Ngày Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (2/4), Ths.Lê Công Thiện, Phó trưởng Bộ môn Tâm thần (Đại học Y Hà Nội), kiêm Trưởng khoa Tâm thần Nhi, Viện sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) đã có những chia sẻ để phụ huynh hiểu rõ về bệnh tự kỷ ở trẻ.
Theo Ths.Lê Công Thiện, tự kỷ là tự thân, tự thu vào trong. Trẻ bị tự kỷ có triệu chứng điển hình là kỹ năng giao tiếp có vấn đề.
Trẻ có những bất thường trong ngôn ngữ giao tiếp cần được đi khám ngay.
Theo đó, trẻ giảm giao tiếp bằng mắt, ít đáp ứng khi gọi tên, không dùng những cử chỉ điệu bộ để giao tiếp như không biết chỉ tay, không biết chìa tay xin thứ cần, không biết khoe, cần thứ gì trẻ thường kéo tay người khác lấy giúp, không có chú ý chung với người khác.
Trẻ không chơi tương tác với trẻ cùng tuổi, không mỉm cười đáp lại người khác. Sự thiếu hụt trong phát triển cảm xúc và xã hội thường có thể phát hiện từ khi trẻ được 1 tuổi.
Trẻ không để ý đến thái độ và tâm tư của người khác, không hiểu người khác, không biết chia sẻ tình cảm với người khác.
Bên cạnh đó, trẻ có những bất thường trong ngôn ngữ giao tiếp và những bất thường trong hành vi với tính chất lặp đi lặp lại, rập khuôn, các mối quan tâm cũng bị thu hẹp.
Về nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ, BS Thiện cho biết, có hai yếu tố chính, đó là di truyền và môi trường. Y khoa đã xác định có một vài gen được xác định có thể gây tự kỷ. Tuy nhiên, nếu được can thiệp sớm và phát hiện sớm thì có thể khỏi.
Như vậy, yếu tố môi trường vẫn là then chốt. Việc người thân ít tương tác với trẻ cũng có khả năng khiến bé tự kỷ. Ví như, ông bà trông cháu thì rất mệt, có thể ít nói chuyện, tương tác với cháu; Với sự phát triển của công nghệ, cả ngày bé chúi đầu vào mạng, tivi khiến bé cả càng làm cho bé ít tương tác hơn. Hậu quả là bé không tương tác, kỹ năng tương tác kém, ảnh hưởng đến khả năng học tập, trí tuệ không phát triển.
Về sự phát triển của tuổi dậy thì, mặt sinh học thì trẻ tự kỷ với trẻ bình thường (cấu trúc tim phổi, não, bộ phận sinh dục) thì bản chất không có sự khác nhau. Tuy nhiên, về mặt tâm lý, tâm thần thì có sự khác nhau.
Theo đó, trẻ tự kỷ thì kỹ năng tương tác kém, kéo theo sự tiếp nhận thông tin kém, dẫn đến khả năng hiểu biết (trí tuệ) thấp. Từ đó, dẫn đến khả năng bản thân, chăm sóc bản thân kém. Như thế, dậy thì là một trong những thách thức của gia đình, xã hội bởi người tự kỷ có thể không biết chăm sóc bản thân. Thực tế, có nữ bệnh nhân tự kỷ đã 15-16 tuổi nhưng có kinh nguyệt không biết. Thậm chí, có trường hợp bị lợi dụng tình dục nhưng không biết. Đó là chưa kể nhóm trẻ tự kỷ thường kèm theo có các rối loạn về hành vi, cảm xúc.
Do đó, bố mẹ cũng cần sát sao để phát hiện sớm nguy cơ và biểu hiện tự kỷ của trẻ.
Khi thấy trẻ có các biểu hiện không tương tác người thân, tự chơi đồ một mình, hoặc trẻ “ngoan quá” thì gia đình cần đưa con đi khám, tư vấn.
Ngoài ra, phụ huynh cũng không nên cho trẻ xem tivi, youtube nhiều quá mà cần kiểm soát nội dung và thời lượng, ánh sáng, khoảng cách khi xem.
Khi cho trẻ xem xong thì phụ huynh cũng cần phải hỏi trẻ về nội dung đã xem để tăng sự tương tác.
Đối với trẻ tự kỷ, phát hiện càng sớm, can thiệp càng sớm thì điều trị càng hiệu quả. Thời điểm vàng để điều trị tự kỷ là từ 0-3 tuổi. Sau thời điểm đó, việc điều trị vẫn có hiệu quả nhưng sẽ được như trong thời gian trẻ từ 0-3 tuổi.
Cũng theo BS Thiện, khó khăn lớn nhất là hiện nay, cha mẹ ít đưa con đến bệnh viện vì “ngại”. Thay vào đó, họ đưa con đến các cơ sở khác như nhà tâm lý, xã hội. Điều này, luật không cấm nhưng như thế sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị sau này của trẻ.
Do đó, cần phải có quy trình và được quy định rõ. Theo đó, liên quan đến sức khỏe cần phải có xác nhận của cơ sở y tế thì mới được tư vấn, điều trị. Nếu làm được như vậy, thì cha mẹ sẽ đưa con đi khám trước, khi đã xác định được trẻ có bị tự kỷ hay không thì việc can thiệp bằng tâm lý, xã hội sẽ tốt hơn, đúng phương pháp và quan trọng hơn là có sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế, giáo dục, gia đình và hỗ trợ xã hội.