các hoạt động khác. Những bài hát sống động sẽ giúp con tìm hiểu về thế giới xung quanh và làm quen với tính nhạc của ngôn ngữ. Làm theo chỉ dẫn của con Nếu con bạn tỏ ra thích thú với một bức tranh trong một cuốn sách nào đó, hãy dẫn dắt và nói với con về bức tranh ấy. Nếu con bị thu hút bởi một chiếc thuyền, cha mẹ hãy nói cho con nghe về những chiếc thuyền. Thậm chí, bạn có thể ghi âm lời nói và mở lại cho con nghe. Không bao giờ chỉ trích cách phát âm hay cách diễn đạt của con Thay vì chỉ trích khi con phát âm hay diễn đạt chưa đúng, cha mẹ có thể lặp lại các nhận định của mình với con bằng cách phát âm chính xác hoặc sử dụng từ phù hợp để con nghe và làm theo. Và quan trọng nhất là hãy cho con thật nhiều lời khen ngợi cho những điều con đã nỗ lực làm được. Trên đây là một vài cách mà các bậc cha mẹ có thể áp dụng trong quá trình dạy con học nói. Những phương pháp này được các chuyên gia đánh giá là có hiệu quả và hữu ích rất lớn giúp trẻ không chỉ nhanh biết nói, nói đúng mà còn nói với nhiều từ ngữ đa dạng và ý nghĩa. |