Bác sĩ cảnh báo căn bệnh luôn "rình rập" mọi người trong dịp Tết, có thể gây chảy máu trong, thủng dạ dày, thậm chí là ung thư

Số lượng bệnh nhân mắc căn bệnh này tăng đáng kể trong và sau các dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết Nguyên Đán do chế độ ăn uống và những thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Tuy nhiên, nó thường bị xem nhẹ, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Căn bệnh được nhắc đến ở đây không đâu khác chính là viêm loét dạ dày hành tá tràng. Viêm loét dạ dày hành tá tràng là căn bệnh phổ biến, có thể gặp ở cả nam và nữ, tập trung ở người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa trong thời gian gần đây. 

Thông tin từ tờ Medical News Today của Mỹ cho thấy trên toàn cầu, người ta ước tính rằng có tới 10% người trưởng thành bị loét dạ dày tá tràng ít nhất một lần trong đời. Tại Việt Nam, số lượng bệnh nhân viêm loét dạ dày hành tá tràng tăng đáng kể trong và sau các dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết Nguyên Đán do chế độ ăn uống và những thói quen sinh hoạt không lành mạnh.

Theo ThS.BS. Lê Dương Tiến - Trung tâm Tiêu hoá BVĐK Hồng Ngọc, cơ chế gây viêm loét dạ dày hành tá tràng là do sự tăng tiết quá mức của axit dịch vị, axit dịch vị sẽ trực tiếp gây nên tổn thương lên niêm mạc dạ dày, sau đó gây nên bệnh cảnh, triệu chứng trên lâm sàng. Hoặc đó cũng có thể là do sự suy giảm của hàng rào tế bào nhầy bảo vệ tế bào niêm mạc dạ dày khỏi tác động của axit dịch vị. 

Bác sĩ cảnh báo căn bệnh luôn rình rập mọi người trong dịp Tết, có thể gây chảy máu trong, thủng dạ dày, thậm chí là ung thư - Ảnh 1.

ThS.BS. Lê Dương Tiến - Trung tâm Tiêu hoá BVĐK Hồng Ngọc

''Thông thường axit dịch vị sẽ được tiết nhiều vào các bữa ăn mà chúng ta đã thiết lập hàng ngày như bữa sáng, trưa và tối. Vì một nguyên nhân nào đó mà bạn ăn uống không đúng giờ hoặc để bụng mình quá đói thì axit dịch vị, vốn được tiết ra để tiêu hóa thức ăn mà lúc này trong dạ dày lại không có thức ăn, sẽ tổn thương trực tiếp lên niêm mạc dạ dày và dẫn đến bệnh lý viêm loét dạ dày''.

Biểu hiện của bệnh thường bao gồm: 

- Bệnh nhân thường có cảm giác đau bụng vùng thượng vị, cảm giác đầy tức, nóng rát. Cảm giác đau có thể âm ỉ liên tục hoặc trội thành cơn và khiến cho bệnh nhân rất khó chịu. 

- Ợ hơi, ợ chua kéo dài, nếu tình trạng không được điều trị kịp thời mà kéo dài sẽ dẫn đến trào ngược vùng hầu họng thanh quản và khiến cho bệnh nhân có hiện tượng ho kéo dài. 

- Buồn nôn hoặc nôn. 

- Đầy bụng, khó tiêu, ăn cảm giác nhanh no.

"Bệnh viêm loét dạ dày hành tá tráng không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa trên do ổ loét, thủng ổ loét dạ dày hành tá tràng và hẹp đường tiêu hóa", BS. Tiến cho biết.

Trong đó, xuất huyết tiêu hóa trên do ổ loét là khi bệnh nhân có triệu chứng nôn ra máu, đại tiện phân đen, nặng hơn nữa, bệnh nhân có thể gặp hiện tượng choáng, ngất, sốc mất máu. Thủng ổ loét dạ dày hành tá tràng khiến bệnh nhân đau bụng, đau như dao đâm, đau rất dữ dội, bụng cứng như gỗ, mất vùng đục trước gan, kèm theo có thể có tình trạng sốc mất máu. Và hẹp đường tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng gây ra thường hay gặp nhất ở vị trí tiền môn vị hoặc hành tá tràng, làm cho thức ăn bị cản trở, không xuống được ruột, khiến cho người bệnh gặp các triệu chứng nôn ra thức ăn cũ và thức ăn mới dẫn đến các rối loạn về điện giải, thiếu năng lượng để phục vụ cho cơ thể. 

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những người bị viêm loét dạ dày hành tá tràng do nhiễm HP có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày cao hơn.

Bác sĩ cảnh báo căn bệnh luôn rình rập mọi người trong dịp Tết, có thể gây chảy máu trong, thủng dạ dày, thậm chí là ung thư - Ảnh 2.

Một thống kê cho thấy trong dịp lễ Tết, số ca bệnh đường tiêu hóa tăng từ 30-50% so với ngày thường, trong đó chủ yếu là do viêm loét dạ dày hành tá tràng gây ra

Rất may mắn, đây không phải là căn bệnh có thể di truyền. ''Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta có những trường hợp có thể gây hiểu lầm nó (viêm loét dạ dày hành tá tràng) là di truyền, chẳng hạn trong gia đình có thành viên bị viêm loét dạ dày tá tràng do nhiễm vi khuẩn HP. Vi khuẩn HP rất dễ lây giữa các thành viên trong môi trường sinh hoạt hàng ngày (nói chuyện, dùng chung bát đũa, dùng chung bát nước chấm), từ đó nó sẽ gây nên bệnh viêm loét dạ dày hành tá tràng'', BS. Tiến giải thích.

Do đó, để tránh bị viêm loét dạ dày hành tá tràng, người dân cần: 

- Ăn chậm, nhai kỹ, ăn uống đúng giờ. 

- Hạn chế đồ uống có cồn như rượu bia, đồ uống có ga, cà phê... Hạn chế thuốc lá. 

- Tránh căng thẳng và thức khuya.

BS. Tiến nhấn mạnh có một chế độ ăn uống lành mạnh là quan trọng nhất trong dịp Tết đang cận kề: ăn uống đúng giờ, ăn không quá no và không để bụng mình quá đói.

Các loại thuốc cần thiết khi có bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng:

- Thuốc giảm tiết axit dịch vị.

- Thuốc trung hòa axit dịch vị.

- Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.

Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và xin ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc. Nếu có các triệu chứng nôn ra máu, đi ngoài phân đen, mệt choáng ngất thì bạn nên đến bệnh viện ngay để cấp cứu và điều trị kịp thời.

https://ahadep.com/bac-si-canh-bao-can-benh-luon-rinh-rap-moi-nguoi-trong-dip-tet-co-the-gay-chay-mau-trong-thung-da-day-tham-chi-la-ung-thu-2022013109593662.chn