Khi mang thai, người phụ nữ trong gia đình trở nên “quan trọng” hơn bình thường. Ai cũng hiểu quá trình mang bầu, sinh nở là một hành trình khó khăn, đối mặt với nhiều nguy hiểm mà người mẹ phải trải qua, do đó tất cả các thành viên trong gia đình đều quan tâm, chăm sóc cho các mẹ bầu nhiều hơn, đặc biệt là chồng – người chung chăn gối.
Người ta cũng hay nói “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn đơn côi một mình” để thấy sự cô đơn, tự thân gánh vác của người phụ nữ trong chuyện sinh đẻ, việc mà không thể san sẻ cho ai, cũng không ai làm thay được.
Tuy nhiên ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, những phòng sinh tiên tiến, cao cấp được ra đời, cho phép người chồng được vào túc trực bên vợ trong quá trình vợ sinh nở. Các ông chồng cũng xóa bỏ những ngại ngần, xấu hổ để bước vào, nắm lấy tay vợ trong thời khắc trọng đại, sinh tử của cuộc đời.
Ngày nay, các ông chồng cũng xóa bỏ những ngại ngần, xấu hổ để bước vào, nắm lấy tay vợ trong thời khắc trọng đại, sinh tử của cuộc đời. (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, việc người chồng theo vợ vào phòng sinh cũng xảy ra nhiều tình huống bi hài. Có ông chồng nhìn thấy cảnh sinh nở, máu me và rất nhiều cảnh tượng “hãi hùng” khác tự nhiên tụt huyết áp, run lẩy bẩy… thậm chí vợ đang đau đẻ còn phải động viên ngược lại. Cũng có ông chồng chứng kiến hết những cảnh “mất vệ sinh”, sợ hãi khác khi vợ đẻ, sau này không dám gần gũi vợ vì mỗi lần gần lại nghĩ đến.
Nhưng sau tất cả, các bác sĩ cũng đều nói rằng, việc một người chồng theo vợ vào phòng sinh sẽ giúp ích rất nhiều. Ngoài việc cổ vũ tinh thần cho vợ còn là một cách để anh ấy hiểu sâu sắc hơn những đau đớn mà vợ phải trải qua, thêm trân trọng người phụ nữ của mình.
Dưới đây là những điều mà ông chồng sẽ được “cấp tiến” hơn khi cùng vợ trải qua cơn vượt cạn đầy khó khăn:
Tinh thần trách nhiệm của bố mạnh mẽ hơn
Rất nhiều ông bố không tham gia vào quá trình chăm sóc con. Những đứa trẻ trở nên xa lạ với bố. Bởi vì trong suốt quá trình mang thai 9 tháng 10 ngày, các ông bố cũng không ở bên vợ, đồng hành cùng vợ.
Cùng vợ vào phòng sinh, các ông chồng sẽ thấu hiểu hơn nỗi khổ và sự vất vả của vợ mình (Ảnh minh họa)
Điều đó sẽ giúp anh ấy sống có trách nhiệm hơn.
Tạo động lực cho vợ
Tình cảm vợ chồng gắn bó, hạnh phúc, khi người vợ vào phòng sinh, có chồng mình ở bên nắm tay, động viên, người phụ nữ sẽ được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những đớn đau đang chờ phía trước. Cô ấy có thêm nghị lực để đối diện, không cảm thấy cô đơn hay một mình chống chọi nữa. Sức mạnh về tinh thần mà người chồng truyền cho vợ sẽ giúp cô ấy vượt cạn thành công, suôn sẻ.
Sức mạnh về tinh thần mà người chồng truyền cho vợ sẽ giúp cô ấy vượt cạn thành công, suôn sẻ. (Ảnh minh họa)
Vẫn biết những ông bố ở bên cạnh vợ lúc sinh là điều tuyệt vời nhất nhưng không phải người đàn ông nào cũng có dũng khí này. Có những người thực sự không thể chịu đựng được cảnh tượng máu me hay nhìn thấy những khó khăn trong phòng sinh, như vậy, tốt nhất người chồng đó nên ở ngoài, chờ đợi vợ mình. Nếu cố vào, anh ấy có thể lại trở thành mối lo tiếp theo đối với mọi người, khiến mọi người không tập trung vào ca sinh của vợ được.