Một chàng trai họ Giang, 26 tuổi, sống tại Thiểm Tây (Trung Quốc) chia sẻ anh đã phải chung sống với chứng ra mồ hôi tay mất kiểm soát hơn 20 năm.
Tình trạng trên diễn ra quanh năm, tuy nhiên nó trở nên cực kỳ nghiêm trọng vào mùa hè và những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao. Ngoại trừ lúc đã ngủ say, cứ thức dậy là mồ hôi nhỏ thành giọt, cứ vừa lau xong 1 vài giây sau tay lại ướt đẫm, anh khổ sở vô cùng.
Anh Giang kể rằng từ nhỏ anh đã bị mọi người coi là “kẻ lập dị” và gặp rất nhiều khó khăn vì căn bệnh kỳ lạ này. Khi còn đi học, cứ hè đến là tay ướt đến mức không cầm chắc được bút, sách vở luôn ướt nhẹp, rách nát. Bài thi đại học của anh cũng không được điểm cao vì chữ vô cùng xấu, giấy nhàu nát vì anh không dám dùng tay chạm vào giấy thi.
Ngay cả khi trưởng thành, ra ngoài làm việc, bất cứ khi nào động đến giấy bút, anh phải mang găng tay hoặc mặc áo dài tay, lấy giấy ăn để lót tay. Chứng bệnh này ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và giao tiếp của anh, anh luôn cố gắng giữ bí mật với tất cả mọi người.
Khủng khiếp nhất là lúc hẹn hò với người khác giới anh luôn cảm thấy bất tiện và tự ti, thậm chí khi có bạn gái, anh chỉ dám nắm tay cô ấy mỗi khi mát trời hoặc trời mưa vì tay ít đổ mồ hôi hơn.
Lúc đầu, anh Giang nghĩ rằng đó là do sức khỏe của mình yếu ớt, “bệnh cơ địa” thì không chữa được, nhưng sau đó đi khám thì được chẩn đoán mắc chứng hyperhidrosis. Mặc dù anh đã thử uống thuốc bắc, điện trị liệu và các phương pháp điều trị khác nhưng cũng chỉ thuyên giảm chứ không thể chữa khỏi, cuối cùng, anh quyết định tiến hành phẫu thuật để chấm dứt “nỗi ám ảnh 26 năm” này.
Rất may, ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, anh Giang được xuất viện sau đó 2 ngày, chứng ra mồ hôi tay đã được giải quyết dứt điểm, anh hối hận vì đã không tìm đến bác sĩ sớm hơn.
BOX: Hyperhidrosis là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều trên toàn bộ cơ thể hoặc một phần da, phổ biến nhất là bàn tay và bàn chân. Ngay cả khi người bệnh không làm việc hoặc vận động, ở trong phòng điều hòa cũng sẽ ra mồ hôi, trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến công việc và đời sống xã hội, gây gánh nặng về tâm lý và thể chất.
Tỷ lệ mắc chứng hyperhidrosis đang tăng nhanh, nhất là ở người trẻ
Jing Baoli, Trưởng khoa Phẫu thuật tại Bệnh viện Chữ thập đỏ Tây An (Trung Quốc) chỉ ra rằng chứng tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis) là một chứng rối loạn tiết mồ hôi bất thường không rõ nguyên nhân, không liên tục và khó dùng thuốc để chữa dứt điểm. Cứ 300 người thì có 1 người mắc chứng bệnh này, biểu hiện chính là các dây thần kinh giao cảm hoạt động không bình thường.
Bác sĩ Cai Wenxing, Trưởng khoa Y học Cổ truyền Trung Quốc (Chi nhánh Côn Minh của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Hoa Thống Nhất, Đài Bắc) cũng đã nhiều lần chia sẻ trên chương trình truyền hình Sức khỏe 2.0 về chứng bệnh này.
Ông cho biết khi hệ thần kinh tự chủ bị rối loạn và hệ thần kinh giao cảm bị hưng phấn quá mức sẽ khiến tuyến mồ hôi tiết ra quá nhiều và gây ra hiện tượng tăng tiết mồ hôi. Hyperhidrosis không chỉ thường gặp ở những người dễ bị căng thẳng, công việc áp lực, quá cầu toàn hay bị vẹo cột sống mà còn mắc nhiều hơn ở nam giới, những người trẻ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, thường thức khuya.
Trong một cuộc phỏng vấn tờ báo Sky Post (Hồng Kông), bác sĩ da liễu nổi tiếng Chen Houyi cho biết, theo kinh nghiệm lâm sàng cho thấy số bệnh nhân mắc chứng hyperhidrosis đã tăng từ 20-30% trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu bạn mắc chứng bệnh này cũng có thể do các bệnh khác gây nên, chẳng hạn hormone thyroxine cao và các khối u.
Chúng ta có thể dễ dàng kiểm tra mức độ nghiêm trọng của chứng hyperhidrosis bằng khăn giấy. Ví dụ, dùng 1 chiếc khăn giấy thấm sạch mồ hôi và không ra thêm trong 1 khoảng thời gian thì bạn đang ở mức độ nhẹ, mất đến 2 chiếc khăn giấy thì bạn ở mức độ vừa, số lượng khăn giấy trên 3 và thời gian ướt lại dưới 5 phút là tình trạng nặng, cần phẫu thuật, hãy đến gặp bác sĩ sớm nhất để điều trị kịp thời.
Nguồn và ảnh: Sky Post, Asia One, Healthline