"Mắt mình nhòa đi và nghĩ bác sĩ đọc nhầm kết quả với người khác", Lê Hải An, 34 tuổi, hiện sống ở Brussels, Bỉ, nhớ lại khoảnh khắc bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh khi đi khám sức khỏe tổng quát tháng 2/2023.
Hải An nói cô được bác sĩ chẩn đoán suy thận do cô mắc bệnh thận IgA, còn gọi là Berger. Bệnh xảy ra do sự tích tụ của globulin miễn dịch A (IgA) - một loại protein kháng thể - bên trong cầu thận, gây viêm và giảm khả năng lọc máu của thận. Tuy nhiên, bệnh thận IgA không được xếp vào loại bệnh tự miễn. Nó thường tiến triển âm thầm với tốc độ chậm. Người bệnh có rất ít triệu chứng hoặc các triệu chứng mờ nhạt trong nhiều năm nên dễ bỏ sót bệnh, khi phát hiện bệnh đã diễn tiến xấu hơn.
An cho biết cô không chơi thể thao nhưng là người năng động, vừa đi làm, vừa học thêm tiếng Pháp và kinh doanh online. Cô cũng rất cẩn thận trong ăn uống chọn lọc thực phẩm, hạn chế những đồ ăn chế biến sẵn hay chiên rán. Trước khi phát hiện bệnh khoảng 1-2 tháng, cô thấy sức khỏe giảm sút, ăn uống kém, người mệt mỏi nhiều, hai chân luôn có cảm giác nặng chịch, không thể bước nổi. Tuy nhiên, cô không thấy dấu hiệu bị tích nước hay sưng phù như những người bị suy thận khác.
An không có biểu hiện đặc trưng của bệnh tật cho tới vài tháng trước khi nhận tin dữ. Ảnh: NVCC
Ngay sau khi nhận chẩn đoán bệnh, An được đưa vào phòng cấp cứu và được đặt ống catheter để chạy thận nhân tạo. Với phương pháp này, máu bệnh nhân suy thận sẽ được đưa ra bên ngoài thông qua catheter tĩnh mạch trung tâm để loại bỏ những chất thải. Sau khi lọc, máu sẽ được quay trở lại cơ thể qua một ống khác. Sau ba tuần, cô được xuất viện về nhà, nhưng phải duy trì chạy thận đều đặn để duy trì sự sống.
An tâm sự chi phí chạy thận ở Bỉ rất tốn kém, mỗi lần mất khoảng 275 Euro, tương đương gần 8 triệu đồng. Nhưng đổi lại, hệ thống y tế của Bỉ phát triển hàng đầu ở châu Âu và người dân bắt buộc phải đóng bảo hiểm. "Chạy thận là một trong những bệnh tốn kém nhất nhưng nhờ có bảo hiểm chi trả hầu hết, mình cũng được giảm tải nhiều gánh nặng y tế", cô nói.
Hiện tại, An duy trì chạy thận một tuần 4 lần tại nhà bằng một loại máy đặc biệt do bệnh viện cho mượn. Cô từng trải qua 4 tháng ròng rã để được học kèm 1:1 với nhân viên y tế bệnh viện về cách lắp đặt, vận hành máy. Trước khi được các bác sĩ cho phép chạy thận tại nhà, chuyên viên cũng đến tận nơi để kiểm tra xem nơi An sống có đủ điều kiện vệ sinh, không gian thoáng đãng và nguồn điện tốt hay không.
Ngoài ra, mỗi tháng cô sẽ đến bệnh viện để lấy máu kiểm tra sức khỏe trước khi gặp bác sĩ chuyên khoa thận để nhận phác đồ điều trị như nên tăng hay giảm thuốc, nên bổ sung các loại vitamin nào...
"Quá trình chạy thận thực sự mệt mỏi, nhất là về mặt tinh thần, đòi hỏi người bệnh phải có tinh thần thép. Muốn vậy, việc chia sẻ, động viên của gia đình, người thân vô cùng cần thiết. Ngoài ra, trong lúc chạy thận cũng có rất nhiều nguy cơ về nhiễm trùng, tụt huyết áp. Chạy lâu ngày cũng có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe tim", An nói.
Bà mẹ một con cố gắng giữ tinh thần vui vẻ khi nằm trên giường bệnh. Ảnh: NVCC
An cho hay chế độ ăn uống của cô hiện phải tránh một số loại trái cây có hàm lượng kali cao như chuối, bơ, dưa lưới... Ngoài ra, cô cũng không ăn mặn và thực phẩm nhiều photpho như bơ sữa, phô mai, hạn chế đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ. Còn lại, cô cố gắng ăn đa dạng thực phẩm, do người thường xuyên phải chạy thận sẽ luôn thiếu máu, cần được bồi bổ nhiều để có sức.
Khác với những ngày đầu từng chỉ biết khóc lóc, suy sụp tinh thần khi mới phát hiện bệnh, tinh thần, sức khỏe An hiện ổn định hơn. Bà mẹ trẻ nói trong hơn một năm rưỡi qua, cô thấy biết ơn vì có gia đình, đặc biệt là chồng và con gái 12 tuổi, ở bên động viên, chia sẻ những lúc cần. Bố mẹ, anh chị em, bạn bè ở Việt Nam từ khi biết tin cô bị bệnh cũng hay gọi điện thoại, hỏi thăm cô. Chồng An vì thương vợ đau ốm nên đã nghỉ việc để ở nhà chăm sóc, lo lắng cho cô. "Không có anh ấy, tinh thần và thể lực mình không thể được như bây giờ", An nói.
Từ khi An đổ bệnh, cuộc sống vợ chồng cô chật vật hơn, dù đã được chính phủ Bỉ hỗ trợ phần nào. Cô may mắn có công việc kinh doanh mỹ phẩm online, dù không nhiều nhưng cũng thêm nguồn thu nhập để trang trải và lo cho cha mẹ ở Việt Nam.
Chồng và con gái là hậu phương lớn của An trong cuộc chiến đấu với bệnh suy thận mạn. Ảnh: NVCC
Mấy hôm trước, An mừng rỡ khi nhận được thông báo đến bệnh viện để bàn về việc ghép thận. Hơn một năm qua, cô đã đi khắp bệnh viện lớn, nhỏ ở Bỉ, trải qua nhiều lần soi và chụp chiếu để đánh giá tình hình sức khỏe. Nếu mọi kết quả đều ổn định, cô mới được hội đồng xem xét chấp thuận và ghi tên vào danh sách chờ ghép thận.
"Mình có hỏi bác sĩ khoảng bao lâu được tiến hành cấy ghép, và bác sĩ trả lời là 2 - 3 năm, tính cả thời gian mình chạy thận. Vậy là từ hôm nay, điện thoại của vợ chồng mình sẽ luôn mở, vì có thể nhận được cuộc gọi thông báo tìm thấy thận phù hợp với mình bất cứ lúc nào. Dù đây mới chỉ là mở đầu cho hành trình chông gai và khó khăn, mình vẫn rất vui và tràn đầy hy vọng", An nói.
Từ kinh nghiệm của bản thân, An muốn gửi lời nhắn nhủ đến người trẻ đừng chủ quan mà nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 - 12 tháng một lần. "Những ai không may mắn bị bệnh như mình cũng hãy cố gắng giữ tinh thần lạc quan nhất có thể. Ai còn khỏe mạnh thì hãy biết trân trọng, bởi lúc nằm trên giường bệnh rồi, thứ quý giá nhất không phải tiền bạc mà là sức khỏe và tình yêu thương của gia đình", cô nói.