Đối với một người phụ nữ, sảy thai có lẽ là nỗi đau lớn nhất về cả thể chất và tinh thần, cần một thời gian dài để hồi phục. Vậy nhưng nữ điều dưỡng Huang Shan, làm việc tại bệnh viện trung tâm thành phố Vũ Hán lại không có thời gian để "gặm nhấm" nỗi đau của riêng mình. Vì cô phải gạt nước mắt cùng đồng nghiệp lên tuyến đầu "chiến đấu" với dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới gây ra.
Sinh năm 1992, Huang Shan đã có kinh nghiệm 7 năm làm điều dưỡng viên. Trong công việc, cô rất nhiệt tình và có trách nhiệm, được nhiều người yêu quý.
Cuối năm 2019, Huang Shan vui mừng đón tin vui mình đã có thai. Tuy nhiên khi thai nhi được chưa đầy 2 tháng thì cô đã bị sảy thai tự nhiên và phải phẫu thuật bỏ thai vào ngày 10/1.
10 ngày sau khi sảy thai, nữ điều dưỡng Huang Shan tự nguyện quay lại bệnh viện để chiến đấu chống dịch.
Đó là cú sốc và nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời Huang Shan, khi đứa con vừa thành hình đã vội vã chia ly. Sau ca phẫu thuật, cô được bệnh viện cho nghỉ 28 ngày để hồi phục sức khỏe và tinh thần.
Vậy nhưng khi nước mắt còn chưa kịp lau khô thì Huang Shan nhận tin dịch bệnh viêm phổi mới bùng phát ở ngay tại thành phố cô đang sinh sống. Khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhìn các đồng nghiệp căng mình làm việc, Huang Shan không thể ngồi yên. Thế là chỉ 10 ngày sau ca phẫu thuật lấy thai đầy đau đớn, nữ điều dưỡng trẻ đã tự nguyện quay lại bệnh viện để "chiến đấu" chống dịch.
"Y tá trưởng nói rằng sảy thai ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người phụ nữ, khuyên tôi nên ở nhà nghỉ ngơi thêm. Vậy nhưng tôi không thể ngồi yên nhìn đồng nghiệp của mình bận rộn, nhìn bệnh nhân xếp hàng mà không có người chăm sóc", Huang Shan tâm sự.
Sau đó, bệnh viện trung tâm Vũ Hán được chỉ định là bệnh viện tuyến đầu xét nghiệm và cách ly người bệnh. Huang Shan gạt bỏ nỗi đau, mặc đồ bảo hộ và bước vào khu cách ly.
"Ngày 26/1, tôi bắt đầu vào khu cách ly làm việc. Tôi chưa dám nói gì với gia đình vì sợ mọi người lo lắng", Huang Shan chia sẻ.
Cơ thể người phụ nữ sau sảy thai vẫn còn yếu ớt, Huang Shan thú thật trong nhật ký của mình: "Có lẽ cơ thể tôi vẫn còn yếu, tôi thấy hụt hơi và không thể theo kịp nhịp làm việc của mọi người. Cũng có thể vì là lần đầu mặc đồ bảo hộ, tôi thấy khó thở và buồn nôn, lại thường xuyên bị ợ hơi. Hay là cơ thể tôi còn chưa quen với sự thiếu vắng của bé con vừa ra đi. Đúng vậy, tôi vừa mất đi một mầm sống vừa hình thành trong mình, đó là nỗi đau sẽ theo tôi đến mãi sau này".
Những dòng nhật ký Huang Shan viết vội trong giờ nghỉ tại khu cách ly bệnh viện.
Nhưng rồi Huang Shan đã lấy đó làm động lực, cố gắng điều chỉnh trạng thái cơ thể và thích nghi với cường độ làm việc mới. Đến ngày 5/2, Huang Shan đã 11 ngày liên tiếp làm việc cật lực trong khu cách ly.
Trang nhật ký của cô lại có thêm những dòng viết mới:
"Mẹ tôi đã biết việc tôi phải tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, bà đã khóc rất nhiều. Sao bà có thể chịu đựng được khi con gái mình gặp nguy hiểm. Nhưng mẹ ơi, luôn có người phải nhặt thanh kiếm lên và bước ra chiến trường. Đất nước này cần con và con phải đi.
Những đồng nghiệp thân mến của tôi ơi, chúng ta phải đoàn kết một lòng và chiến thắng trận chiến này. Chúng ta có thể khóc khi buồn và lo lắng nhưng khóc xong rồi, ta vẫn là một trang hảo hán".