Bác sĩ Anh chết nghi do kiệt sức dưới nắng nóng

Michael Mosley, bác sĩ, người dẫn chương trình y tế nổi tiếng của nước Anh tử vong khi đang đi bộ dưới cái nóng 40 độ C.

Trước đó, ông được gia đình thông báo mất tích trong kỳ nghỉ ở đảo Symi ở Hy Lạp. 4 ngày sau, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể ông. Nhân viên điều tra cho biết Mosley có thể đã chết vì nguyên nhân sốc nhiệt. Họ tin rằng thời điểm tử vong là khoảng 4h chiều ngày 12/6, chỉ hai giờ sau khi ông bắt đầu đi dạo.

Theo điều tra viên, ở độ tuổi 67, nếu phải đi bộ dưới năng nóng trong môi trường nhiều đá, những người như Mosley dễ kiệt sức ở một thời điểm nào đó. Dù báo cáo đầy đủ chưa được công bố, chuyên gia vẫn nhận định thời tiết nóng bức là yếu tố lớn góp phần dẫn đến ca tử vong.

Thảm kịch như một lời nhắc nhở về sự nguy hiểm về nắng nóng cực độ.

Khi nắng nóng trở nên nguy hiểm

Mức độ hoạt động thể chất và điều kiện môi trường ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ phát triển các bệnh liên quan đến nhiệt. Khi tập thể dục ngoài trời, chẳng hạn đi bộ, cơ thể sinh nhiệt như một "sản phẩm phụ". Hoạt động càng mạnh, sinh nhiệt càng nhiều. Nếu lượng nhiệt không mất đi, cơ thể bị tăng nhiệt độ một cách nguy hiểm, dễ đe dọa tính mạng.

Thông thường, con người có hai hình thức giảm nhiệt. Đầu tiên là tự thải nhiệt ra môi trường xung quanh bằng cách bơm máu ấm lên bề mặt da. Tuy nhiên, khi nhiệt độ không khí cao hơn nhiệt độ da (khoảng 35 độ C), phương pháp này không hiệu quả. Thay vào đó, cơ thể bắt đầu nhận nhiệt từ môi trường xung quanh.

Thứ hai, cơ thể tiết ra mồ hôi, có tác dụng làm mát khi bay hơi. Tuy nhiên, trong điều kiện ẩm ướt, mồ hôi trên da khó bay hơi hơn, bởi không khí vốn chứa nhiều ẩm.

Nhiệt độ nóng, ánh nắng mặt trời, độ ẩm và hoạt động thể chất đều gây áp lực lên cơ thể. Những yếu tố này kết hợp lại là "công thức dẫn đến thảm họa", theo Lily Hospers, nghiên cứu sinh hệ Tiến sĩ tại Khoa Y tế và Sức khỏe, Đại học Sydney.

Bác sĩ Michael Mosley. Ảnh: Alamy

Bác sĩ Michael Mosley. Ảnh: Alamy

Kiệt sức do nhiệt khác với say nắng thế nào

Kiệt sức do nhiệt và sốc nhiệt là một phần của các chứng bệnh liên quan đến nắng nóng. Nó là dạng nghiêm trọng hơn nhiều của say nắng. Các triệu chứng kiệt sức do nhiệt bao gồm suy nhược, đau đầu và buồn nôn. Nhiệt bên trong cơ thể tăng lên 40 độ C, rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương. Tình trạng này được biểu hiện ở triệu chứng nhầm lẫn, mất phương hướng. mất ý thức.

Đột quỵ, sốc nhiệt hay kiệt sức do nhiệt đều là trường hợp cấp cứu y tế. Người bệnh có thể tiến triển từ rối loạn chức năng thần kinh trung ương đến suy nội tạng, cuối cùng là tử vong.

Những người dễ bị tổn thương

Mọi người đều dễ gặp vấn đề sức khỏe khi thời tiết nắng nóng, do các yếu tố sinh lý hoặc hành vi. Sự kết hợp của cả hai yếu tố có thể tăng rủi ro. Người lớn tuổi thường là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ở người cao tuổi, chức năng tiết mồ hôi hoạt động kém, từ đó giảm khả năng phản ứng với stress nhiệt. Người có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn bệnh tim mạch hoặc huyết áp cũng dễ tổn thương hơn.

Nhóm không có khả năng phản ứng về mặt hành vi với nhiệt độ cũng có nguy cơ cao. Việc điều chỉnh hoạt động (chẳng hạn dừng tập thể dục khi trời quá nóng), thay đổi môi trường (di chuyển vào bóng râm) và áp dụng các phương pháp làm mát (chườm da bằng khăn ướt) đều giúp ngăn ngừa sốc nhiệt.

5 cách để tránh tình trạng kiệt sức do nhiệt hoặc sốc nhiệt

Các chuyên gia chỉ ra phương pháp tránh sốc nhiệt hoặc tự ứng phó tạm thời nếu có biểu hiện kiệt sức do nhiệt

Lên kế hoạch trước, tránh hoạt động vào thời điểm nóng nhất trong ngày

Nếu cảm thấy nóng và khó chịu, hãy ra khỏi nơi nhiệt độ cao và di chuyển đến nơi mát hơn, có thể là trong nhà hoặc bóng râm.

Uống nhiều nước, đảm bảo tiếp cận các nguồn chất lỏng không chứa cồn

Cởi bỏ hoặc nới lỏng quần áo nếu cảm thấy nóng và khó chịu

Cố gắng hạ nhiệt bằng mọi cách, chẳng hạn đến vùng nước mát, xịt nước lạnh hoặc đắp khăn ẩm, mát lên da.