Lòng lợn là món ăn dân dã nhưng lại được rất nhiều người Việt Nam yêu thích. Lòng lợn được chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau như cháo lòng, lòng luộc, nhúng lẩu, lòng nướng, lòng chiên – rán…
Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, lòng lợn có chứa một số dinh dưỡng như: chất đạm, chất béo… Tuy nhiên, món ăn này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Lòng non là cơ quan tiêu hóa thức ăn của lợn do vậy các thức ăn mà lợn ăn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của loại thực phẩm này. Ví dụ như người chăn nuôi dùng thức ăn chăn nuôi không đủ tiêu chuẩn có thể khiến lòng non có nguy cơ nhiễm tạp chất.
Còn lòng già của lợn là nơi chứa chất thải từ quá trình tiêu hóa. Do đó, đây là bộ phận tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứa chất bẩn, chất độc hại hơn.
Lòng lợn (ảnh minh họa).
Bác sĩ Thiệu cho biết ngoài chất độc hại, lòng lợn còn có nguy cơ mang các mầm bệnh ví dụ như ký sinh trùng (giun sán), vi khuẩn. Nếu lòng lợn không được chế biến kỹ hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, con người có thể bị nhiễm các mầm bệnh này khi ăn.
Một căn bệnh đáng sợ có thể gặp phải khi ăn lòng lợn chưa được nấu chín là nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis, loại vi khuẩn này thường bám trong máu (tiết), lòng, ruột, nội tạng và thịt lợn.
"Bất kể chúng ta ăn loại lòng lợn nào, việc quan tâm đến an toàn và vệ sinh thực phẩm là yếu tố phải đặt lên hàng đầu, bởi cả lòng non và lòng già đều tiềm ẩn rủi ro đối với sức khỏe", bác sĩ Thiệu nói.
Ăn lòng lợn đúng cách để đảm bảo an toàn cho sức khỏe
Để đảm bảo an toàn khi ăn lòng, chuyên gia khuyên người dân nên mua lòng lợn tại các cơ sở uy tín và hạn chế ăn lòng lợn quá nhiều. Khi chế biến, các gia đình cần đảm bảo lòng lợn được nấu chín hoàn toàn, sử dụng nhiệt độ cao và thời gian nấu đủ lâu để đảm bảo diệt khuẩn, giun sán tồn tại trong lòng lợn. Khi ăn, mọi người nên ăn lúc lòng vừa được nấu chín, còn nóng để giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Thiệu lưu ý: "Các loại thực phẩm giàu chất đạm như lòng là môi trường rất lý tưởng để các loại vi khuẩn gây ngộ độc sinh sôi. Do đó, dù đã nấu chín nhưng nếu để ngoài môi trường thời gian dài, lòng cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn".
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết nội tạng động vật vẫn có giá trị nhất định khi ăn với lượng vừa phải. Tuy nhiên, ăn quá nhiều lòng lợn có thể gây ra nhiều hệ luỵ cho sức khoẻ. Nguyên nhân là do nội tạng động vật, bao gồm cả lòng lợn có chứa nhiều chất béo bão hoà và cholesterol.
Ăn quá nhiều lòng sẽ có nguy cơ bị tăng cholesterol. Khi con người ăn quá nhiều cholesterol sẽ dẫn tới dư thừa chất béo, từ đó làm tăng nguy cơ mắc xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng, mọi người nên hạn chế ăn các tạng có màu trắng (lòng, dạ dày, tràng…) vì chúng chứa nhiều cholesterol. Nếu muốn ăn lòng lợn, mọi người chỉ nên ăn 3-4 lần/tháng.
Khẩu phần ăn lành mạnh được khuyến cáo là dưới 300mg cholesterol/ngày, với lượng cholesterol từ tất cả các thực phẩm. Chuyên gia cũng lưu ý thêm rằng cholesterol không chỉ có trong tạng của động vật mà còn có nhiều trong da động vật, mỡ động vật…
Cuối cùng, chuyên gia khuyến cáo những người mắc bệnh lý mạn tính, thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa, trẻ nhỏ, người già nên hạn chế ăn món lòng lợn. Thay vào đó, mọi người nên ăn đa dạng, cân bằng các loại thực phẩm, tăng cường vận động thể dục thể thao để đảm bảo sức khỏe.