Khi con người ngủ, vỏ não ở trạng thái không hoạt động và bị ức chế, các chức năng sinh lý duy trì hoạt động ở tốc độ thấp, mức độ trao đổi chất giảm, nhịp tim chậm lại và huyết áp giảm xuống... Sau khi ngủ dậy, máu lưu thông chậm, cơ thể con người cần phải có một quá trình để chuyển từ trạng thái bị ức chế sang trạng thái hưng phấn.
Nếu đứng dậy mặc quần áo và tắm rửa ngay lập tức, cơ thể chưa kịp thích nghi, máu lưu thông cũng chậm hơn, không kịp vận chuyển oxy lên não sẽ dễ xảy ra các hiện tượng khó chịu như hoa mắt, chóng mặt, người trung niên và cao tuổi cũng dễ bị tai biến tim mạch và mạch máu não.
Chẳng hạn, bạn ngồi bật dậy khi nghe chuông báo thức reo, hay đột ngột đứng dậy đi vệ sinh, đây đều là những hành động nguy hiểm mà bạn vô ý thực hiện khi ngủ dậy. Đứng dậy đột ngột sẽ dễ làm tổn thương cơ cổ, cơ ức đòn chũm và dây chằng, dẫn đến trật khớp cổ chân, trường hợp nặng có thể xảy ra thiếu máu cục bộ động mạch đốt sống và thiếu máu cục bộ tạm thời.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên nằm trên giường một lúc để đề phòng tai nạn do đứng dậy quá mạnh.
Những điều bạn cần làm khi thức dậy là gì?
1. Dành thêm 5 phút nằm trên giường
Điều đầu tiên ngay khi bạn ngủ dậy không phải là đánh răng hay mở mắt mà là dành 5 phút trên giường. Sau khi ngủ dậy, bạn nên nằm trên giường vận động chân tay và đầu, đặc biệt là cổ, sau 5 phút hẵng thức dậy thì sẽ đỡ chóng mặt.
Lúc này, khoang ngực được mở rộng hoàn toàn, dựa vào sự co bóp của các cơ toàn thân và hít thở sâu hơn, nó có thể thúc đẩy ngay lập tức lưu thông máu, tăng cường cung cấp oxy, làm thuyên giảm mệt mỏi.
2. Gấp chăn... muộn lại một chút
Hầu hết mọi người sẽ gấp chăn gọn gàng sau khi ngủ dậy, thực tế thì đó không phải là điều tốt. Trong một đêm ngủ, da người sẽ tỏa ra một lượng lớn hơi nước làm cho chăn bị ẩm ở các mức độ khác nhau, nếu không được phát tán ra ngoài sẽ có một lượng lớn vi khuẩn sinh sôi, dễ khiến chăn trở thành "ổ bệnh", gây hại cho sức khoẻ.
Do đó, sau khi ngủ dậy, bạn nên lật ngược chăn, đồng thời mở các cửa ra vào và cửa sổ cho thoáng khí, sau đó mới gấp hoặc làm phẳng chăn.
3. Uống nước ấm
Uống một cốc nước ấm vào buổi sáng không chỉ bổ sung nước mà còn thải độc ruột và dạ dày, thúc đẩy quá trình đại tiện, giảm độ nhớt của máu, thúc đẩy tuần hoàn máu, ngăn ngừa các bệnh tim mạch và mạch máu não.
4. Massage đầu - mặt - cổ
Nhẹ nhàng xoa bóp đầu và mặt trong 5 phút vào mỗi buổi sáng, sau đó tiếp tục đến cổ, ấn vào chỗ lõm phía trên xương đòn. Xây dựng một thói quen tốt như vậy không chỉ có thể làm giảm sưng tấy, giúp khuôn mặt thon gọn mà còn rất sảng khoái.
5. Đi vệ sinh
Bạn nên đi vệ sinh sau khi ngủ dậy. Một khi hình thành được thói quen tốt này, nó sẽ có lợi cho cuộc sống. Bạn có thể ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ hơn và đi vệ sinh sau khi thức dậy vào buổi sáng. Theo thời gian, bạn có thể hình thành những thói quen tốt.
6. Ngắm cây xanh
Buổi sáng thức dậy, bạn nên ngắm cây xanh. Việc nhìn xa có thể giúp tăng thị lực và ngăn ngừa cận thị. Phương pháp cụ thể là giữ tư thế thích hợp, duy trì nhịp thở tự nhiên, hai mắt nhìn thẳng.
7. Ăn sáng đầy đủ
Bữa sáng hàng ngày rất quan trọng, cần đảm bảo dinh dưỡng nhẹ nhàng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cả ngày. Việc thường xuyên bỏ bữa sáng sẽ khiến cơ thể không đủ đường huyết, dễ bị suy nhược toàn thân, đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh.