Các biện pháp cầm máu tại nhà
1. Tạo áp lực bằng tay
Đặt một miếng vải sạch hoặc gạc vô trùng lên vết thương và ấn xuống bằng một hoặc cả hai tay. Giữ áp lực ổn định trong 5 phút hoặc cho đến khi vết thương ngừng chảy máu. Sau đó, thay băng gạc khác, băng bó cẩn thận để duy trì áp lực lên vết thương sau khi bỏ tay ra.
2. Nâng vùng bị ảnh hưởng lên trên tim
Để cầm máu cho vết cắt trên cánh tay, hãy nâng nó lên sao cho nó ở phía trên tim. Nếu vết cắt ở chân, bạn có thể dùng vài chiếc gối để kê chân hoặc bàn chân lên một góc cao. Kỹ thuật này giúp làm chậm và giảm lượng máu chảy ra.
3. Biết điểm áp lực
Có một số điểm áp lực trên cơ thể, nơi động mạch nằm ngay cạnh xương và sát bề mặt da. Khi bị thương, ta cũng có thể ấn vào điểm áp lực thích hợp nằm phía trên vết thương đang chảy máu để giúp cầm máu hiệu quả. Cụ thể:
- Điểm áp lực để cầm máu vết thương ở cánh tay nằm giữa bắp tay và cơ tam đầu ở mặt dưới của cánh tay. Để xác định vị trí của điểm áp lực, hãy đặt ngón tay vào điểm này và bạn sẽ có thể cảm nhận được mạch đập mạnh ở đó.
- Đối với vết thương chảy máu ở chân, hãy ấn vào động mạch đùi nằm trong tam giác đùi. Bạn có thể tìm tam giác đùi bằng cách đặt tay vào mặt trong của đùi trên, giáp với cơ quan sinh dục.
4. Trà đã qua sử dụng
Túi trà đã qua sử dụng có thể được tái sử dụng như một trong những biện pháp khắc phục tại nhà hiệu quả nhất để kiểm soát chảy máu, đặc biệt là chữa lành chứng chảy máu nướu răng. Một nghiên cứu cho thấy, chiết xuất trà xanh bọc trong gạc có thể làm giảm chảy máu sau khi nhổ răng một cách hiệu quả.
5. Gel lô hội
Lô hội có đặc tính làm se cũng như sát trùng hiệu quả. Bạn có thể bôi gel lô hội lên gạc và quấn quanh vết thương để giúp vết thương mau lành. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy acemannan, một hợp chất hoạt tính sinh học trong lô hội, có thể tăng tốc độ lành vết thương và tăng tốc độ phát triển của các tế bào thúc đẩy quá trình phục hồi.
Biện pháp giúp ngăn ngừa nhiễm trùng
Vết thương bị nhiễm trùng khi có nhiều vi khuẩn xâm nhập vào vết thương hơn mức cơ thể có thể tự chữa lành. Điều này dẫn đến tình trạng viêm, làm chậm hoặc tạm dừng quá trình chữa lành vết thương. Để vết thương mau lành, cần có môi trường sạch sẽ. Các bước chăm sóc vết thương sau đây có thể giúp bạn hạn chế tối đa vết thương bị nhiễm trùng:
Bước 1: Rửa vết thương bằng nước mát và dùng xà phòng để làm sạch vùng xung quanh. Cẩn thận không để xà phòng dính vào vết thương. Sau khi rửa, nhẹ nhàng lau khô bằng vải sạch hoặc bông gòn đã tiệt trùng.
Bước 2: Nếu có thể, hãy loại bỏ bụi bẩn hoặc các hạt như cát, sỏi, v.v. đã dính vào vết thương bằng nhíp đã khử trùng. Bạn có thể dùng cồn để khử trùng nhíp.
Bước 3: Sau khi vết thương sạch, hãy bôi thuốc sát trùng vào để làm sạch vết thương.
Bước 4: Băng vết thương bằng gạc sạch.