“Ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus SARS-CoV-2, các loại vắc-xin phòng COVID-19 sẽ giúp làm giảm số trường hợp bị biến chứng nặng do mắc bệnh, giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh nhẹ và giảm nguy cơ tử vong”, GS Đức Anh nói.
Ông cho biết, hiện nay không có một loại vắc-xin nào có hiệu lực bảo vệ 100%, nghĩa là sau tiêm chủng vắc-xin vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã được tiêm có thể vẫn bị mắc bệnh.
Cũng giống như các loại vắc-xin giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, vắc-xin COVID-19 giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh mà không cần nhiễm bệnh. Nghĩa là khi tiêm vào cơ thể sinh ra kháng thể có thể chống lại virus.
Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng 70% - 85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.
Ngoài việc giúp cơ thể sinh ra kháng thể chống lại virus gây bệnh, vắc-xin COVID-19 còn có tác dụng là nếu vẫn mắc COVID-19 sau khi tiêm thì bệnh cảnh lâm sàng cũng nhẹ đi, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề, từ đó, làm giảm gánh nặng cho ngành Y tế.
Như vậy, vắc-xin phòng COVID-19 nói chung và vắc-xin AstraZeneca nói riêng không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế”, GS.TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh.
Đối với vắc-xin AstraZeneca, kết quả của một số nghiên cứu cho thấy sau khi là tiêm 1 liều vắc-xin từ 22-90 ngày vẫn có một số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng số trường hợp tử vong giảm đến 80% so với nhóm không tiêm chủng. Sau khi tiêm 2 mũi vắc xin, số trường hợp tử vong giảm đến gần 100%.
Điều này cho thấy tiêm chủng vắc-xin là biện pháp hiệu quả trong phòng bệnh, phòng các biến chứng và tử vong do bệnh gây ra.
Bộ Y tế khuyến cáo, để đảm bảo hiệu quả tối đa của vắc-xin COVID-19, mỗi người cần phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70% - 85% để có miễn dịch cộng đồng phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời sau khi tiêm chủng vắc-xin, mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch (thông điệp 5K) để đảm bảo an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng trước đại dịch COVID-19.
Cần thời gian để tạo miễn dịch đầy đủ
TS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thừa Thiê Huế cho biết, vấn đề thời điểm nào cơ thể tạo miễn dịch một cách đầy đủ sau khi tiêm vắc-xin COVID vẫn chưa có thống nhất trong các nghiên cứu, và còn tùy thuộc vào các loại vắc-xin cụ thể. Có nghĩa là, phải cần có thời gian để cơ thể nhận diện kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, cơ thể sẽ huy động hệ thống miễn dịch đáp ứng lại kháng nguyên và tạo ra lượng kháng thể đủ để bảo vệ cơ thể.
Như vậy, nếu vừa mới tiêm xong liều thứ hai vắc-xin COVID-19 thì chưa đủ thời gian để cơ thể tạo kháng thể bảo vệ, vì vậy vẫn có thể phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 và mắc COVID-19.
Đáp ứng của hệ thống miễn dịch đối với vắc-xin COVID-19 khác nhau ở từng cá thể nhất định, và kết quả tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể cao thấp khác nhau. Người có tỷ lệ miễn dịch càng cao đối với virus SARS-CoV-2, khả năng mắc bệnh COVID-19 sẽ càng thấp.
Nghiên cứu đã cho thấy, người đã tiêm đầy đủ vắc-xin ít có khả năng phát triển các triệu chứng so với khi chưa tiêm chủng. Nhưng hệ thống miễn dịch có thể không khống chế virus hoàn toàn, vẫn có một số virus SARS-CoV-2 tồn tại và sinh sản và bị tống xuất ra khỏi mũi hoặc miệng qua hơi thở, ho hoặc hắt hơi.
Rõ ràng giả thuyết vừa nêu không dễ loại bỏ, không ai có thể chắc chắn điều này có thực sự xảy ra hay không hoặc nếu nó xảy ra thường xuyên vẫn có thể làm phát tán virus hoạt động để gây bệnh cho người khác.