Ung thư lưỡi là bệnh lý ác tính ở vùng miệng. Biểu hiện của bệnh là các khối u, vết loét trên bề mặt lưỡi, mà thực chất đây là các tế bào biểu mô vảy. Ở giai đoạn đầu, ung thư lưỡi rất dễ bị bỏ qua do các triệu chứng nhẹ. Hầu hết bệnh nhân khi được chẩn đoán thì đều đã ở giai đoạn cuối và bỏ lỡ thời điểm điều trị tốt nhất.
Thực tế, khi ung thư lưỡi xuất hiện, cơ thể sẽ đưa ra một số chỉ báo. Dưới đây là 3 dấu hiệu trong khoang miệng mà bạn không nên bỏ qua.
1. Răng lung lay hoặc rụng
Nhiều người không biết rằng ung thư lưỡi có thể khiến răng lung lay, thậm chí rụng răng.
Đó là do tế bào ung thư xâm lấn vào mô thần kinh cục bộ trong quá trình phát triển khiến răng có thể bị lung lay, đôi khi ăn uống sẽ có cảm giác đau nhức. Khi bệnh tiến triển thì cơn đau sẽ tăng dần và răng sẽ bị rụng.
2. Khối u không rõ nguyên nhân
Một khối u không rõ nguyên nhân trong khoang miệng là biểu hiện phổ biến nhất của bệnh ung thư lưỡi. Ở giai đoạn đầu, khối u của bệnh ung thư lưỡi tương đối nhỏ, đôi khi khó nhận thấy sự bất thường và rất dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên khi bệnh tiến triển nặng thì các tế bào khối u dần dần sẽ thâm nhiễm vào các mô xung quanh, làm xuất hiện các cơn đau dữ dội.
Ngoài ra, khi khối u phát triển, cử động của lưỡi sẽ bị hạn chế, thậm chí xuất hiện tình trạng nói ngọng. Do đó, khi phát hiện có khối u trong miệng, bạn phải đặc biệt chú ý, dù có đau hay không thì cũng nên đến bệnh viện khám chữa kịp thời.
3. Tăng tiết nước bọt
Do sự xâm nhập cục bộ của các tế bào khối u nên việc tiết nước bọt của người bệnh sẽ tăng lên. Khi ung thư lưỡi bước sang giai đoạn nặng thì người bệnh cũng sẽ bị hạn chế hoạt động của mô cục bộ, khó nuốt… khiến nước bọt tích tụ ngày càng nhiều trong khoang miệng, thậm chí chảy tràn.
Làm thế nào để phòng ngừa ung thư lưỡi?
1. Chú ý vệ sinh răng miệng
Sự xuất hiện của ung thư lưỡi liên quan nhiều đến vấn đề vệ sinh răng miệng. Nếu không chú ý vệ sinh răng miệng, lâu ngày sẽ khiến vi khuẩn và các vi sinh vật sinh sôi trong khoang miệng, gây ra các bệnh răng miệng, tăng nguy cơ ung thư lưỡi. Đặc biệt, những người đeo răng giả nên súc miệng sau khi ăn uống và làm sạch kịp thời.
Ngoài ra, nếu bị sâu răng hoặc viêm loét niêm mạc miệng, vi khuẩn cũng dễ sinh sôi, nếu để lâu sẽ gây ung thư lưỡi. Vì vậy khi phát hiện sâu răng, viêm loét cần điều trị kịp thời, đồng thời cần đánh răng thường xuyên để giữ vệ sinh răng miệng.
2. Khám sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe thường xuyên là một cách quan trọng để ngăn ngừa ung thư. Khi phát hiện có khối u trong miệng, bạn nên cảnh giác với bệnh ung thư lưỡi bằng cách đến bệnh viện để khám, kiểm tra răng miệng định kỳ. Nếu phát hiện sâu răng, nha chu thì nên điều trị kịp thời để tránh gây kích ứng lưỡi.
3. Bỏ thuốc lá và rượu
Hút thuốc và uống rượu lâu ngày không chỉ gây ra các bệnh về tim mạch, mạch máu não mà còn làm tăng nguy cơ ung thư lưỡi.
Thuốc lá chứa nhiều chất gây ung thư. Khi cơ thể người hít phải khói thuốc sẽ kích thích các mô trong khoang miệng và gây ung thư lưỡi.
Ngoài ra, việc uống rượu bia quá nhiều có thể gây ra những tổn thương ở niêm mạc miệng, lâu ngày còn có thể gây ung thư lưỡi.
Tựu trung, khi ở miệng xuất hiện 3 tình trạng trên thì có thể là do bệnh ung thư, vì vậy chúng ta phải lưu ý, đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra chúng ta cũng nên chú ý đến việc phòng chống bệnh ung thư. Ngoài những điểm trên thì trong chế độ ăn uống hàng ngày, chúng ta cũng nên chú ý ăn ít đồ cay nóng, chỉ có như vậy chúng ta mới có thể phòng tránh ung thư hiệu quả hơn.