Kinh tế phát triển, khẩu phần ăn của mỗi người theo đó cũng tăng hơn. Một số người uống rượu bia, ăn thức ăn quá nhiều khiến xuất hiện nhiều bệnh lý mạn tính, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Viêm tụy, xơ gan áp đảo
Ngoài xơ gan, viêm tụy cấp, một số loại bệnh khác như viêm loét dạ dày, tá tràng do ăn mặn quá hoặc thức ăn có gia vị nhiều, phẩm màu, đồ nướng, thức ăn lên men. Ví dụ như dưa cải muối chua, thức ăn đóng hộp có thành phần nitrat hoặc thịt hun khói. Với những người ăn loại thức ăn này thì khả năng ung thư dạ dày cao hơn người không sử dụng, đặc biệt đối với bệnh nhân viêm dạ dày mạn tính có nhiễm virus HP đã từng được điều trị.
Về thói quen ăn uống của người Việt Nam, qua thực tế điều trị ở bệnh viện cho thấy rất nhiều người nhập viện do ăn quá mặn, quá ngọt, ăn đồ sống chưa qua nấu nướng. Đối với những người ăn mặn kéo dài sẽ gặp những bệnh lý như tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính. Đối với bệnh nhân viêm teo dạ dày, chuyển sản ruột của niêm mạc dạ dày nếu ăn mặn sẽ dễ gây nguy cơ ung thư dạ dày.
Ngoài ra, người Việt Nam có thói quen gắp thức ăn cho nhau dễ nhiễm vi trùng Helicobacter Pylori; ăn thức ăn quá nhiều tinh bột, đường dễ dẫn đến nguy cơ gan nhiễm mỡ, tăng mỡ máu; ăn đồ sống như hàu, cá, món gỏi có thịt sống, rau sống có nguy cơ nhiễm sán lá gan; uống nhiều rượu bia dễ viêm tụy cấp; ăn quá nhanh, không nhai kỹ dễ bị béo phì; ăn trễ bữa, không đúng giờ giấc dễ bị bệnh lý về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, tá tràng.
Trong những năm gần đây, những bệnh lý thường gặp tại Bệnh viện Chợ Rẫy như xơ gan do rượu bia; người trẻ sử dụng thức ăn nhanh sẽ bị tăng mỡ máu dẫn đến viêm tụy cấp. Tại Khoa Nội tiêu hóa, viêm tụy cấp chiếm từ 10%-20% số bệnh nhân nhập viện, trong khi đó, số bệnh nhân xơ gan chiếm từ 40%-50% bệnh nhân nhập viện nội trú.
Đối với bệnh nhân bị xơ gan gặp biến chứng sẽ khó khăn hơn trong việc điều trị, các bác sĩ chỉ điều trị biến chứng, bệnh nhân phải ghép gan, điều trị nhiều lần. Những bệnh nhân bị viêm tụy cấp nhẹ thì có thể phục hồi nhưng đã bệnh vẫn không cải thiện thói quen ăn uống sẽ tái phát và bị nặng hơn dẫn đến tỉ lệ tử vong cao.
Một bệnh nhân bị xơ gan do uống nhiều rượu, bia mỗi ngày. Ảnh: PHẠM DŨNG
Ăn uống sao cho hợp lý?
Trong quá trình tăng trưởng, phát triển và lão hóa thì chế độ ăn rất quan trọng, giúp con người khỏe mạnh. Việc ăn uống lành mạnh, khoa học sẽ giúp hỗ trợ sức khỏe, ổn định cân nặng và ngăn ngừa một số bệnh lý, giảm nguy cơ nhiều bệnh về tiêu hóa.
Một chế độ ăn lành mạnh phải cân bằng lipit, vitamin, gluxit, protein và khoáng chất. Đối với những người ít ăn rau xanh nhưng ăn thịt nhiều, nhất là thịt đỏ, nguy cơ ung thư đại tràng rất cao. Về chế độ ăn khoa học, ở Mỹ khuyến cáo ăn nhiều rau có màu xanh đậm, màu đỏ, cam, đậu, trái cây nguyên hạt, ngũ cốc và các loại sữa không béo hoặc ít béo, sữa đậu nành. Về thực phẩm giàu protein tốt thì có thịt trắng, hải sản, trứng gia cầm và các loại dầu thực vật, dầu ô liu.
Việc ăn uống lành mạnh sẽ giảm nguy cơ bệnh lý mạch vành, đái tháo đường, một số bệnh ung thư như ung thư đại tràng, ung thư tuyến vú đối với bệnh nhân mãn kinh, giảm nguy cơ béo phì. Ngoài ra, không nên ăn đồ ăn để lâu ngày, để tủ lạnh hâm đi hâm lại nhiều lần vì thức ăn có thể bị chuyển hóa, không còn chất dinh dưỡng và dễ dẫn đến bệnh về tiêu hóa.
Đối với những bệnh nhân bị bệnh về tiêu hóa như xơ gan, phải ăn uống đầy đủ dưỡng chất, việc ăn kiêng quá mức cũng không tốt vì dễ thiếu dinh dưỡng, teo cơ dẫn đến tử vong cao. Bệnh nhân xơ gan cũng nên ăn trái cây, rau xanh theo nhu cầu cơ thể để bổ sung vitamin, khoán chất trong quá trình điều trị bệnh.
Để phát hiện những bệnh lý về tiêu hóa, cần đi khám sức khỏe mỗi năm một lần, nếu có điều kiện thì 6 tháng đi khám một lần. Đồng thời, cần tầm soát những bệnh thường gặp như viêm gan siêu vi B, C; trong gia đình có người ung thư dạ dày cũng nên tầm soát sớm để phòng ngừa. Ngoài ra, những người trên 45 tuổi nên tầm soát ung thư đại tràng bởi vì bệnh lý về đại tràng thường không có triệu chứng đến khi phát hiện thì đã rơi vào giai đoạn muộn.
Ung thư ruột liên quan đến ăn uống Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư ruột (còn gọi là ung thư đại trực tràng) hiện đã chiếm giữ hàng thứ 3 về số ca mắc trong các loại ung thư, chỉ sau ung thư phổi và ung thư vú. Về số ca tử vong, nó đứng hàng thứ 2 trong tất cả các loại ung thư, chỉ sau ung thư phổi. Một thống kê khác của WHO khu vực châu Âu cho thấy ở toàn bộ châu lục này 65% trường hợp ung thư ruột xảy ra ở các vùng có thu nhập cao, trong đó các ca bệnh có nguyên nhân từ yếu tố hành vi (chế độ ăn uống, sử dụng rượu và ít vận động) chiếm tỉ lệ lớn. Mới đây, Viện Các bệnh đường tiêu hóa, Viện Insrem (Pháp), Trung tâm Y tế Đại học McGill (Canada) và Trung tâm Y tế Đại học Eramus (Hà Lan) đã hợp tác trong một nghiên cứu lớn nhằm đánh giá toàn diện cách mà thực phẩm ảnh hưởng đến bệnh ung thư ruột. Theo bài công bố trên tạp chí Gut, nguy cơ ung thư ruột sẽ giảm 23% nếu siêng ăn các thực phẩm giàu ma-giê (chocolate đen, bơ, chuối, cá dầu, các loại đậu và hạt, rau màu xanh đậm, ngũ cốc nguyên cám...); giảm 12%-15% nếu ăn thực phẩm giàu axít folic (cam, bơ, chuối, cà chua, quả mọng, đậu và hạt, ngũ cốc nguyên cám...). Ăn nhiều chất xơ (từ rau quả, ngũ cốc nguyên cám) giúp giảm 22%-43%, dùng sữa và các sản phẩm từ sữa giúp giảm 13%-19%, mức giảm là 8%-15% nếu dùng sữa đậu nành, đậu phụ... Ngược lại, nghiên cứu khẳng định thịt bò, thịt chế biến sẵn (xúc xích, jambon...) và rượu sẽ khiến nguy cơ ung thư ruột gia tăng. A.Thư |