Huyền thoại của Manchester United, Paul Scholes đã thi đấu gần 2 thập kỷ, góp mặt trong hơn 700 trận đấu của Quỷ đỏ và ghi hơn 150 bàn thắng. Tuy nhiên, ít ai biết được anh đã phải thi đấu với một bên mắt bị tổn thương trong suốt sự nghiệp sân cỏ của mình.
“Đã có lúc tôi chứng kiến 4 quả bóng tiến về phía mình, điều đó thật khó hiểu”, Scholes kể về đôi mắt mờ của mình. Sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ, anh được chuẩn đoán là bị tắc tĩnh mạch, gây chảy máu bên trong mắt phải. Anh đã trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài do sự phức tạp của các dây thần kinh trong mắt.
Đối với căn bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc, nó có thể khiến người mắc nhìn mờ hoặc thậm chí mù vĩnh viễn một cách đột ngột. Nó tương tự như tắc động mạch võng mạc, đôi khi được gọi là đột quỵ mắt.
Võng mạc là một lớp mô mỏng nằm ở phía sau nhãn cầu. Nó biến ánh sáng thành tín hiệu đến não, diễn giải thành hình ảnh. Một khi tĩnh mạch võng mạc bị tắc nghẽn, máu không thể thoát ra khỏi võng mạc. Điều này làm tăng áp lực bên trong mắt, có thể gây chảy máu, sưng tấy và chảy nước mắt. Những người bị tiểu đường, huyết áp cao và các bệnh khác ảnh hưởng đến mạch máu có nhiều khả năng bị tắc tĩnh mạch võng mạc.
Những yếu tố khác cũng có thể làm tăng tỉ lệ mắc bệnh, bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Thừa cân
- Tuổi cao
- Xơ vữa động mạch
- Bệnh tăng nhãn áp
- Lymphoma
- Bệnh bạch cầu
- Bệnh đa tủy
- Chấn thương mắt
Các triệu chứng của tắc tĩnh mạch võng mạc
Các dấu hiệu của tắc tĩnh mạch võng mạc thật sự không rõ ràng để nhận biết. Một số người, đặc biêt là những người bị tắc nghẽn mạch máu thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, bạn có thể nghi ngờ nếu gặp các dấu hiệu như:
- Mờ hoặc mất thị lực một phần hoặc toàn bộ mắt.
- Điểm tối hoặc đường nổi xuất hiện trong tầm nhìn của bạn.
- Đau và cảm thấy có áp lực trong mắt.
Chuẩn đoán
Bác sĩ sẽ kiểm tra mắt và hỏi về bệnh sử của người bệnh. Sau khi nhỏ thuốc mắt, họ sẽ sử dụng một công cụ gọi là kính soi đáy mắt để kiểm tra võng mạc xem có dấu hiệu tắc nghẽn hay chảy máu không.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu họ thực hiện một xét nghiệm được gọi là chụp mạch huỳnh quang. Người bệnh sẽ được tiêm một loại thuốc vô hại để nó di chuyển đến mạch máu và đi đến võng mạc. Một loại máy ảnh đặc biệt sẽ chụp ảnh mắt và thông qua đó, bác sẽ có thể thấy bất kì sự bất thường nào trong mạch máu của người bệnh.
Đôi khi, họ cũng cần một bài kiểm tra gọi là chụp cắt lớp kết hợp quang học. Người bệnh sau khi được nhỏ thuốc để giãn đồng tử, một chiếc máy quét sẽ quét qua mắt bằng các tia sáng để tạo ra hình ảnh chi tiết về võng mạc.
Điều trị
Để bảo vệ đôi mắt và tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp với người bệnh. Các phương pháp điều trị phổ biến có thể kể đến là:
- Dùng thuốc tiêm: Có một loại thuốc tiêm được gọi là chất tăng trưởng nội mô chống mạch máu nhắm vào các chất gây tích tụ chất lỏng trong điểm vàng của mắt. Chất này giúp mắt giảm sưng và nhìn rõ hơn. Hoặc bác sĩ cũng có thể tiêm steroid vào mắt cho người bệnh.
- Liệu pháp laser tiêu điểm: Tia laze đốt cháy và bít các mạch máu gần điểm vàng. Điều này giúp chúng không bị rò rỉ ra ngoài. Võng mạch không có dây thần kinh đau nên người bệnh sẽ không cảm thấy khó chịu.
- Phẫu thuật bằng laser: Người bệnh có thể cần đến phương pháp này nếu phát triển các mạch máu mới trong mắt. Bác sĩ sẽ sử dụng tia laser để tạo những đường nhỏ trên võng mạc. Phương pháp điều trị này có thể giúp người bệnh lấy lại thị lực sau vài tháng. Nhưng cũng có trường hợp không thấy bất kì sự thay đổi nào.
Cách phòng ngừa
Điều quan trọng nhất để phòng ngừa căn bệnh này là phải giữ huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu ở mức ổn định. Nếu bạn bị tiểu đường, hãy kiểm tra mắt hằng năm.
Nếu bạn dùng thuốc tránh thai, hãy nói chuyện với bác sĩ bởi trong một vài trường hợp, nó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tắc tĩnh mạch võng mạc.