Đứng giữa sự nghiệp và làm mẹ, không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để có thể lựa chọn, nhất là đối với người hoạt động nghệ thuật như tôi. Thế nhưng, 3 năm trước tôi đã chọn gác lại niềm đam mê cháy bỏng của mình trên sân khấu để lui về chăm sóc gia đình, chăm sóc con trai của mình.
Giờ nếu ai đó hỏi tôi có hối hận không với quyết định trong quá khứ, tôi sẽ dõng dạc trả lời rằng tôi thật sự cảm ơn bản thân trước đây vì đã chọn làm mẹ. Hành trình này tuy không dễ dàng gì, nhưng nó quả thực là hành trình đẹp nhất cuộc đời tôi. Tôi hạnh phúc khi con trai được lớn lên trong tình yêu thương, sự chăm sóc chu toàn từ mẹ, để rồi giờ đây con là một em bé cực kỳ ngoan ngoãn, thông minh và tình cảm.
Ảnh minh hoạ
Dĩ nhiên cái giá của việc ngừng sự nghiệp là tôi sẽ không kiếm được tiền, không tự chủ kinh tế mà hoàn toàn phụ thuộc vào chồng. May mắn, anh là người hiểu những hy sinh này của vợ nên chưa bao giờ có ý kiến gì cả.
Hôm nay ngày cuối tuần, cả gia đình chồng tôi tụ họp lại cùng nhau ăn uống vui chơi, tôi đã thực sự sốc khi mẹ chồng bỗng công bố trước mặt tất cả các thành viên trong gia đình, rằng sẽ cho tôi 2 cây vàng. Và lời nói đó được nói ra ngay sau khi bà nghe con dâu út than thở rằng tháng nào cũng chi 10 triệu/tháng thuê bảo mẫu chăm con.
Trước tình huống bất ngờ này, mẹ chồng thẳng thắng nói, bà vui vì có một người con dâu như tôi, tôi hiểu chuyện, làm vợ và làm mẹ rất tuyệt vời. Từ khi con trai tôi được sinh ra đến nay, tôi là người tự lo cho con mọi thứ chứ chưa bao giờ nhờ ông bà chăm cháu. Mẹ chồng khen tôi nhưng không ngại chỉ ra điểm không hài lòng về em dâu, bà bảo em dâu chỉ chăm chăm kiếm tiền để thỏa mãn nhu cầu bản thân, còn con cái thì không quan tâm đến.
Trước khi bỏ ra số tiền 10 triệu/tháng thuê bảo mẫu thì mẹ chồng tôi đã mấy năm liền chăm con hộ em, cho đến khi bà cạn quệ sức khoẻ thì mới chọn từ bỏ công việc không lương này, để em gái tự lo. Chính vì không nhận được sự chăm sóc, giáo dục cẩn thận từ mẹ nên mẹ chồng tôi thấy rõ sự khác nhau giữa các đứa cháu của mình.
Ảnh minh hoạ
Trong khi con trai tôi lễ phép, ngoan ngoãn bao nhiêu thì con trai của em dâu lại nghịch ngợm, ngang tàng bấy nhiêu. Mẹ chồng nhiều lần nhắc nhở về vấn đề này nhưng mọi chuyện cũng lại đâu vào đấy, em dâu bỏ ngoài tai những lời khuyên của mẹ. Đó là lý do mẹ chồng tôi thất vọng về cô con dâu út này.
Được mẹ khen, tôi cảm thấy rất vui vì cuối cùng cũng có người nhìn thấy rõ những hy sinh của tôi từ trước đến nay. Rõ ràng, mẹ chồng không chì chiết vì tôi không làm ra tiền, ngược lại còn công nhận tôi đã làm mẹ rất tốt. Chỉ cần vậy thôi, tôi cũng đã hạnh phúc rồi, đó giống như một nguồn động lực, cổ vũ mạnh mẽ để tôi tiếp tục trở thành một người mẹ hoàn hảo hơn nữa trong tương lai. Tôi biết mỗi người đều có lựa chọn khác nhau, tôi cũng không ý kiến gì để so sánh giữa mình với em dâu, nhưng tôi tin mình đã quyết định đúng vì đã không để hành trình khôn lớn của con thiếu vắng đi sự nuôi dạy kỹ càng từ mẹ.
Tâm sự từ độc giả bichnhungle…@gmail.com
Theo các chuyên gia, đứa trẻ được các bà mẹ toàn thời gian chăm sóc luôn có sự phát triển vượt trội:
- Cảm giác an toàn
Cha mẹ quá bận rộn, vì vậy những đứa trẻ được giao phó cho ông bà, họ ăn cùng nhau, chơi với nhau, thậm chí ngủ cùng nhau. Như vậy đứa trẻ được ở với ông bà cả ngày.
Tuy nhiên, ban đầu tâm lý đứa trẻ nào cũng muốn được ở gần bên bố mẹ, được cha mẹ yêu thương che chở. Nhưng chính vì cha mẹ quá bận rộn, giao phó mọi việc con cái cho ông bà khiến đứa trẻ cảm thấy mình không được bố mẹ quan tâm, đem đến cho bé cảm giác không an toàn, tự ti, nhạy cảm với lo lắng. Nó rất không có lợi cho sự phát triển của trẻ em.
Ngược lại những đứa trẻ được ở với bố mẹ từ nhỏ, được bố mẹ chăm sóc thường xuyên luôn có cảm giác an toàn, yên tâm ở cả ban ngày và trong giấc ngủ.
- Ổn định về tâm lý
Sợi dây liên hệ giữa người mẹ và con đã được hình thành từ những năm tháng đầu đời. Những đứa trẻ có mẹ đồng hành hàng ngày luôn có sự ổn định về tâm lý. Nếu như con buồn bã thì một cái ôm an ủi của mẹ sẽ xoa dịu cảm xúc của con, giúp con nhanh chóng nguôi ngoai.
Nhiều bà mẹ cho rằng, tại sao khi ở bên con, bé lại hay khóc nhiều hơn. Thực tế, trước mặt mẹ, bọn trẻ được thoải mái bày tỏ cảm xúc vì chúng hiểu có được sự bao dung và an toàn bên mẹ.
Nhưng với một đứa trẻ có mẹ bận đi làm, phải ở với ông bà hay bà vú, chúng sẽ phải đối mặt với những câu nói như: "Nếu con làm vậy, khi về mẹ sẽ mắng"; "Nếu con còn khóc, mẹ về sẽ không yêu con nữa"... Cách nói đó khiến trẻ sẽ thấy sợ mẹ, khoảng cách giữa mẹ và em bé cũng vì thế mà càng lớn dần.
Bên cạnh đó, những câu chuyện hàng ngày của con khi không có mẹ chứng kiến, đợi tối về mới được bày tỏ thì cũng là lúc trẻ đã đi qua thời điểm nhạy cảm cần mẹ nhất, vì thế trẻ sẽ không thực sự cảm nhận được sâu sắc những lời mẹ nói.
So với các bà mẹ ở nhà chăm sóc con, các bà mẹ đi làm thường khó nắm bắt được nhu cầu của con cái hơn, thậm chí đôi khi họ còn bỏ qua những câu chuyện con cần chia sẻ. Dần dần trẻ sẽ không dám bày tỏ suy nghĩ thật của mình, gây ảnh hưởng tới sự sự phát triển tâm lý của trẻ con.
- Khả năng tự chăm sóc bản thân
Thực tế ông bà hay có xu hướng nuông chiều trẻ hơn bố mẹ. Nhiều đứa trẻ được ông bà chăm sóc không có khả năng tự xúc ăn, lười đi, thích đòi bế ẫm và không biết chủ động dọn dẹp đồ chơi.
Tuy nhiên, với một người mẹ toàn thời gian, thì quan điểm mọi việc em bé có thể tự làm được sẽ giúp bé hình thành thói quan tự lập từ sớm. Đầu tiên là những ngày đầu ăn dặm đã làm quen với việc ăn dặm tự chủ, sau đó lớn hơn là khả năng tự chăm sóc bản thân. Do đó những em bé này khi đi học mẫu giáo hòa nhập rất nhanh, có thể tự lập và không khiến cô giáo phải mất thời gian chăm sóc nhiều.
Mặc dù vậy, để hi sinh công việc và ở nhà chăm con, với các bà mẹ thực sự là điều căng thẳng. Bên cạnh những khó khăn về tiền bạc, họ dễ trải qua cảm giác tự ti do ít được giao tiếp xã hội, dễ gây stress. Hơn nữa, việc nhà bận rộn nhưng các bà mẹ ít được xã hội ghi nhận, nhiều người còn bị ông bà, thậm chí người không công nhận những vất vả khi họ phải làm việc nhà, trông con mỗi ngày.
Ở nhà nội trợ và chăm con không phải là điều các bà mẹ mong muốn, tuy nhiên với những năm đầu đời của trẻ, việc có mẹ ở bên sẽ mang lại những lợi ích tuyệt vời, là bước đệm vững chắc để con đạt được những thành tựu lớn trong tương lai, giúp các bà mẹ toàn thời gian hiểu rằng, những hi sinh đó không phải là là uổng phí.